Cuộc chiến thương mại điện tử chưa đến hồi kết thì lại cuộc chiến khác được châm ngòi đó chính là Cuộc chiến xây dựng mạng xã hội. Mạng xã hội có tiềm năng phát triển khá lớn tại Việt Nam khi Facebook đang nắm giữ phần đông trong miếng bánh này. Đã có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có ý tưởng để xây dựng một mạng xã hội riêng “Made in Việt Nam” như: Vietnamta, Gapo, Vcnet … Vậy thủ tục để đăng ký mạng xã hội tại Việt Nam là như thế nào? hãy tham khảo bài viết xin giấy phép mạng xã hội của Luật sư X.
Cơ sở pháp lý:
- Luật doanh nghiệp 2014
- Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;
- Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
- Nghị định số 150/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông;
GIẤY PHÉP MẠNG XÃ HỘI
Công dân được kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm – Đây là quyền tự do kinh doanh được Hiến định. Mặc dù vậy, việc kinh doanh đôi khi gặp những rào cản khác nhau về việc phải chấp hành những điều kiện đi kèm (giấy phép con) để được hoạt động trong những lĩnh vực đặc thù – Cụ thể là Mạng xã hội.
Mạng xã hội được coi là một “xã hội thu nhỏ” trên nền tảng internet. Tư duy quản lý với “xã hội thu nhỏ” này là phải được sự chấp thuận và cấp phép của các cơ quan quản lý nhà nước để được hoạt động một cách hợp pháp. Sự không được cho phép thành lập mạng xã hội dẫn đến nhiều hệ quả cho những doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lĩnh vực này, cụ thể:
Điều 63. Vi phạm quy định về giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không làm thủ tục đề nghị cấp lại khi giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã bị mất hoặc bị hư hỏng.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp nhưng không có giấy phép hoặc sử dụng giấy phép hết hạn.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thiết lập mạng xã hội nhưng không có giấy phép hoặc sử dụng giấy phép hết hạn.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.
Có thể thấy rằng, mức xử phạt đối với việc không có giấy phép mạng xã hội trực tuyến lên tới con số là 30 triệu đồng. Mức xử phạt bằng tiền có thể không lớn đối với doanh nghiệp công nghệ thông tin nhưng sẽ có những chế tài bổ sung bao gồm việc tịch thu phương tiện vi phạm, ví dụ: máy móc, thiết bị, máy chủ, tên miền … Một thiệt hại nặng nề nếu không xin giấy phép thành lập mạng xã hội.
1. Mạng xã hội là gì?
Mạng xã hội là một thuật ngữ mới trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Khái niệm Mạng xã hội được diễn giải cụ thể trong Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP cụ thể như sau:
22. Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.
Như vậy có thể thấy rằng, mạng xã hội có thể được phát triển dưới những hình thái khác nhau như:
- Các diễn đàn (forum): Nổi lên ở giai đoạn 2005 đến 2010 gồm những diễn đàn nổi tiếng như: Vozforum, Truongton, Seomxh…
- Các trò chuyện trực tuyến, chia sẻ âm thanh: Zalo, viber…
Về lý thuyết thì việc kinh doanh mạng xã hội tại Việt Nam là quyền của doanh nghiệp nghiệp (cá nhân, hộ kinh doanh hay hợp tác xã không được phép kinh doanh loại hình này), tuy nhiên để được kinh doanh hợp pháp thì doanh nghiệp cần phải đáp ứng những điều kiện nhất định.
2. Điều kiện kinh doanh mạng xã hội tại Việt Nam
Như đã nói, việc kinh doanh hay xin giấy phép thành lập mạng xã hội thì doanh nghiệp cần phải đáp ứng nhiều điều kiện khác nhau -sân chơi này không phải sân chơi cho những doanh nghiệp nhỏ. Những điều kiện này được quy định tại Điều 23 Nghị định 72/2013/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 27/2018/NĐ-CP) như sau:
Điều 23. Quản lý việc thiết lập trang thông tin điện tử, mạng xã hội
5. Tổ chức, doanh nghiệp được cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép thiết lập mạng xã hội khi có đủ các Điều kiện sau đây:
a) Là tổ chức, doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ hoặc ngành nghề đăng ký kinh doanh phù hợp với dịch vụ và nội dung thông tin cung cấp đã được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;
b) Có tổ chức, nhân sự đáp ứng theo quy định tại Điều 23a Nghị định này;
c) Đã đăng ký tên miền sử dụng để thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và đáp ứng quy định tại Điều 23b Nghị định này;
d) Đáp ứng các Điều kiện về kỹ thuật theo quy định tại Điều 23c Nghị định này;
đ) Có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin và quản lý thông tin theo quy định tại Điều 23d Nghị định này.
Như vậy, để xin giấy phép mạng xã hội về cơ bản doanh nghiệp cần phải:
- Được thành lập hợp pháp theo quy định pháp luật
- Có tổ chức, nhân sự, tài chính phù hợp
- Đã đăng ký tên miền (đặc biệt phải có tên miền .vn)
- Đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật
- Bảo đảm an toàn thông tin và quản lý thông tin
Những điều kiện này được hợp thức hóa bằng những cam kết, đề án hoạt động của doanh nghiệp sau này xin cấp phép đăng ký mạng xã hội.
Như đã nói, mạng xã hội được coi là “xã hội thu nhỏ” nên doanh nghiệp khi kinh doanh ngành nghề này cần phải có những nghĩa vụ nhất định khi thiết lập. Điều này được cụ thể hóa tại Điều 25 Nghị định 72/2013/NĐ-CP nói trên:
Điều 25. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội
Tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội có quyền và nghĩa vụ sau đây:
1. Cung cấp dịch vụ mạng xã hội cho công cộng trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp Luật;
2. Công khai thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội;
3. Có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng; thông báo cho người sử dụng về quyền, trách nhiệm và các rủi ro khi lưu trữ, trao đổi và chia sẻ thông tin trên mạng;
4. Bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng khi cho phép thông tin cá nhân của mình được cung cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác;
5. Không được chủ động cung cấp thông tin công cộng có nội dung vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định này;
6. Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để loại bỏ hoặc ngăn chặn thông tin có nội dung vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định này khi có yêu cầu;
7. Cung cấp thông tin cá nhân và thông tin riêng của người sử dụng có liên quan đến hoạt động khủng bố, tội phạm, vi phạm pháp Luật khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
8. Có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với việc cung cấp dịch vụ theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;
9. Thực hiện việc đăng ký, lưu trữ và quản lý thông tin cá nhân của người thiết lập trang thông tin điện tử cá nhân và người cung cấp thông tin khác trên mạng xã hội theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bảo đảm chỉ những người đã cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân theo quy định mới được thiết lập trang thông tin điện tử cá nhân hoặc cung cấp thông tin trên mạng xã hội;
10. Báo cáo theo quy định và chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, bằng những điều khoản và cơ chế quản lý trên nền tảng mạng xã hội thì doanh nghiệp cần phải có cơ cấu để thực thi, cam kết những quyền và nghĩa vụ của người sử dụng mạng xã hội, đó là:
Điều 26. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội
Ngoài quyền và nghĩa vụ của người sử dụng Internet quy định tại Điều 10 Nghị định này, người sử dụng dịch vụ mạng xã hội còn có quyền và nghĩa vụ sau đây:
1. Được sử dụng dịch vụ của mạng xã hội trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp Luật.
2. Được bảo vệ bí mật thông tin riêng và thông tin cá nhân theo quy định của pháp Luật.
3. Tuân thủ quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
4. Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.
Có thể nói, đây là nội quy để sử dụng mạng xã hội một cách văn minh và có văn hóa. Nội dung chia sẻ trên mạng xã hội cung cấp sự cân nhắc, chịu trách nhiệm pháp lý nếu xảy ra vấn đề. Vì vậy cũng có thể nói đây là thách thức cũng như cơ hội của những mạng xã hội phát triển tại Việt Nam.
3. Thủ tục thành lập mạng xã hội tại Việt Nam
Là cuộc chơi của những ông lớn, việc đầu tư cơ sở vật chất để tạo lập một mạng xã hội không hề đơn giản. Những vấn đề về nhân sự, bộ máy, phần mềm, máy chủ … cũng như vấn đề về pháp lý là vấn đề mà chủ sở hữu mạng xã hội sẽ phải đau đầu. Vậy để thành lập, đăng ký một mạng xã hội tại Việt Nam thì cần thực hiện quy trình thế nào?
Để tiện cho quý vị có bức tranh toàn cảnh, Luật sư X xin chia thủ tục thành lập mạng xã hội thành những “Bước” thực hiện sau đây:
Bước 1: Soạn thảo hồ sơ xin phép thành lập mạng xã hội
Song song với việc “setup” một cơ chế, nhân sự, hạ tầng thì việc soạn thảo bộ hồ sơ đăng ký mạng xã hội với Cơ quan chức năng cũng là một điều rất quan trọng. Thành phần hồ sơ cấp giấy phép mạng xã hội trực tuyếnbao gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép thiết lập mạng xã hội (Theo mẫu có sẵn tại Nghị định số 27/2018/NĐ-CP)
- Tham khảo thêm mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép thiết lập mạng xã hội tại đây
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư, Quyết định thành lập hoặc các giấy phép tương đương (Bản sao có công chứng chứng thực);
- Điều lệ công ty họat động có những nội dung đề cập và phù hợp với việc thành lập mạng xã hội;
- Tham khảo thêm: Mẫu điều lệ công ty
- Đề án hoạt động mạng xã hội: Lưu ý có chữ ký, dấu của người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép, bao gồm các nội dung chính:
- Các loại hình dịch vụ; phạm vi, lĩnh vực thông tin trao đổi;
- Phương án tổ chức nhân sự, kỹ thuật, quản lý thông tin, tài chính nhằm bảo đảm hoạt động của mạng xã hội phù hợp với các quy định tại điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 5 Điều 23 Nghị định số 27/2018/NĐ-CP và khoản 1, khoản 2 Điều 2 Nghị định số 150/2018/NĐ-CP; thông tin địa điểm đặt hệ thống máy chủ tại Việt Nam;
- Tham khảo thêm mẫu đề án hoạt động mạng xã hội tại Việt Nam.
- Thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội phải có tối thiểu các nội dung sau:
- Các nội dung cấm trao đổi, chia sẻ trên mạng xã hội;
- Quyền, trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội;
- Quyền, trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội;
- Cơ chế xử lý đối với thành viên vi phạm thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội;
- Cảnh báo cho người sử dụng các rủi ro khi lưu trữ, trao đổi và chia sẻ thông tin trên mạng;
- Cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các thành viên mạng xã hội với tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội hoặc với tổ chức, cá nhân khác; công khai việc có hay không thu thập, xử lý các dữ liệu cá nhân của người sử dụng dịch vụ trong thỏa thuận cung cấp sử dụng dịch vụ mạng xã hội; chính sách bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội;
- Tham khảo thỏa thuận cung cấp và sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam.
Doanh nghiệp thu thập và chuẩn bị bộ hồ sơ nói trên với số lượng là 1 bộ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải đáp ứng những điều kiện chi tiết như sau để xin giấy phép mạng xã hội:
Điều kiện về nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin:
- Có ít nhất 01 nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin là người có quốc tịch Việt Nam hoặc đối với người nước ngoài có thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp còn thời hạn ít nhất 06 tháng tại Việt Nam kể từ thời điểm nộp hồ sơ;
- Tham khảo thêm: Thủ tục xin giấy phép lao động cho người nước ngoài.
- Có bộ phận quản lý nội dung thông tin:
Điều kiện về nhân sự bộ phận kỹ thuật: Có ít nhất 01 nhân sự quản lý nội dung thông tin và 01 nhân sự quản lý kỹ thuật.
Đã đăng ký tên miền sử dụng để thiết lập mạng xã hội đáp ứng các quy định:
- Đối với tổ chức, doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí, dãy ký tự tạo nên tên miền không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí.
- Trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội sử dụng ít nhất 01 tên miền “.vn” và lưu giữ thông tin tại hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam.
- Trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội của cùng tổ chức, doanh nghiệp không được sử dụng cùng tên miền có dãy ký tự giống nhau (bao gồm cả tên miền thứ cấp, ví dụ: forum.vnn.vn, news.vnn.vn là tên miền có dãy ký tự khác nhau).
- Tên miền phải tuân thủ quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet. Đối với tên miền quốc tế phải có xác nhận sử dụng tên miền hợp pháp.
Đáp ứng các điều kiện về kỹ thuật theo quy định sau:
- Lưu trữ tối thiểu 02 năm đối với các thông tin về tài khoản, thời gian đăng nhập, đăng xuất, địa chỉ IP của người sử dụng và nhật ký xử lý thông tin được đăng tải;
- Tiếp nhận và xử lý cảnh báo thông tin vi phạm từ người sử dụng;
- Phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn truy nhập bất hợp pháp, các hình thức tấn công trên môi trường mạng và tuân theo những tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thông tin;
- Có phương án dự phòng bảo đảm duy trì hoạt động an toàn, liên tục và khắc phục khi có sự cố xảy ra, trừ những trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật;
- Đảm bảo phải có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, cho phép tại thời điểm bất kỳ có thể đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin trên toàn bộ các trang thông tin điện tử, mạng xã hội do tổ chức, doanh nghiệp sở hữu theo quy định tại các điểm a, b, c, d và đ Khoản này;
- Thực hiện đăng ký, lưu trữ thông tin cá nhân của thành viên, bao gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; số điện thoại và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp người sử dụng Internet dưới 14 tuổi và chưa có chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu, người giám hộ hợp pháp quyết định việc đăng ký thông tin cá nhân của người giám hộ theo quy định tại điểm này để thể hiện sự cho phép và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký đó;
- Thực hiện việc xác thực người sử dụng dịch vụ thông qua tin nhắn gửi đến số điện thoại hoặc đến hộp thư điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ hoặc thay đổi thông tin cá nhân;
- Ngăn chặn hoặc loại bỏ thông tin vi phạm các quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 27/2018/NĐ-CP khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
- Thiết lập cơ chế cảnh báo thành viên khi đăng thông tin có nội dung vi phạm (bộ lọc).
Có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin và quản lý thông tin theo quy định sau:
- Có thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội phù hợp theo các quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 23 đ Nghị định 27/2018/NĐ-CP và được đăng tải trên trang chủ của mạng xã hội;
- Bảo đảm người sử dụng phải đồng ý thỏa thuận sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng phương thức trực tuyến thì mới có thể sử dụng được các dịch vụ, tiện ích của mạng xã hội;
- Có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm khoản 1 Điều 5 Nghị định số 27/2018/NĐ-CP chậm nhất sau 03 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan cấp phép (bằng văn bản, điện thoại, email);
- Có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng;
- Bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng trong việc cho phép thu thập thông tin cá nhân của mình hoặc cung cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền cấp phép đăng ký thành lập mạng xã hội là Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Trực thuộc Bộ thông tin và truyền thông). Thực hiện thủ tục đăng ký thành lập mạng xã hội có thể thực hiện qua cách thức như sau:
- Nộp hồ sơ thành lập mạng xã hội tại trụ sở chính Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử tại Tầng 9, Tòa nhà Cục Tần số vô tuyến điện, 115 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội
- Nộp hồ sơ thành lập mạng xã hội qua đường bưu điện
- Nộp hồ sơ thành lập mạng xã hội online qua internet qua công thông tin điện tử mạng xã hội có địa chỉ tại: https://dvc.mic.gov.vn
Bước 3: Nhận kết quả phép đăng ký mạng xã hội.
- Thời gian giải quyết thủ tục hành chính thành lập mạng xã hội là 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
- Trong trường hợp cần sửa đổi bổ sung hồ sơ thì doanh nghiệp phải thực hiện và tiến hành lại thủ tục: Đợi thêm thời gian là 30 ngày.
Có thể thấy rằng, vì tính chất phức tạp của loại hình kinh doanh này buộc cơ quan quản lý phải có những yêu cầu về thành phần hồ sơ khá phức tạp. Hi vọng bài viết này đã giúp quý vị hiểu được quy trình để xin giấy phép mạng xã hội tại Việt Nam.
DỊCH VỤ CẤP GIẤY PHÉP MẠNG XÃ HỘI
Để thuận tiện hơn trong quá trình hoạt động, đăng ký mạng xã hội. Luật sư X xin cung cấp dịch vụ xin cấp giấy phép thành lập mạng xã hội chuyên nghiệp nhất. Sử dụng dịch vụ cấp giấy phép mạng xã hội, Quý vị sẽ được hưởng những tiện ích:
- Tư vấn quy trình và các bước triển thủ tục đăng ký mạng xã hội;
- Soạn thảo hồ sơ đăng ký giấy phép mạng xã hội;
- Tư vấn quá trình cung cấp dịch vụ cũng như đại diện thực hiện quá trình cấp giấy phép bao gồm: Nộp hồ sơ, sửa đổi bổi sung, nhận kết quả, khiếu nại (nếu có);
- Hỗ trợ, đề xuất sửa đổi bổ sung để phù hợp điều kiện cấp phép;
- Bàn giao kết quả hợp lệ: Giấy chứng nhận đăng ký mạng xã hội tại Việt Nam
Hiện tại theo Thống kê của Bộ thông tin và truyền thông thì cả nước có hơn 500 mạng xã hội. Hãy đăng ký ngay để bắt kịp xu thế bằng cách liên hệ với tôi qua số điện thoại: 0833 102 102 (Phím số 1)
Hy vọng bài viết xin giấy phép mạng xã hội có ích với bạn!