Chơi hụi là một hình thức huy động vốn trong dân gian Việt Nam, được rất nhiều người dân biết đến, nhưng hình thức huy động vốn này không có đủ sự bảo đảm, sự quản lý chặt chẽ nên nhiều người tham gia thường dễ gặp phải các rủi ro tiềm ẩn. Vì vậy, khi các cá nhân tham gia tổ chức chơi hụi thì nên nắm vững và cập nhật những quy định mới nhất của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tránh trường hợp quyền lợi bị xâm phạm. Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X về vấn đề này nhé!
Căn cứ:
- Bộ luật dân sự 2015;
- Nghị định số 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường;
Nội dung tư vấn:
Trước đây, chơi hụi chỉ là hoạt động tự phát trong cuộc sống của người dân, chủ yếu ở miền Bắc và miền Nam. Bắt đầu từ năm 2006, chơi hụi đã chính thức được phát luật thừa nhận và có đầy đủ những hướng dẫn trong Nghị định số 144/2006/NĐ-CP nay được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 19/2019/NĐ-CP về hụi, hụi, biêu, phường
1. Hụi, họ là gì?
Theo Điều 471 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau:
Điều 471. Họ, hụi, biêu, phường
1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
2. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này.
4. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.
Như vậy, hoạt động chơi hụi không vi phạm pháp luật mà hoạt động này chỉ bị nghiêm cấm nếu người chơi lợi dụng nó để che giấu hoạt động cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác. Theo đó, chơi hụi (tên khác: họ, hội, biêu, phường, huê), là một hình thức huy động vốn trong dân gian Việt Nam, không phải trải qua nhiều thủ tục và các bước xét duyệt như vay vốn ngân hàng. Đối tượng tham gia thường là chị em phụ nữ trong gia đình.
Một số thuật ngữ được người dân dùng phổ biến trong chơi hụi như sau:
- Dây hụi: một hụi hình thành trên cơ sở thỏa thuận cụ thể của những người tham gia hụi về thời gian, phần hụi, thể thức góp hụi, lĩnh hụi, quyền, nghĩa vụ của chủ hụi (nếu có) và các thành viên.
- Chủ hụi: người tổ chức, quản lý dây hụi, thu các phần hụi và giao các phần hụi đó cho thành viên được lĩnh hụi trong mỗi kỳ mở hụi cho tới khi kết thúc dây hụi. Chủ hụi có thể đồng thời là thành viên của dây hụi.
- Con hụi: là người tham gia dây hụi, góp phần hụi, được lĩnh hụi và trả lãi (nếu có).
- Đóng hụi: là việc chủ hụi sẽ đi thu tiền hụi của các con hụi vào mỗi tháng.
- Hốt hụi: là việc một con hụi nhận được số tiền sau thời gian đóng hụi.
- Bể hụi: khi một trong số các con hụi không chịu đóng tiền hoặc rút ra khỏi dây hụi thì những người chưa đến thời gian hốt hụi sẽ bị ảnh hưởng xấu.
- Giật hụi: là trường hợp chủ hụi lừa đảo, các con hụi sau khi đóng hụi, đến khi hốt hụi lại không tìm được chủ hụi.
- Hụi chết: là người đã hốt trước và đang trả lãi cho những kỳ sau.
- Hụi sống: là người chưa hốt hụi, đang nhận tiền lời từ những người hốt hụi.
2. Các điều kiện để tham gia chơi hụi theo quy định của pháp luật
Đối với các con hụi thì điều kiện để trở thành thành viên của dây hụi căn cứ vào Điều 5 Nghị định 19/2019/NĐ-CP như sau:
Điều 5. Điều kiện làm thành viên
1. Thành viên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật dân sự.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi nếu có tài sản riêng có thể là thành viên của dây họ, trường hợp sử dụng tài sản riêng là bất động sản, động sản phải đăng ký để tham gia dây họ thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
2. Điều kiện khác theo thỏa thuận của những người tham gia dây họ.
Như vậy, khi muốn trở thành con hụi trong một dây hụi thì người đó chỉ cần từ đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Mặt khác, người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu có tài sản riêng (nếu sử dụng tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký để tham gia dây họ thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý) thì vẫn có thể tham gia trong một dây hụi.
Đối với các chủ hụi thì điều kiện để trở thành thành viên của dây hụi căn cứ vào Điều 5 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP như sau:
Điều 6. Điều kiện làm chủ họ
1. Chủ họ là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật dân sự.
2. Trường hợp các thành viên tự tổ chức dây họ thì chủ họ là người được hơn một nửa tổng số thành viên bầu, trừ trường hợp các thành viên có thỏa thuận khác.
3. Điều kiện khác theo thỏa thuận của những người tham gia dây họ.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì muốn trở thành chủ họ thì phải từ đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và phù hợp với các điều kiện khác theo thỏa thuận của những người tham gia dây họ. Trường hợp các thành viên tự tổ chức dây họ thì chủ họ là người được hơn một nửa tổng số thành viên bầu.
3. Hình thức chơi hụi
Một đường dây hụi chỉ cần 1 người làm chủ và không quy định số lượng thành viên. Tài sản sử dụng để góp hụi khá đa dạng, có thể là gạo, vàng, tiền hoặc tài sản có giá trị khác. Ngày nay, tài sản góp hụi thường là tiền. Sau khi thành lập, các thành viên trong hụi sẽ cùng thỏa thuận và thống nhất về loại tài sản đóng góp, thời gian góp, số kỳ góp và kỳ mở hụi.
Có nhiều hình thức tổ chức hụi khác nhau tùy theo các thỏa thuận với chủ hụi, tuy nhiên sẽ có 2 hình thức phổ biến đó là Hụi không lãi và Hụi tính lãi.
Theo Khoản 6, Khoản 7 Điều 4 Nghị định 19/2019/NĐ-CP về hụi, hụi, biêu, phường có định nghĩa như sau:
Điều 4. Giải thích từ ngữ
6. Họ không có lãi là họ mà thành viên được lĩnh họ nhận các phần họ khi đến kỳ mở họ và không phải trả lãi cho các thành viên khác.
7. Họ có lãi là họ mà thành viên được lĩnh họ nhận các phần họ khi đến kỳ mở họ và phải trả lãi cho các thành viên khác.
Trường hợp hụi không có lãi: Đây giống như một dạng bỏ ống heo tiết kiệm. Đến cuối kỳ hụi, mỗi thành viên tham gia sẽ rút ra một số tiền bằng nhau.
Ví dụ: một dây hụi gồm 20 con hụi, mỗi con hụi sẽ đóng 10.000 đồng/ngày. Thì tới ngày hốt hụi đầu tiên sau một tháng, thì con hụi nào hốt hụi đầu tiên sẽ có được tổng số tiền là 10.000 x 20 x 30 = 6.000.000 đồng. Sau đó, con hụi này sẽ tiếp tục đóng hụi 10.000 đồng/ngày cho đến khi tất cả các con hụi trong dây hụi được hốt hụi. Bênh cạnh đó, nếu có thỏa thuận thì con hụi này phải trích ra một số tiền hoa hồng cho chủ hụi. Qua việc chơi dây hụi này, thì những con hụi mượn được nguồn vốn gấp 10 lần mức tiền mỗi tháng trích ra đó để dành cho việc riêng của họ.
Trường hợp hụi có lãi: Đây giống như gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng nhưng có mức lãi suất cao hơn. Và nếu con hụi rút hụi sớm thì tháng sau sẽ phải đóng tiền hụi cộng thêm tiền lãi. Nhưng nếu chọn cách rút cuối kỳ thì con hụi chơi sẽ nhận được một khoản tiền khá lớn gồm cả tiền gốc lẫn tiền lãi của dây hụi.
Ví dụ: một dây hụi gồm 20 con hụi, mỗi con hụi sẽ đóng 10.000 đồng/ngày, tức tháng đầu tiên mỗi người đóng 300.000 đồng, người lấy đầu tiên thì tháng sau sẽ phải đóng lên 500.000 đồng (tính thêm tiền lãi đã thoả thuận) cho tới hết chu kỳ (ví dụ như là 12 tháng). Những người lấy hụi tháng sau hoặc bất kỳ sẽ được lấy tổng số tiền tháng đó tất cả con hụi đã đóng, cho tới người cuối cùng sẽ là người lãi nhất.
4. Quy định về lãi suất trong chơi hụi theo quy định của pháp luật:
Đối với hình thức chơi hụi có lãi, thì pháp luật không đặt ra một mức chung cụ thể cho người tham gia trong một dây hụi có lãi, cụ thể tại Điêu 21 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP như sau:
Điều 21. Lãi suất trong họ có lãi
1. Lãi suất trong họ có lãi do các thành viên của dây họ thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh họ tại mỗi kỳ mở họ nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần họ phải góp trừ đi giá trị các phần họ đã góp trên thời gian còn lại của dây họ. Trường hợp mức lãi suất giới hạn nói trên được điều chỉnh bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự thì áp dụng mức lãi suất giới hạn được điều chỉnh đó.
2. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh họ tại mỗi kỳ mở họ vượt quá lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Như vậy, lãi suất đối với hình thức chơi hụi có lãi là do các thành viên trong dây họ tự thỏa thuận với nhau hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần họ phải góp trừ đi giá trị các phần họ đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi. Trường hợp mức lãi suất theo thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi vượt qua giới hạn lãi suất như nêu trên thì mức lãi suất vượt quá sẽ không có hiệu lực.
Hy vọng bài viết có ích cho bạn!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay