Các dịch vụ chuyển phát nhanh hàng hóa đang nở rộ trong nhiều năm trở lại đây, phần nào đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, do quy chính thiết lập và kiểm soát đơn hàng của các đơn vị kinh doanh dịch vụ chuyển phát hàng hóa vẫn còn phụ thuộc phần lớn vào yếu tố con người, do vậy không thể tránh khỏi những sai sót trong quá trình giao/nhận hàng. Khi những món hàng tới sai địa chỉ rất dễ gây ra lòng tham cho những người nhận những món hàng không phải gửi cho mình. Vậy pháp luật có chế tài xử phạt nào đối với những hành vi như vậy? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ:
- Bộ luật dân sự 2015
- Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (Bộ luật hình sự hiện hành)
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP
Nội dung tư vấn
1. Chiếm giữ hàng hóa, bưu phẩm gửi nhầm địa chỉ là trái pháp luật
Hàng hóa, bưu phẩm được gửi thông qua các dịch vụ vận chuyển là tài sản thuộc sở hữu của người gửi hoặc người nhận, đôi khi cũng có thể là của một bên thứ 3. Tuy nhiên trong những trường hợp hàng hóa được gửi nhầm tới một địa chỉ khác không phải là địa chỉ chính xác của người nhận thì người nhận bưu phẩm tại địa chỉ gửi nhầm đó không phải là chủ sở hữu của bưu phẩm. Bởi lẽ, căn cứ theo Điều 221 Bộ luật dân sự 2015 thì căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với một tài sản thì được phát sinh trong những trường hợp sau:
1. Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
2. Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.
3. Thu hoa lợi, lợi tức.
4. Tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến.
5. Được thừa kế.
6. Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên.
7. Chiếm hữu, được lợi về tài sản
Từ đó có thể thấy việc nhận bưu phẩm bị gửi nhầm địa chỉ không phải là căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với bưu phẩm bị gửi nhầm đó. Do vậy, khi nhận được bưu phẩm bị gửi nhầm, người nhận phải ngay lập tức liên lạc và thông báo cho đơn vị chuyển phát đó. Hoặc cũng có thể tới UBND xã, phường để thông báo về việc nhận được bưu phẩm được gửi nhầm. Tuy nhiên thực tế có nhiều đối tượng đã nảy lòng tham khi nhận được những tài sản bị gửi nhầm mà không biết đây chính là hành vi vi phạm pháp luật và có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính
2. Xử phạt
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Với việc không thông báo cho đơn vị chuyển phát vừa giao nhầm hoặc không thông báo cho chính quyền địa phương được biết về việc đang cầm, giữ tài sản bị giao nhầm thì những người đó sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với “Tội chiếm giữ tài sản trái pháp luật”. Những món bưu phẩm được gửi thông qua các dịch vụ chuyển phát thường là những tài sản có giá trị, thậm trí một số trường hợp là những tài sản có giá trị lớn. Do đó căn cứ vào giá trị của tài sản, bưu phẩm bị gửi nhầm để định khung hình phạt trong trường hợp này. Căn cứ Điều 176 Bộ luật hình sự hiện hành quy định như sau:
Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, nếu giá trị của món bưu phẩm bị chiếm giữ trái pháp từ 10 triệu đồng trở lên thì người chiếm giữ trái phép sẽ được xem xét áp dụng mức hình phạt từ phạt tiền hoặc phạt tù tùy theo mức độ cụ thể. Còn đối với những món bưu phẩm có giá trị trên 200 triệu đồng thì người chiếm giữ trái pháp luật thì người phạm tội có thể phải ngồi tù lên tới 5 năm.
Xử phạt vi phạm hành chính
Đối với những trường hợp những bưu phẩm bị gửi nhầm bị chiếm giữ có giá trị dưới 10 triệu đồng thì người chiếm giữ trái pháp luật sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mà thôi. Cụ thể căn cứ theo điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về mức phạt như sau:
“2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
….
e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.”
“Nhặt được của rơi, trả lại người mất” vốn là giá trị đạo đức tốt đẹp mà mỗi chúng ta được giao dục ngay từ nhỏ. Do vậy, khi nhận được những bưu phẩm gửi nhầm địa chỉ chớ nên nổi lòng tham để dẫn tới những hậu quả khôn lường từ những chế tài xử phạt của pháp luật.
Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay