Mua bán pháo nổ có bị phạt không?

bởi

mua bán pháo nổ có bị phạt không

Tôi có mua 04kg pháo nổ ở cửa khẩu để vừa đốt vừa cho anh em họ hàng vào dịp Tết. Hôm qua công an đi kiểm tra và phát hiện trong nhà tôi có chứa 04kg pháo nổ đó. Luật sư cho tôi hỏi tôi có bị phạt tù không? Mong Luật sư giải đáp giúp tôi.

Mua bán pháo nổ có bị phạt không? Đây là câu hỏi đang được rất nhiều người thắc mắc, nhất là trong thời gian Tết nguyên đán 2021 đang tới gần.  Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu các quy định của pháp luật về xử phạt đối với hành vi mua bán pháo nổ.

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật sư X, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Điểm c Khoản 1 Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017
  • Điểm d Khoản 4 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP
  • Khoản 2 điều 5 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP

Nội dung tư vấn:

Trường hợp của anh/ chị chưa tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Với trường hợp này chỉ bị xử phạt hành chính, nếu sau khi bị xử phạt hành chính về hành vi này mà vấn còn tiếp tục vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

1. Hành vi vi phạm pháp luật

Theo điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP Về quản lý, sử dụng pháo:

“a) Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;

Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ;

Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m;”

Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP Về quản lý, sử dụng pháo thì nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này là một trong các hành vi bị nghiêm cấm.
Như vậy, hành vi mua pháo nổ tại cửa khẩu là vi phạm pháp luật.

2. Mua bán pháo nổ có bị phạt không

2.1. Xử phạt hình sự

Căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 191 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm

1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
l) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Như vậy có thể thấy, trường hợp bị công an phát hiện trong nhà có từ 06kg pháo trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. Nhưng với trường hợp của anh chị số lượng pháo được công an phát hiện là 04kg thì chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi vi phạm này của anh/ chị chỉ bị sử phạt hành chính.

2.2. Xử phạt hành chính

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Điều 10: Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm.

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

d) Lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa không còn giá trị sử dụng.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

b) Sử dụng các loại pháo mà không được phép.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

b) Trao đổi, mua bán, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, làm hỏng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa;

c) Không thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền về việc mất các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa;

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

d) Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm;

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

b) Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2; Điểm d Khoản 4; Khoản 6 Điều này;)

d) Tước quyền sử dụng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa trong thời hạn từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thu hồi, hủy bỏ giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này.

Như vậy theo quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì hành vi mua, tàng trữ pháo nổ của anh/chị bị xử phạt hành chính , Cụ thể là:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi: “Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm”.

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm