Trong thời đại hội nhập quốc tế, hoạt động giao thương, mua bán hàng hóa giữa các quốc gia ngày càng phát triển. Nhiều năm trở lại đây, với chính sách mở cửa hội nhập bạn bè quốc tế, hoạt động ra vào cảng, thuê tàu, … ngày càng phổ biến. Kéo theo đó, ngành nghề kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển cũng ngày càng phát triển. Vậy, khi kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển cần đáp ứng những điều kiện gì? Đại lý tàu biển được phép thực hiện những hoạt động gì? … Để giải đáp những thắc mắc này, mời bạn đọc cùng tìm hiểu bài viết “Điều kiện kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển” dưới đây
Điều kiện kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển
Xét về bản chất, kinh doanh địch vụ đại lý tàu biển có nhiều nét tương đồng với kinh doanh đại lý thương mại. Tuy nhiên, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển là ngành, nghề mang tính chất đặc thù, có liên quan trực tiếp đến tàu biển hoạt động tại cảng. Ví dụ như: hoạt động ra/ vào cảng, giao/ nhận hàng hóa, …
Do đó, để kinh doanh ngành, nghề này, doanh nghiệp cần đáp ứng những điều kiện cơ bản mà pháp luật quy định tại Điều 242 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 như sau:
“1. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển tại Việt Nam phải được thành lập theo quy định của pháp luật; trường hợp là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải bảo đảm phần vốn góp theo quy định.
2. Có người chuyên trách thực hiện khai thác dịch vụ đại lý tàu biển và người chuyên trách công tác pháp chế.
3. Nhân viên đại lý tàu biển phải là công dân Việt Nam và có chứng chỉ chuyên môn về đại lý tàu biển.”
Đồng thời, Khoản 4 Điều 3 Nghị định 147/2018/NĐ-CP hướng dẫn thêm như sau: “Nhân viên đại lý tàu biển phải là công dân Việt Nam, đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp chứng chỉ chuyên môn về đại lý tàu biển theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.”
Đại lý tàu biển thực hiện các hoạt động gì?
Đại lý là quan hệ mà trong đó một bên – bên đại lí bằng danh nghĩa của chính mình thực hiện một hoặc một số công việc theo sự ủy thác của bên còn lại – bên giao đại lí để hưởng thù lao. Theo đó, đại lý tàu biển được hiểu là dịch vụ mà người đại lý tàu biển nhân danh chủ tàu hoặc người khai thác tàu tiến hành các dịch vụ liên quan đến tàu biển hoạt động tại cảng.
Tại Điều 235 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 đã liệt kê rất cụ thể các hoạt động của đại lý tàu biển bao gồm: “[…] việc thực hiện các thủ tục tàu biển đến, rời cảng; ký kết hợp đồng vận chuyển, hợp đồng bảo hiểm hàng hải, hợp đồng bốc dỡ hàng hóa, hợp đồng thuê tàu, hợp đồng thuê thuyền viên; ký phát vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương; cung ứng vật tư, nhiên liệu, thực phẩm, nước sinh hoạt cho tàu biển; trình kháng nghị hàng hải; thông tin liên lạc với chủ tàu hoặc người khai thác tàu; dịch vụ liên quan đến thuyền viên; thu, chi các khoản tiền liên quan đến hoạt động khai thác tàu; giải quyết tranh chấp về hợp đồng vận chuyển hoặc về tai nạn hàng hải và dịch vụ khác liên quan đến tàu biển.“
Hồ sơ và thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển
Như phân trên đã phân tích, một trong những điều kiện cơ bản để kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển thì công ty kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển phải được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam, hay nói cách khác là được thành lập hợp pháp ở Việt Nam. Giống như những công ty thông thường, để được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, công ty kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp và thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp theo đúng trình tự mà pháp luật quy định.
Hồ sơ đăng ký thành lập công ty kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển
Theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP, đối với từng loại hình công ty khác nhau mà hồ sơ đăng ký thành lập sẽ bao gồm những loại giấy tờ, tài liệu khác nhau. Cụ thể như sau:
Hồ sơ đăng ký thành lập công ty tư nhân:
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
2. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.
Hồ sơ đăng ký thành lập công ty hợp danh, công ty TNHH (một thành viên/ hai thành viên trở lên), công ty cổ phẩn:
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
2. Điều lệ công ty;
3. Danh sách thành viên: (trừ công ty TNHH một thành viên):
- Danh sách thành viên hợp danh (Đối với công ty hợp danh);
- Danh sách thành viên (Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên);
- Danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (Đối với công ty cổ phần).
4. Bản sao các giấy tờ sau đây:
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. Đối với thành viên, cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển
Thủ tục đăng ký thành lập công ty kinh doanh dịch vụ đại lý được thực hiện theo trình tự được quy định tại Điều 32 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính
Bước 2: Phòng Đăng ký kinh doanh tiếp nhận hồ sơ và nhập thông tin vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có đủ giấy tờ theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP;
- Tên doanh nghiệp đã được điền vào Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Giấy đề nghị đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
- Có địa chỉ liên lạc của người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp;
- Đã nộp đủ phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.
Bước 4: Phòng Đăng ký kinh doanh nhập đầy đủ, chính xác thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và tải các văn bản đã được số hóa trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 5: Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cập nhật thông tin thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không đúng theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
Quy định trách nhiệm của người đại lý tàu biển và người ủy thác
Xét về bản chất, quan hệ giữa người đại lý tàu biển và người ủy thác là quan hệ hợp đồng. Do đó, quyền và trách nhiệm của các bên đa phần được xây dựng dựa trên cơ sở thỏa thuận, thống nhấn ý chí của cả hai bên. Mặc dù vậy, để đảm bảo sự bình đẳng và bảo vệ quyền và lợi ích của mỗi bên trong quan hệ hợp đồng đại lý tàu biển, Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 đã quy định cụ thể trách nhiệm của người đại lý tàu biển cũng như người ủy thác.
Thứ nhất, trách nhiệm của người đại lý tàu biển:
- Người đại lý tàu biển có trách nhiệm tiến hành các hoạt động cần thiết để bảo vệ chu đáo quyền và lợi ích hợp pháp của người ủy thác; phải chấp hành các yêu cầu và chỉ dẫn của người ủy thác; nhanh chóng thông báo cho người ủy thác về các sự kiện liên quan đến công việc được ủy thác; tính toán chính xác các khoản thu, chi liên quan đến công việc được ủy thác.
- Người đại lý tàu biển có trách nhiệm bồi thường cho người ủy thác thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
(Điều 238 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015)
Thứ hai, trách nhiệm của người ủy thác:
- Người ủy thác có trách nhiệm hướng dẫn người đại lý tàu biển thực hiện dịch vụ đã ủy thác khi cần thiết và phải ứng trước theo yêu cầu của người đại lý tàu biển khoản tiền dự chi cho dịch vụ được ủy thác.
- Trường hợp người đại lý tàu biển có hành động vượt quá phạm vi ủy thác thì người ủy thác vẫn phải chịu trách nhiệm về hành động đó, nếu ngay sau khi nhận được thông tin này mà người ủy thác đã không thông báo cho những người liên quan biết là mình không công nhận hành động này của người đại lý tàu biển.
(Điều 239 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015)
Mời bạn xem thêm:
- Quy định về đặt tên cho tàu biển Việt Nam theo quy định của Bộ luật Hàng hải
- Hồ sơ đăng ký tàu cá năm 2023 bao gồm những gì?
- Thủ tục đăng ký thế chấp tàu biển chi tiết theo quy định 2023
Trên đây là một số nội dung tư vấn của LSX xoay quanh vấn đề “Điều kiện kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển“. Trong quá trình tìm hiểu bài viết và các vấn đề pháp lý liên quan, nếu có thắc mắc, độc giả có thể liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Câu hỏi thường gặp:
Căn cứ Điều 237 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015, hợp đồng đại lý tàu biển là hợp đồng được giao kết bằng văn bản giữa người ủy thác và người đại lý tàu biển, theo đó người ủy thác ủy thác cho người đại lý tàu biển thực hiện các dịch vụ đại lý tàu biển đối với từng chuyến tàu hoặc trong một thời hạn cụ thể.
Căn cứ Khoản 1 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2020, người thành lập doanh nghiệp được ký hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.
Như vậy, người thành lập công ty kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển chỉ được phép ký các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước khi đăng ký doanh nghiệp như: Hợp đồng thuê, mua mặt bằng kinh doanh, hợp đồng thỏa thuận góp vốn, … mà không thể ký hợp đồng đại lý tàu biển.