Việc đổi ngoại tệ là một trong những giao dịch tương đối phổ biến trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên không phải ai cũng biết quy định của pháp luật về vấn đề này, đặc biệt là về các tỉ giá trao đổi cũng như các hoạt động sử dụng đồng ngoại tệ. Vậy nên, chuyển đổi ngoại tệ cần lưu ý những vấn đề gì? Luật Sư X sẽ giải đáp cho bạn ngay sau đây.
Cơ sở pháp lý
-
Pháp lệnh ngoại hối 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2013;
-
Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng;
-
Nghị định 89/2016/NĐ-CP về đại lý đổi ngoại tệ;
-
Thông tư 32/2018/TT-NHNN hướng dẫn quy trình chuyển đổi ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước cho dự án được Chính phủ cam kết bảo lãnh và hỗ trợ chuyển đổi ngoại tệ;
-
Thông tư 20/2011/TT-NHNN về mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng.
Nội dung tư vấn
1. Ngoại tệ là gì?
Câu trả lời cho câu hỏi ngoại tệ là gì thật ra chất rất đơn giản. “Ngoại” là ngoài, “tệ” là tiền, “ngoại tệ” có nghĩa. Là đồng tiền của nước ngoài dùng cho việc thông thương và mậu dịch. Là loại tiền không phải do ngân hàng trung ương nước đó phát hành nhưng được chấp nhận trong thanh toán quốc tế. Được dùng để chi trả trực tiếp hoặc thông qua một đồng tiền thứ ba.
2. Đổi ngoại tệ ở đâu là hợp pháp?
Tại Điều 3 của Thông tư 20/2011/TT-NHNN quy định: Việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân phải được thực hiện tại các địa điểm được phép mua, bán ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Riêng việc bán ngoại tệ còn có thể được thực hiện tại các đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép. Các đại lý đổi ngoại tệ là các tổ chức kinh tế đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Nghị định 89/2016/NĐ-CP. Cụ thể, tại Điều 4 Nghị định 89/2016/NĐ-CP về điều kiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ cung ứng dịch vụ nhận chi trả ngoại tệ tổ chức kinh tế thì Tổ chức kinh tế chỉ được thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ. Điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ:
“1. Được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Có địa điểm đặt đại lý đổi ngoại tệ tại một hoặc nhiều địa điểm theo quy định sau:
a) Cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan quản lý nhà nước về du lịch xếp hạng từ 3 sao trở lên;
b) Cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường không, đường thủy);
c) Khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài được cấp phép theo quy định pháp luật;
d) Văn phòng bán vé của các hãng hàng không, hàng hải, du lịch của nước ngoài và văn phòng bán vé quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam;
đ) Khu du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị có khách nước ngoài tham quan, mua sắm.
3. Có cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu hoạt động của đại lý đổi ngoại tệ sau đây:
a) Có nơi giao dịch riêng biệt (phòng hoặc quầy giao dịch không gắn liền với các hoạt động kinh doanh khác, chỉ chuyên làm dịch vụ đổi ngoại tệ);
b) Nơi giao dịch phải trang bị đầy đủ các phương tiện làm việc tối thiểu bao gồm điện thoại, máy fax, két sắt, bảng thông báo tỷ giá công khai, bảng hiệu ghi tên tổ chức tín dụng ủy quyền và tên đại lý đổi ngoại tệ.
4. Nhân viên trực tiếp làm ở đại lý đổi ngoại tệ phải có Giấy xác nhận do tổ chức tín dụng ủy quyền cấp, xác nhận đã được đào tạo, tập huấn kỹ năng nhận biết ngoại tệ thật, giả.
5. Có quy trình nghiệp vụ đổi ngoại tệ, có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình đổi ngoại tệ.
6. Được tổ chức tín dụng được phép ủy quyền làm đại lý đổi ngoại tệ.
7. Một tổ chức kinh tế chỉ được làm đại lý đổi ngoại tệ cho một tổ chức tín dụng được phép và tổ chức kinh tế có thể thỏa thuận đặt đại lý đổi ngoại tệ ở một hoặc nhiều địa điểm trên địa bàn nơi tổ chức kinh tế có trụ sở chính hoặc chi nhánh.”
Như vậy, một tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ khi đáp ứng đủ điều kiện nêu trên. Để biết chính xác địa điểm mua, bán ngoại tệ hợp pháp, người dân có thể truy cập website của các tổ chức tín dụng và thực hiện mua, bán ngoại tệ tại các địa điểm này để không bị xử phạt.
3. Cần lưu ý điều gì khi đổi ngoại tệ?
Tại Điều 4 Thông tư 32/2018/TT-NHNN hướng dẫn quy trình chuyển đổi ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước cho dự án được Chính phủ cam kết bảo lãnh và hỗ trợ chuyển đổi ngoại tệ, có hiệu lực từ 01/02/2019, có quy định khi chuyển đổi ngoại tệ cần lưu ý vấn đề sau:
-
Doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư chủ động thực hiện chuyển đổi số lượng tiền đồng Việt Nam trên tài khoản số 1 sang ngoại tệ trên thị trường theo các mục đích quy định tại GGU;
-
Vào ngày thông báo tỷ giá, doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư phải thông báo cho Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) về số lượng đồng Việt Nam cần chuyển đổi và một (01) ngân hàng chuyển đổi được chỉ định để thực hiện chuyển đổi ngoại tệ cho dự án;
-
Trường hợp trạng thái ngoại tệ của ngân hàng chuyển đổi ở mức âm hoặc mức dương nhưng không đáp ứng được hết nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ của các dự án tại cùng một thời điểm, ngân hàng chuyển đổi hoặc doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư (thông qua ngân hàng chuyển đổi) xác định số lượng đồng Việt Nam cần bảo lãnh, hỗ trợ chuyển đổi còn lại để thực hiện việc chuyển đổi ngoại tệ theo quy định tại Điều 5 Thông tư này;
-
Trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư và ngân hàng chuyển đổi về số lượng đồng Việt Nam cần bảo lãnh, hỗ trợ chuyển đổi còn lại xác định tại khoản 3 Điều này, Ngân hàng Nhà nước xem xét thực hiện bán ngoại tệ cho ngân hàng chuyển đổi theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.
4. Quy trình chuyển đổi sang ngoại tệ
Tại Điều 5 Thông tư 32/2018/TT-NHNN hướng dẫn quy trình chuyển đổi ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước cho dự án được Chính phủ cam kết bảo lãnh và hỗ trợ chuyển đổi ngoại tệ, có hiệu lực từ 01/02/2019, có quy định quy trình thực hiện chuyển đổi ngoại tệ như sau:
4. 1. Đối với nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ được Chính phủ cam kết bảo lãnh chuyển đổi
Bước 1: Trường hợp doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư không thực hiện chuyển đổi được ngoại tệ trên thị trường, trong phạm vi số ngày quy định tại GGU của từng dự án, doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư (thông qua ngân hàng chuyển đổi) xác định số lượng đồng Việt Nam cần bảo lãnh chuyển đổi còn lại theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này gửi ngân hàng chuyển đổi kèm theo hóa đơn (được quy định tại GGU của từng dự án);
Bước 2: Vào ngày đề nghị chuyển đổi, ngân hàng chuyển đổi gửi công văn kèm theo hóa đơn (được quy định tại GGU của từng dự án) đề nghị Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) bán số lượng ngoại tệ tương ứng với số lượng đồng Việt Nam cần bảo lãnh chuyển đổi còn lại;
Bước 3: Trong phạm vi số ngày quy định tại GGU của từng dự án, vào ngày chuyển đổi, căn cứ quy định tại GGU, trạng thái ngoại tệ của ngân hàng chuyển đổi quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này và các quy định khác tại Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thực hiện kiểm tra hóa đơn, chứng từ liên quan và bán ngoại tệ từ Quỹ Bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng cho ngân hàng chuyển đổi theo tỷ giá thông báo.
Trong thời hạn quy định tại Điểm này, doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư được tiếp tục tự chuyển đổi ngoại tệ trên thị trường. Trường hợp doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư chuyển đổi được ngoại tệ trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán số ngoại tệ cần bảo lãnh chuyển đổi còn thiếu trên cơ sở kiểm tra hóa đơn, chứng từ liên quan;
Bước 4: Trong thời hạn hai (02) ngày làm việc kể từ ngày chuyển đổi, ngân hàng chuyển đổi thực hiện bán ngoại tệ và chuyển vào tài khoản số 2 hoặc tài khoản ở nước ngoài (theo quy định tại GGU của từng dự án) của doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư theo tỷ giá thông báo.
4.2. Đối với nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ được Chính phủ cam kết hỗ trợ chuyển đổi
Bước 1: Trong thời hạn hai (02) tuần kể từ ngày thanh toán, doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư thực hiện chuyển đổi ngoại tệ trên thị trường;
Bước 2: Sau hai (02) tuần kể từ ngày thanh toán, trường hợp không thực hiện chuyển đổi được hết nhu cầu này trên thị trường, doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư (thông qua ngân hàng chuyển đổi) xác định số lượng đồng Việt Nam cần hỗ trợ chuyển đổi còn lại theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này gửi ngân hàng chuyển đổi kèm theo hóa đơn (được quy định tại GGU của từng dự án);
Bước 3: Vào ngày đề nghị chuyển đổi, ngân hàng chuyển đổi gửi công văn kèm theo hóa đơn (được quy định tại GGU của từng dự án) đề nghị Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) hỗ trợ bán ngoại tệ tương ứng với số lượng đồng Việt Nam cần hỗ trợ chuyển đổi còn lại;
Bước 4: Trong thời hạn hai (02) tuần kể từ ngày đề nghị chuyển đổi, căn cứ quy định tại GGU, trạng thái ngoại tệ của ngân hàng chuyển đổi quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này và các quy định khác tại Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thực hiện kiểm tra hóa đơn, chứng từ liên quan và bán ngoại tệ từ Quỹ Bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng cho ngân hàng chuyển đổi theo tỷ giá bán ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Trong thời hạn quy định tại Điểm này, doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư được tiếp tục tự chuyển đổi ngoại tệ trên thị trường. Trường hợp doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư chuyển đổi được ngoại tệ trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán số ngoại tệ cần hỗ trợ chuyển đổi còn thiếu trên cơ sở kiểm tra hóa đơn, chứng từ liên quan;
Bước 5: Ngân hàng chuyển đổi thực hiện bán ngoại tệ và chuyển vào tài khoản số 2 hoặc tài khoản ở nước ngoài (theo quy định tại GGU của từng dự án) của doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư theo tỷ giá bán ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước.
5. Đổi ngoại tệ trái pháp luật có sao không?
Theo Điều 22 của Pháp lệnh ngoại hối 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2013, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng… đều không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Như vậy, hành vi đổi USD tại tiệm vàng được coi là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP. Cụ thể, điểm a, khoản 3, Điều 24 của Nghị định này chỉ rõ: Hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đồng – 100 triệu đồng.
Quy định của pháp luật đã khá rõ ràng, nhưng hoạt động mua bán ngoại tệ, trong đó phổ biến nhất là mua bán USD tại những tiệm vàng không được cấp phép thu đổi ngoại tệ vẫn diễn ra công khai và phổ biến. Điều đáng nói, rất nhiều người vẫn không hề hay biết việc đổi USD ở những tiệm vàng này là vi phạm pháp luật.
Hy vọng bài viết trên hữu ích với bạn. Trân trọng!
Khuyến nghị
-
LSX là thương hiệu hàng đầu về pháp luật dân sự tại Việt Nam
-
Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay