Mức phạt lái xe có nồng độ cồn mới nhất

bởi

Rượu, bia là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông, nhiều người vẫn chưa ý thực được hậu quả nghiêm trọng sẽ có thể xảy ra khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong người có nồng độ cồn vượt mức cho phép. Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/01/2020 để có những hình phạt nghiêm khắc và biện pháp khắc phục kịp thời đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ mà cụ thể ở đây là hành vi uống rượu bia vẫn tham gia giao thông gây nguy hiểm không chỉ cho người điều khiển phương tiện mà còn cho cả những người cùng tham gia giao thông.

https://youtu.be/5SivmQrQoSw

Căn cứ pháp lý 

  • Nghị định 100/2019/NĐ-CP

Nội dung tư vấn

1. Về những đối tượng

Quy định tại Điều 2 Nghị định 100/2019/NĐ-CP là những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hành vi ở đây là tham gia giao thông bằng ô tô, xe máy, xe gắn máy, xe đạp,… mà trong máu có nồng độ cồn vượt mức cho phép theo luật định.

2. Mức xử phạt cụ thể với hành vi tham gia giao thông có nồng độ cồn mới nhất

Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi vi phạm của người điều khiển xe tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn được chia ra làm 03 mức, đối với mỗi mức vi phạm sẽ có những hình phạt và biện pháp khắc phục khác nhau, cụ thể:
Mức 1: Đối với người điều khiển xe có nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0.25 miligam/1 lít khí thở:
– Với xe ô tô, căn cứ theo điểm c, khoản 6, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt nồng độ cồn được quy định: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe
– Với xe máy, theo quy định tại Điểm c Khoản 6, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe.
Ngoài ra, pháp luật còn quy định sẽ tước Giấy phép lái xe từ 10 đến 12 tháng đối với người lái xe ô tô, xe máy có hành vi vi phạm.
– Với xe đạp, xe đạp điện thì đây là quy định mới của Chính phủ để khắc phục tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Cụ thể tại Điểm q, Khoản 1, Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe.
Mức 2: Đối với người điều khiển xe có nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở vượt qua 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0.25 miligam đến 0.4 miligam/1 lít khí thở
– Với xe ô tô, căn cứ theo Điểm c, Khoản 8, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt nồng độ cồn được quy định: Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe
– Với xe máy, theo quy định tại Điểm c Khoản 7, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe.
Ngoài ra, pháp luật còn quy định sẽ tước Giấy phép lái xe từ 16 đến 18 tháng đối với người lái xe ô tô, xe máy có hành vi vi phạm.
– Với xe đạp, xe đạp điện tại Điểm e, Khoản 3, Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe.
Mức 3: Đối với người điều khiển xe có nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0.4 miligam/ 1 lít khí thở
– Với xe ô tô, căn cứ theo Điểm a, Khoản 10, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt nồng độ cồn được quy định: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe
– Với xe máy, theo quy định tại Điểm e Khoản 8, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe.
Ngoài ra, pháp luật còn quy định sẽ tước Giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng đối với người lái xe ô tô, xe máy có hành vi vi phạm.
– Với xe đạp, xe đạp điện tại Điểm c, Khoản 4, Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe.
Như vậy, từ 01/01/2020, khi đã uống rượu, đã có nồng độ cồn trong người thì dù bạn tham gia giao thông bằng phương tiện gì thì đều có thể bị xử lý hành chính. Ngoài việc xử phạt tiền các bạn còn bị các hình thức phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe hoặc bị tạm giữ phương tiện. Vì mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông do rượu bia, khi đã lái xe thì không sử dụng rượu bia.

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư doanh nghiệp tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm