Phân biệt công an xã và công an phường

bởi Luật Sư X
công an

Chúng ta thường quen với việc phân cấp đối với các cơ quan hành chính là cấp xã, phường, thị trấn. Do đó rất có thể chúng ta sẽ không biết rằng, trong hệ thống công an nhân dân, công an xã và công an phường có những đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn khác nhau.

Căn cứ:

  • Luật công an nhân dân 2018
  • Pháp lệnh số 06/2008/PL-UBTVQH12
  • Quyết định số 862/2006/QĐ-BCA

Nội dung tư vấn

1. Phân biệt công an xã và công an phường

Về phân cấp trong hành chính, cấp xã, phường được coi là cùng cấp tuy nhiên có những đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn khác nhau. Đối với công an xã và công an phường cũng vậy. Căn cứ theo Điều 3 Pháp lệnh số 06/2008/PL-UBTVQH12 quy định về công an xã như sau:

1. Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã.

2. Công an xã có chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, Uỷ ban nhân dân cùng cấp về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, các biện pháp phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.

Còn đối với công an phường, căn cứ theo Điều 3 Quyết định số 862/2006/QĐ-BCA quy định như sau:

1. Công an phường là cấp Công an trực tiếp chiến đấu ở cơ sở, có trách nhiệm tham mưu giúp Trường Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Đảng ủy, UBND phường về vấn đề an ninh, trật tự, tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự trên địa bàn phường; trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng Công an phường cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Từ hai quy định trên, có thể thấy được sự khác nhau cơ bản của công an xã và công an phường đó như sau:

  • Công an xã là một lực lượng bán chuyên trách, tức là những người là công an xã (trừ trưởng công an xã) không phải là những sỹ quan, hạ sỹ quan; được đào tạo chính quy tại các cơ sở đào tạo lực lượng vũ trang, không được phong quân hàm. Họ có thể là những người có công việc khác như là nông dân, thợ mộc, thợ nề,…. bên cạnh việc là công an viên. Chế độ đãi ngộ với công an viên được UBND cấp tỉnh dựa vào đặc điểm của từng địa phương và có những quy định khác nhau đối với từng vùng, miền. Ở cấp xã ngoại trừ có vị trí trưởng công an xã là người thuộc biên chế UBND hoặc là sỹ quan, hạ sỹ quan trong lực lượng vũ trang.
  • Công an phường là lực lượng công an chuyên nghiệp, có nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu ở cấp cơ sở. Họ được biên chế vào những cấp sỹ quan, hạ sỹ quan. Họ được huấn luyện, đào tạo một cách bài bản theo chủ trương của bộ công an là chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Có thể nói nghề công an là nghề nghiệp chính và có thể là duy nhất của họ trong một thời điểm.

Từ sự khác nhau nêu trên, dẫn tới việc công an xã và công an phường sẽ có những chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn khác nhau. Ví dụ như đối trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, trong những nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát địa bàn,…. Tuy nhiên, do đều là những lực lượng thuộc hệ thống công an nhân dân, vì vậy họ đều có nghĩa vụ chung đó là đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn của mình được giao nhiệm vụ, thực hiện các chức năng tuyên truyền, vận động về phòng chống tội phạm trên địa bàn mình.

2. Chế độ đối với công an xã

Căn cứ Điều 19 Pháp lệnh số 06/2008/PL-UBTVQH12 quy định như sau:

Điều 19. Chế độ, chính sách đối với Công an xã

1. Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên thực hiện bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

2. Trưởng Công an xã có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên; có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng mà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu thì được hưởng trợ cấp một lần.

3. Phó trưởng Công an xã và Công an viên có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng thì được hưởng trợ cấp một lần.

4. Phó trưởng Công an xã và Công an viên khi được cử đi tập trung đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp luật, nghiệp vụ được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân; khi đi công tác được hưởng chế độ công tác phí.

5. Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên khi làm nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu tại những nơi thuộc địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự được hưởng chế độ theo quy định.

6. Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên trong khi thi hành nhiệm vụ nếu bị thương hoặc hy sinh thì được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; Phó trưởng Công an xã, Công an viên trong thời gian công tác nếu ốm đau được khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế và được xem xét hỗ trợ tiền khám, chữa bệnh từ nguồn ngân sách địa phương.

Chính phủ quy định cụ thể Điều này.

Như vậy dù không được biên chế là sỹ quan, hạ sỹ quan trong các đơn vị lực lượng, nhưng công an xã vẫn sẽ được thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định. Đồng thời, cũng được hưởng những chế độ đãi ngộ, trợ cấp theo luật định. Và nếu trong trường hợp khi đang thi hành nhiệm vụ nếu bị thương thì sẽ được hưởng các chế độ khám chữa bệnh theo chính sách của công an nhân dân hoặc hy sinh thì công an xã vẫn được phong liệt sỹ.

Hy vọng bài viết trên giúp quý vị phân biệt được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã và công an phường.

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

 

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm