Người đồng tính có được kết hôn với nhau hay không?

bởi NguyenTriet
Việt Nam có cho phép kết hôn đồng tính hay không?

Ngày nay, hôn nhân đồng tính không còn là mối quan tâm của riêng cộng đồng LGBT mà còn là của cả xã hội. Rất nhiều quốc gia đã công nhận và cho phép người đồng tính được kết hôn với nhau. Việt Nam thì thế nào? Người đồng tính có được kết hôn với nhau hay không?

LSX xin đưa ra ý kiến tham khảo như sau:

Căn cứ

  • Luật hôn nhân gia đình 2014
  • Luật hôn nhân gia đình 2000
  • Nghị định 87/2001/NĐ-CP

Nội dung tư vấn

Hiện nay, hôn nhân đồng tính đã không còn bị cấm ở Việt Nam, nhưng vẫn chưa được pháp luật thừa nhận.

Hôn nhân đồng tính là gì?

Hôn nhân được coi như là đích đến của tình yêu. Những ai yêu nhau thì đều có mong muốn được tiến tới hôn nhân. Mỗi quốc gia lại có các chính sách về hôn nhân khác nhau, phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của từng nước. Ở Việt Nam hiện nay, hôn nhân được định nghĩa là mối quan hệ vợ chồng giữa nam và nữ. Vậy giữa những người cùng giới tính thì sao?

Hôn nhân đồng giới hay hôn nhân đồng tính là hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính sinh học. Đó có thể là hôn nhân giữa nam và nam; nữ và nữ; giữa nam và người chuyển giới nam; giữa nữ và người chuyển giới nữ.

Mời bạn đọc xem thêm:

Hôn nhân đồng giới có khi còn được gọi là “hôn nhân bình đẳng” hay “bình đẳng hôn nhân”, thuật ngữ này thường được sử dụng phổ biến từ những người ủng hộ. Việc hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới còn được mô tả bằng thuật ngữ “định nghĩa lại hôn nhân” từ các trường phái có quan điểm đối lập.

Hôn nhân đồng tính đã từng bị cấm

Luật hôn nhân gia đình năm 2000 cấm hoàn toàn việc kết hôn giữa những người đồng tính với nhau:

Điều 10. Những trường hợp cấm kết hôn

5. Giữa những người cùng giới tính.

Kết hôn ở đây được hiểu là việc xác lập quan hệ vợ chồng; và thực hiện đăng ký kết hôn. Nếu ai cố tình kết hôn đồng tính thì sẽ bị phạt tiền từ 100.000 – 500.000 đồng; và bắt buộc phải chấm dứt cuộc hôn nhân này (theo điều 8 Nghị định 87/2001/NĐ-CP)

Điều 8. Hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

e) Kết hôn giữa những người cùng giới tính.

Việc cấm kết hôn đồng tính có thể gây ra những hệ lụy nhất định. Có thể xảy ra tình trạng kết hôn chui, kết hôn trái pháp luật; hoặc khi xảy ra các tranh chấp về tài sản thì pháp luật rất khó xử lý.

Pháp luật không thừa nhận hôn nhân đồng tính hiện nay

Hiện nay, pháp luật đã có nhiều tiến bộ, nhưng hôn nhân đồng tính vẫn chưa được cho phép. Tuy nhiên, luật đã đổi từ “cấm” sang “không thừa nhận” đối với hôn nhân đồng tính (điều 8 luật hôn nhân gia đình 2014). Đây đã là một bước tiến lớn sau 14 năm thực hiện luật hôn nhân gia đình năm 2000. Các quy định khác về xử phạt cũng đã được bãi bỏ.

Điều 8. Điều kiện kết hôn

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Có người sẽ thắc mắc “cấm” và “không thừa nhận” thì khác gì nhau? “Cấm” tức là bạn không được phép làm, nếu cố tình làm thì sẽ bị pháp luật xử lý. Còn “không thừa nhận” có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể làm, nhưng pháp luật sẽ không coi đây là một cuộc hôn nhân đúng nghĩa và không can thiệp nếu có tranh chấp hay các vấn đề phát sinh Bạn cũng không có các quyền và nghĩa vụ như vợ chồng bình thường trong cuộc hôn nhân này. Pháp luật hoàn toàn thả cho các bạn tự xử lý vấn đề hôn nhân đồng tính của mình.

Thực chất đây đã là một bước tiến lớn với pháp luật Việt Nam; nhất là khi nước ta vẫn còn nhiều tư tưởng khá nặng nề và bảo thủ. Tuy chưa được phép hoàn toàn, song đây cũng có thể xem là một thắng lợi bước đầu của cộng đồng LGBT trong nỗ lực được sống thật với chính con người của mình. Hi vọng trong tương lai hôn nhân đồng tính có thể được hợp pháp hóa hoàn toàn; giúp cho những người yêu nhau thực lòng có thể vượt qua những rào cản tự nhiên để chung sống với nhau một cách trọn vẹn.

Câu hỏi thường gặp

Người đồng tính có được tổ chức hôn lễ không?

Câu trả lời là có. Theo quy định của luật, pháp luật không thừa nhận hôn nhân đồng giới, tức là không thừa nhận hôn nhân về mặt pháp lý. Hai người sẽ không thể làm thủ tục đăng ký kết hôn tại UBND, cuộc hôn nhân đó không được pháp luật bảo vệ.

Người nam kết hôn với người nam nhưng đã chuyển giới thành nữ có được không?

Hiện nay các quy định chưa có một khái niệm cụ thể rằng hôn nhân đồng giới là gì. Nếu dựa trên các quy định hiện hành, nếu đã chuyển giới từ nam thành nữ, người đó sẽ được xác định lại giới tính là nữ. Như vậy, bên cạnh việc người chuyển giới được đổi tên, mà còn có thể kết hôn với người mình yêu.

Tại sao hôn nhân đồng tính vẫn chưa được hợp pháp hóa tại Việt Nam?

Hôn nhân đồng giới được cho là không phù hợp thuần phong mỹ tục, truyền thống gia đình Việt Nam, không phù hợp quy luật sinh học và không bảo đảm chức năng gia đình về duy trì nòi giống. Điều quan trọng là việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới liệu sẽ dẫn đến bao nhiêu hệ lụy tiêu cực xã hội mà pháp luật chưa lường hết.

Thông tin liên hệ Luật Sư

Trên đây là tư vấn của Luật sư X về Người đồng tính có được kết hôn với nhau hay không. Chúng tôi hi vọng bạn có thể vận dụng trong công việc và cuộc sống.

Để biết thêm thông tin chi tiết; và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ của luật sư 247 hãy liên hệ 0833.102.102.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm