Một suất thừa kế theo pháp luật là gì?

bởi Luật Sư X

“Thừa kế là một chế định quan trọng trong hệ thống pháp luật dân sự. Ở đó quy định người có tài sản để lại có quyền để lại di sản của mình cho người khác sau khi chết thông qua việc lập di chúc. Đồng thời, cũng trao quyền được nhận di sản của những người thừa kế thông qua hai hình thức đó là theo di chúc hoặc nếu không có di chúc thì sẽ tuân theo pháp luật. Trong những quy định về thừa kế theo pháp luật có tồn tại một khái niệm đó là “một suất thừa kế theo pháp luật”. Đây là căn cứ quan trọng mà pháp luật quy định để phân chia di sản của người chết một cách công bằng, tránh việc tranh chấp. Thông qua bài viết sau, Luật sư X sẽ nói về một suất thừa kế theo pháp luật là gì? Làm thế nào để xác định một suất thừa kế theo pháp luật?”

Căn cứ pháp luật

Nội dung tư vấn

Thừa kế theo pháp luật là gì

Bộ luật dân sự 2015 quy định quan hệ thừa kế là sự dịch chuyển di sản từ một người đã chết sang một người còn sống và thường được thực hiện theo một trong hai hình thức. Thứ nhất đó là dịch chuyển di sản dựa trên ý chí của người để lại di sản. Hình thức này được gọi là thừa kế theo di chúc. Thứ hai, nếu dịch chuyển di sản từ người chết sang cho người sống căn cứ vào quy định của pháp luật thì được gọi là thừa kế pháp luật.

Tuy cùng là sự dịch chuyển tài sản từ chết sang cho người sống, tuy nhiên, sự khác nhau cơ bản của 2 hình thức này đó là dựa trên yếu tố ý chí, nguyện vọng của người có di sản để lại. Nếu trường hợp người chết có di chúc hợp pháp để lại, thì phần di sản của họ sẽ được chia dựa theo những gì được nêu trong di chúc. Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều trường hợp vì những lý do khác nhau mà người chết không thể để lại di chúc để phân chia di sản của mình được. Lúc này, những quy định pháp luật sẽ có vai trò là căn cứ để thực hiện việc phân chia di sản của người chết. Đó là cách giải thích để cho mọi người ai đọc vào cũng có thể hiểu, nhưng theo ngôn ngữ pháp lý thì có thể nói rằng, trong trường hợp không có căn căn cứ để dịch chuyển di sản của người chết theo ý chí của họ thì di sản đó phải dịch chuyển theo quy định của pháp luật về hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế. Như vậy, pháp luật sẽ quy định về các căn cứ như hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế để thực hiện việc phân chia di sản.

Điều 649 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã định nghĩa về thừa kế theo pháp luật như sau: “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”. Như vậy, để tìm hiểu thế nào là một suất thừa kế, trước tiên chúng ta phải biết được điều kiện để chia thừa kế theo pháp luật là gì và hàng thừa kế, trình tự thừa kế theo pháp luật như thế nào.

Điều kiện để chia thừa kế theo pháp luật

Dựa theo Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 quy định về những trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:

Thứ nhất, trường hợp thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp không có di chúc. Đây là những trường hợp mà người để lại di sản không lập di chúc hoặc có lập di chúc nhưng đã hủy di chúc (di chúc bị xé, bị đốt hoặc tuyên bố hủy bỏ di chúc đã lập…) đều được coi là không có di chúc. Trong những trường hợp này, toàn bộ di sản của người chết để lại sẽ chia cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp. Di chúc được coi là hợp pháp nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện của một giao dịch có hiệu lực theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015. Di chúc bị coi là không hợp pháp sẽ không có hiệu lực pháp luật, do vậy di sản liên quan đến di chúc đó sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một di chúc bất hợp pháp có thể không có hiệu lực pháp luật ở nhiều mức độ khác nhau. Di chúc bất hợp pháp có thể bị coi là vô hiệu toàn bộ nhưng cũng có thể chỉ vô hiệu một phần nên khi giải quyết một tranh chấp về thừa kế có liên quan đến di chúc phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, vào các điều kiện mà di chúc đã vi phạm để xác định mức độ vô hiệu của di chúc.

Thứ ba, thừa kế theo pháp luật được áp dụng đối với phần di sản không được định đoạt trong di chúc. Nếu người để lại di sản chỉ định đoạt một phần di sản thì phần còn lại sẽ được áp dụng chia cho những người nằm trong hàng thừa kế (trừ khi họ là người bị người lập di chúc chỉ rõ chỉ được hưởng phần di sản theo di chúc hoặc bị truất quyền thừa kế theo di chúc).

Thứ tư, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp toàn bộ những người thừa kế đã chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúcNhư vậy, một người có thể vừa được hưởng di sản thừa kế theo di chúc lại vừa được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật nếu họ là người tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì toàn bộ di sản của người lập di chúc được dịch chuyển cho những người thừa kế theo pháp luật của người đó; Trong trường hợp chỉ có một hoặc một số người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di sản liên quan đến họ mới được áp dụng thừa kế theo pháp luật để giải quyết.

Thứ năm, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp người thừa kế theo di chúc không có quyền hưởng di sản.Những người đáng lẽ được hưởng di sản thừa kế theo di chúc nhưng lại thực hiện những hành vi đã quy định tại khoản 1 Điều 621 sẽ không được hưởng di sản trừ trường hợp người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó nhưng vẫn cho họ hưởng theo di chúc; Trong trường hợp toàn bộ những người thừa kế theo di chúc đều không có quyền hưởng di sản thì áp dụng thừa kế theo pháp luật đối với toàn bộ di sản mà người lập di chúc để lại; Trong trường hợp chỉ có một số người thừa kế theo di chúc không có quyền hưởng di sản thì chỉ áp dụng thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản mà người lập di chúc để lại cho một số người có hành vi quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự.

Thứ sáu, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp người thừa kế theo di chúc từ chối quyền hưởng di sản.

Người thừa kế có quyền nhận, có quyền từ chối hưởng di sản của người chết để lại. Phần di sản liên quan đến người đã từ chối sẽ được áp dụng chia theo pháp luật cho những người thừa kế khác. Vì thế, khi người này từ chối hưởng di sản theo di chúc thì họ vẫn có thể hưởng thừa kế theo pháp luật. Nhưng trong trường hợp họ đã từ chối toàn bộ quyền hưởng di sản gồm cả phần theo di chúc và cả phần theo pháp luật thì toàn bộ phần di sản này sẽ chia theo pháp luật cho những người thừa kế của người lập di chúc.

Diện thừa kế và hàng thừa kế

Diện thừa kế

Diện thừa kế theo pháp luật là phạm vi những người có thể được hưởng di sản theo pháp luật của người chết nếu giữa họ với người chết đang tồn tại mối quan hệ hôn nhân hoặc quan hệ nuôi dưỡng cho đến thời điểm mở thừa kế hoặc giữa họ có huyết thống trong phạm vi hai đời bàng hệ và bốn đời trực hệ. Bời lẽ, pháp luật thừa kế tuân theo nguyên tắc di sản của người chết (di sản thừa kế) sẽ phải được chuyển cho những người thân thích của họ.

Hàng thừa kế

Hàng thừa kế theo pháp luật là nhóm những người có cùng mức độ gần gũi với người chết và theo đó họ cùng được hưởng ngang nhau đối với di sản thừa kế mà người chết để lại, Căn cứ theo khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể về các hàng thừa kế theo pháp luật như sau:

(i) Hàng thừa kế thứ nhất, gồm: vợ, chồng, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

(ii) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

(iii) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Xem thêm:

Thế nào là một suất thừa kế theo pháp luật

Đến đây, chúng ta đã năm rõ khái niệm và điều kiện để chia thừa thế theo pháp luật, đồng thời cũng hiểu rõ về diện thừa kế và hàng thừa kế. Như đã nói, đó là những tiền để đề xác định một suất thừa kế theo pháp luật. Theo quy định tại Điều 651 Bộ Luật dân sự 2015 quy định rằng trong trường hợp chia thừa kế theo pháp luật thì “những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”.

Đồng thời cũng nêu rõ “Những người ờ hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước đó đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản“. Có nghĩa là những người ở hàng thừa kế thứ hai, chỉ có thể được nhận di sản thừa kế trong trường hợp tất cả những người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất không nhận hoặc không thể nhận di sản.

Từ quy định trên, chúng ta có thể xác định một suất thừa kế theo pháp luật bằng tổng giá trị di sản do người chết để lại chia cho số lượng người thừa kế hợp pháp trong một hàng thừa kế. Công thức như sau:Một suất thừa kế theo pháp luật = Tổng giá trị di sản / Số lượng người thừa kế hợp pháp trong một hàng thừa kế

Ví dụ cụ thể: Vợ chồng ông A bà B có 1 người con gái là C. Cha mẹ ông A đã mất hết. Ông A chết không để lại di chúc và có di sản là 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó ông A có 3 người anh ruột là X,Y,Z. Lúc này xác định hàng thừa kế thứ nhất của ông A là bà B và con gái C. Hàng thừa kế thứ 2 của ông A là X,Y,Z

– Trường hợp 1: Bà B và con gái C đủ điều kiện nhận và không từ chối nhận di sản thừa kế. Như vậy một suất thừa kế theo pháp luật lúc này sẽ được xác định theo công thức 

Một suất thừa kế theo pháp luật= Tổng giá trị di sản / Số lượng người thừa kế hợp pháp ở hàng thừa kế thứ nhất                                                   = 1 tỷ / 2 = 500 triệu

– Trường hợp 2: Bà B từ chối nhận di sản và con giá C bị truất quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 621 BLDS 2015. Lúc này hàng thừa kế thứ nhất đã không còn ai. Do vậy, những người thuộc hàng thừa kế thứ 2 sẽ là người thừa kế hợp pháp. Đồng thời 3 người anh trai X,Y,Z đều đồng ý nhận di sản và thỏa mãn các điều kiện để được nhận thừa kế. Lúc này công thức tính một suất thừa kế theo pháp luật sẽ là

Một suất thừa kế theo pháp luật= Tổng giá trị di sản / Số lượng người thừa kế hợp pháp ở hàng thừa kế thứ hai                                                   = 1 tỷ / 3 = 333 triệu

 Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả!

Hãy liên hệ khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ của Luật sư X: 0833.102.102.

Câu hỏi liên quan

Người thừa kế là gì?

Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Tài sản không có người thừa kế xử lý như thế nào?

Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.

Thừa kế thế vị là gì?

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm