Cá nhân có quyền và nghĩa vụ dân sự kể từ khi sinh ra và chấm dứt khi họ chết đi. Vậy người tâm thần có quyền nhận tài sản được tặng không? Bài viết dưới đây của Luật sư X sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn!
Căn cứ:
- Bộ luật dân sự năm 2015;
Nội dung tư vấn
1. Một số khái niệm
Người tâm thần là người như thế nào?
- Người tâm thần là người mắc các bệnh tâm thần, rối loạn tâm thần hoặc rối loạn tinh thần là hình thức tâm lý hoặc hành vi cá biệt được cho là gây ra đau khổ, mất khả năng cư xử cũng như phát triển bình thường;
- Người mắc bệnh này thường có các biểu hiện sau: Ảo giác, Bi quan, Bồn chồn, Buồn rầu, Đập phá đồ đạc, Hành vi hung hăng, Hay tức giận, Hoảng hốt, Hoang tưởng, Khó tập trung tâm trí, Khóc cười vô duyên, Kích động, Lo âu, Lo lắng, Mất tập trung, Nghiện ngập rượu, ma túy, Nhầm lẫn tư duy, Nói cười một mình, Rối loạn giấc ngủ, Sợ hãi, Sợ một mình , Sợ nơi đông người, Suy nghĩ tự sát, Trầm cảm, Tuyệt vọng, Xa lánh mọi người, Ý nghĩ kỳ lạ,…
- Những người mắc các triệu chứng này thường không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
Tài sản là gì?
Theo Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về tài sản như sau:
Điều 105. Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Theo quy định trên, tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá; quyền tài sản; bất động sản và động sản.
2. Người bị tâm thần có được nhận tặng cho tài sản không?
Người bị tâm thần có quyền được nhận tặng cho tài sản. Bởi vì:
- Nếu họ thuộc trường hợp chưa bị Tòa án tuyên mất năng lực hành vi dân sự: thì họ vẫn có năng lực hành vi dân sự bình thường như những người khác và được tự mình thực hiện các giao dịch dân sự. Việc người khác tặng cho tài sản thì họ vẫn có quyền tự mình nhận các tài sản tặng cho đó.
- Nếu họ thuộc trường hợp bị Tòa án tuyên mất năng lực hành vi dân sự:
Căn cứ vào Điều 22 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về mất năng lực hành vi dân sự như sau:
Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự
1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Theo quy định trên, khi người bị bệnh tâm thần bị Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì các giao dịch của họ phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Người đại diện của người mất năng lực hành vi dân sự được quy định tại Điều 53 Bộ luật dân sự năm 2015 gồm:
Điều 53. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự
Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:
1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Như vậy, người tâm thần vẫn được toàn quyền nhận tài sản được tặng nếu như chưa bị Tòa án tuyên bố quyết định không có năng lực hành vi dân sự. Còn trong trường hợp Tòa đã tuyên thì người giám hộ sẽ là người thực hiện thay việc nhận tài sản được tặng này.
Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn đọc!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay