Gửi bưu phẩm có kèm tiền từ nước ngoài về có được không?

bởi NguyenThiQuynhAnh
Gửi bưu phẩm có kèm tiền từ nước ngoài về có được không?

Hiện nay, rất nhiều người thắc mắc liên quan đến vấn đề nộp phạt do bưu phẩm có kèm tiền được gửi từ nước ngoài về Việt Nam. Tuy nhiên sau lần đóng phạt theo hình thức chuyển khoản thì vẫn không nhận lại được gì. Liệu việc cho tiền vào bưu phẩm có hợp pháp không? Đây có phải là một hình thức lừa đảo tinh vi mới?

Câu hỏi của khách hàng: Chào luật sư. Hôm nay tôi có nhận được cuộc điện thoại yêu cầu đóng phạt. Trước đây tôi có quen người bạn ở Anh qua mạng xã hội, nói chuyện được thời gian mấy tháng. Người bạn đó có nói gửi quà về cho tôi và xin thông tin địa chỉ. Sau đó vài tuần thì được báo có 1 bưu phẩm nhưng do bạn đó để cả tiền kèm theo nên bị giữ lại. Tôi có liên lạc bạn kia thì báo là do bạn không biết nước mình cấm bỏ tiền trong bưu phẩm nên bảo tôi đóng tiền phạt để nhận quà này. Tôi có thấy hơi nghi ngờ, nhờ luật sư tư vấn vụ giúp tôi. Xin cảm ơn.

Mời bạn đọc tham khảo bài viết chi tiết sau đây của Luật sư X:

Căn cứ pháp lý

Nội dung tư vấn

Những người bạn, người thân đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài thường thông quan việc gửi bưu phẩm về nước làm quà tặng. Quà tặng cũng là văn hóa truyền thống tốt đẹp trong mối quan hệ thường nhật. Tuy nhiên, một số đối tượng lợi dụng việc gửi bưu phẩm quà tặng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bưu phẩm có kèm tiền bị cấm gửi qua đường bưu chính?

Căn cứ theo Điều 12 Luật Bưu chính 2010 quy định về hàng hóa không được gửi qua mạng bưu chính:

  • Vật phẩm, hàng hóa mà pháp luật của Việt Nam quy định cấm lưu thông;
  • Vật phẩm, hàng hoá từ Việt Nam gửi đi các nước mà pháp luật Việt Nam quy định cấm xuất khẩu; pháp luật của nước nhận quy định cấm nhập khẩu.
  • Vật phẩm, hàng hoá từ các nước gửi về Việt Nam mà pháp luật Việt Nam quy định cấm nhập khẩu.
  • Vật phẩm, hàng hoá bị cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam; điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Liên minh bưu chính thế giới mà Việt Nam là thành viên thông qua hiệp định các dịch vụ thanh toán qua bưu chính. Công ước Bưu chính thế giới (UPU) và nghị định thư có quy định về các loại hàng hóa bị cấm gửi như:

  • Các loại tiền kim loại, tiền giấy, chứng khoán;
  • Các loại séc du lịch bạch kim, vàng hoặc bạc đã được gia công hoặc chưa;
  • Các loại đá quý, đồ trang sức hoặc các vật phẩm có giá trị khác

Như vậy, hầu hết các quốc gia không cho phép bỏ tiền vào bưu phẩm gửi qua đường bưu chính qua nước khác. Đối với Việt Nam thì tiền, trang sức có giá trị là mặt hàng cấm gửi trong bưu kiện từ nước ngoài chuyển vào.

Gửi bưu phẩm có kèm tiền từ nước ngoài về có bị phạt không?

Trong thực tế có thể xuất hiện một số trường hợp lỡ bỏ tiền vào bưu kiện. Vậy khi gửi tiền qua đường bưu chính thì có bị phạt? Sau khi đóng phạt có thể nhận lại được bưu phẩm và tiền trong đó?

Căn cứ Điều 9 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

Gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

Ngoài ra kèm theo hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm hành chính. Như vậy, với hành vi gửi bưu phẩm có kèm tiền thì bạn có thể bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Và dù đóng phạt thì bạn không thể nhận lại số tiền đã gửi trong bưu phẩm này. Tiền gửi kèm bưu phẩm sẽ bị tịch thu vào kho bạc nhà nước, không trả lại.

Một số lưu ý về xử phạt vi phạm hành chính lỗi gửi bưu phẩm có tiền

Quy định về xử lý vi phạm hành chính theo pháp luật hiện hành đều có căn cứ xử phạt, thường lập bằng biên bản cụ thể. Trường hợp xử phạt mức trên 250.000 đồng đều phải lập biên bản.

Lưu ý không có trường hợp xử phạt nào cơ quan nhà nước chỉ gọi điện thoại thông báo nộp phạt. Và không có quy định đóng tiền phạt vào tài khoản cá nhân. Hiện nay, có thể đóng tiền phạt qua hình thức chuyển khoản nhưng số tài khoản của kho bạc nhà nước. Việc đóng phạt phải có biên lai chứng thực rõ ràng.

Qua lưu ý trên mong rằng quý khách hàng có thể cẩn trọng khi nhận điện thoại yêu cầu nộp phạt. Dù bất kể hình thức xử phạt hành vi nào đều cần xác minh rõ thông tin. Hoặc có thể yêu cầu tự đến cơ quan nhà nước kiểm tra xác minh lại bản thân có hành vi vi phạm nào không? Tuyệt đối không cả tin chuyển khoản ngay vào những tài khoản cá nhân này.

Tiền được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam qua hình thức hợp pháp nào?

Tránh trường hợp vi phạm quy định pháp luật thì bạn có thể tham khảo một số hình thức chuyển tiền như:

  1. Chuyển tiền thông qua hệ thống ngân hàng
  2. Thông qua công ty chuyển tiền nhanh hợp pháp
  3. Qua app chuyển tiền quốc tế

Hiện nay, các ngân hàng có dịch vụ chuyển tiền quốc tế vô cùng tiện ích. Bạn có thể liên hệ ngân hàng lớn, uy tín để được hỗ trợ chi tiết. Ngoài ra có một số công ty chuyển tiền nhanh đã được thành lập, có đủ giấy phép kinh doanh. Hoặc sử dụng app chuyển tiền quốc tế đã được phê duyệt cấp phép.

Khi bị lừa chuyển khoản phạt vì gửi bưu phẩm có kèm tiền xử lý sao?

Trường hợp bạn nhận được cuộc gọi không đáng tin cậy yêu cầu chuyển tiền đóng phạt như tình huống bài viết; bạn phải xác minh cẩn thận trước khi chuyển tiền. Nếu không may bạn đã lỡ chuyển tiền rồi hãy liên hệ cơ quan công an quận/huyện gần nhất. Đây có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng được cơ quan công an điều tra xử lý.

Căn cứ quy định Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 quy đinh. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 2 triệu đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình phạt tội lừa đảm chiếm đoạt tài sản nhẹ nhất là cải tạo không giam giữ hưởng án treo. Hình phạt nặng nhất có thể chịu án tù chung thân. Hình phạt bổ sung là phạt tiền, tịch thu tài sản.

Thông tin liên hệ

Trên đây là phân tích của Luật sư X về gửi bưu phẩm có kèm tiền từ nước ngoài về có được không? Trường hợp bạn gặp vấn đề thắc mắc; hãy đăng ký dịch vụ của chúng tôi để được luật sư tư vấn chi tiết. Để đăng ký dịch vụ tư vấn quý khách hàng hãy gọi tới số điện thoại: 0833102102. Ngoài ra quý khách hàng có thể liên hệ qua đây:

  1. Facebook : www.facebook.com/luatsux
  2. Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
  3. Youtobe: https://www.youtube.com/Luatsux

Câu hỏi thường gặp

Vật phẩm không được gửi trong bưu kiện về Việt Nam gồm?

Các loại hàng hóa mà pháp luật Việt Nam cấm lưu thông: chất kích thích bị cấm như ma túy, vũ khí súng đạn, …. Các loại hàng hóa cấm vận chuyển qua bưu chính theo công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Như vậy, bưu phẩm có mặt hàng như tiền, vàng bạc, trang sức nếu vận chuyển vào nước ta theo đường bưu chính là hành vi vi phạm quy định pháp luật.

Nếu đã chuyển tiền phạt qua tài khoản người gọi đến cung cấp phải làm sao?

Nhiều trường hợp người cả tin đã làm theo lời của đối tượng lừa đảo chuyển tiền. Đối tượng gọi điện thoại yêu cầu chuyển 1 khoản tiền đóng tiền phạt rồi mới nhận hàng. Bởi không hiểu rõ quy định pháp luật, chuyển tiền mong nhận được lại bưu phẩm. Trường hợp này bạn nên trình báo ngay với cơ quan công an quận/huyện tại nơi cư trú để được hướng dẫn giải quyết.

Phạt hành chính đóng tiền qua hình thức chuyển khoản?

Hiện nay, xử phạt hành chính cần có biên bản cụ thể ghi rõ hành vi vi phạm, mức phạt. Không có quy định nào yêu cầu người dân nộp phạt thông qua tài sản cá nhân. Do đó, bạn có thể thấy rõ sự vô lý của đối tượng gọi điện yêu cầu chuyển tiền đóng phạt. Qua đó có thể thấy được đây là một vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản vô cùng tinh vi. Hãy cảnh giác khi gặp tình huống tương tự.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm