Quyền tác giả là gì?

bởi MinhThu
quyền tác giả là gì

Những cá nhân, tổ chức sáng tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình khoa học được pháp luật bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ. Việc bảo hộ này có tác dụng nhằm khuyến khích sự sáng tạo của con người, tạo động lực cho sự ra đời của các tác phẩm, công trình nghiên cứu có giá trị, phục vụ cho lợi ích cộng đồng. Pháp luật về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam quy định về quyền tác giả như là một công cụ hữu hiệu, góp phần bảo vệ những quyền và lợi ích chính đáng của các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.

Căn cứ:

Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2013

Quyết định 59/2016/QĐ-TTg

Nội dung tư vấn

1. Quyền tác giả là gì

Thông thường, mỗi khi tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình khoa học được công bố, tên của tác giả (nhóm tác giả) đều được trịnh trọng công bố như là một việc làm tôn vinh sự sáng tạo và những giá trị mà tác phẩm đó đem lại. Khi tạo ra các tác phẩm như vậy, tác giả sẽ được pháp luật trao cho những quyền đặc thù về quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể hơn, tại Khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành quy định về khái niệm quyền tác giả như sau:

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu

Theo khoa học pháp lý, quyền tác giả là tổng hợp các quy phạm pháp luật về quyền tác giả nhằm xác nhận và bảo vệ quyền của tác giả, của chủ sở hữu quyền tác giả, xác định các nghĩa vụ của các chủ thể trong việc sáng tạo và sử dụng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Quy định các trình tự thực hiện các quyền đó và bảo vệ các quyền đó khi có hành vi xâm phạm.

Điều kiện để bảo hộ quyền tác giả sẽ bao gồm:
  • Tác phẩm phải có tính nguyên gốc (được tác giả trực tiếp sáng tạo và không sao chép tác phẩm của người khác)
  • Chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của tác phẩm (không bảo hộ cho ý tưởng của bản thân tác phẩm)
  • Tác phẩm được bảo hộ phải thuộc khái niệm tác phẩm văn học nghệ thuật khoa học

Căn cứ phát sinh quyền tác giả là khi tác giả sáng tạo ra tác phẩm và tác phẩm được thể hiện dưới một dạng vật chất cụ thể. Ví dụ như tác giả sáng tác một cuốn sách sẽ được bảo hộ kể từ khi tác giả đó viết bài hát đó ra các giấy hoặc phần mềm soạn thảo văn bản; Tác giả sáng tác ra các giai điệu âm nhạc sẽ được bảo hộ kể từ khi giai điệu đó viết ra thành một bản nhạc;…. Tuy nhiên, pháp luật cũng khuyến khích các tác giả sau khi sáng tạo ra tác phẩm sẽ làm thủ tục đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là một biện pháp hữu ích nhằm xác lập căn cứ pháp luật đề phòng cho những sự tranh chấp về xâm hại quyền tác giả sau này.

2. Các đối tượng được pháp luật bảo hộ quyền tác giả

Trong bảo hộ quyền tác giả, hai chủ thể được pháp luật bảo hộ đó là tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả. Hai chủ thể này có những quyền và lợi ích nhất định đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình khoa học được sáng tạo ra.

Tác giả

Tác giả là những người bằng trí tuệ, sức lực trực tiếp thực hiện các hoạt động sáng tạo ra tác phẩm. Khi công bố tác phẩm, tác giả phải ghi tên hoặc bút danh của mình như là một sự xác lập quyền tác giả đối với tác phẩm đó. Việc ghi tên hoặc bút danh là rất quan trong, việc này có vai trò làm cá biệt hóa tác phẩm mà họ sáng tạo ra. Nhưng cũng có những trường hợp tác giả không muốn ghi tên hoặc bút danh của mình, lúc này những tác phẩm này sẽ là những tác phẩm khuyết danh và người sáng tạo ra tác phẩm khuyết danh sẽ không được pháp luật bảo hộ quyền tác giả.

Trong quá trình sáng tạo ra tác phẩm, đôi lúc sẽ có những người hỗ trợ về các hoạt động như cung cấp kinh phí, vật chất, phương tiện, tư liệu, đóng góp ý kiến để tác giả hoàn thành tác phẩm. Tuy nhiên những người này sẽ không được xác định là tác giả và sẽ không được bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm.

Đối với những tác phẩm được sáng tạo nên chỉ bởi một tác giả, thì tác giả đó được xác định là tác giả đơn nhất của tác phẩm. Khi đó, người này sẽ được hưởng toàn bộ các quyền của tác giả đối với tác phẩm. Trong những trường hợp nhiều cá nhân hợp tác cùng nhau bằng lao động sáng tạo tạo ra các tác phẩm. Lúc này, mỗi người trong số nhóm tác giả đó được xem là đồng tác giả của tác phẩm. Lúc này, những người đó cùng nhau hưởng các quyền của tác giả đối với tác phẩm.

Theo nghị định 85/2011/NĐ-CP, những chủ thể của quyền tác giả bao gồm:
  • Cá nhân Việt Nam có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả;
  • Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam;
  • Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam;
  • Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà VIệt Nam là thành viên của điều ước quốc tế đó.

Chủ sở hữu quyền tác giả

Căn cư theo Điều 36 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành quy định về chủ sở hữu quyền tác giả như sau: “Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản”. Theo đó, các đối tượng được xác định là chủ sở hữu quyền tác giả được quy định từ Điều 37 tới Điều 42 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành đó là:

a) Chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả (Điều 37 Luật sở hữu trí tuệ)

Tác giả của một tác phẩm đồng thời là chủ sở hữu của tác phẩm đó trong trường hợp tác giả đó sử dụng thời gian, trí tuệ của mình. Đồng thời sử dụng nguồn tài chính, cơ sở vật chất tự có của mình để sáng tác ra tác phẩm. Việc sáng tác ra tác phẩm không bị ràng buộc bởi một hợp đồng giao việc hoặc nhiệm vụ được giao nào khác. Trong trường hợp này, tác giả đồng thời là chủ sở quyền tác giả có toàn bộ các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm

b) Chủ sở hữu quyền tác giả là các đồng tác giả (Điều 38 Luật sở hữu trí tuệ)

Trường hợp nếu tác phẩm được tạo ra bởi sự góp sức của nhiều người về thời gian, tài chính, cơ sở vật chất để cùng nhau sáng tạo ra tác phẩm, thì những người này sẽ được xác định là đồng tác giả và đồng chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm. Các đồng chủ sở hữu có chung các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm.

c) Cá nhân, tổ chức giao nhiệm vụ cho tác giả tạo ra tác phẩm

Đây là trường hợp tác giả sáng tạo ra tác phẩm theo nhiệm vụ được giao bởi cơ quan, tổ chức, cá nhân mà người đó đang phục vụ, công tác. Lúc này, tác giả sẽ chỉ được hưởng các quyền nhân thân đối với tác phẩm mình sáng tạo ra. Các quyền về tài sản sẽ thuộc về cơ quan, tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả.

d) Cá nhân, tổ chức giao kết hợp đồng với tác giả tạo về việc sáng tạo ra tác phẩm

Cũng giống với trường hợp tác giả được giao nhiệm vụ. Trường hợp tác giả ký kết hợp đồng với những cá nhân, tổ chức để tạo ra các tác phẩm, đồng thời nhận về khoản thù lao bằng tiền hoặc lợi ích vật chất tương đương thì tác giả chỉ được hưởng các quyền nhân thân đối với tác phẩm. Cá nhân, tổ chức ký kết hợp đồng và trả tiền công cho tác giả sáng tác ra tác phẩm sẽ có các quyền tài sản đối với tác phẩm

e) Người thừa kế quyền tác giả

Quyền sở tác giả là một đối tượng trong quan hệ thừa kế. Do đó, khi tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm chết đi, thì những người được hưởng thừa kế của tác giả sẽ được pháp luật công nhận là chủ sở hữu tác phẩm. Từ đó những người này sẽ xác lập các quyền tài sản đối với tác phẩm. Trong trường hợp có nhiều người cùng được thừa kế, những người này được coi là các đồng chủ sở hữu tác phẩm. 

f) Người được chuyển giao quyền

Quyền sở hữu trí tuệ là một loại tài sản hữu hình, do đó, pháp luật cũng cho phép được chuyển nhượng quyền sở tác giả đối với tác phẩm. Những người nhận chuyển giao quyền tác giả được pháp luật công nhận là chủ sở hữu tác phẩm và có đầy đủ các quyền tài sản đối với tác phẩm nhận chuyển giao.

g) Nhà nước

Đối với các tác phẩm khuyết danh, tác phẩm còn trong thời hạn bảo hộ mà chủ sở hữu quyền tác giả chết không còn người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc không được hưởng di sản hoặc tác giả chuyển giao quyền tác giả cho Nhà nước thì Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm đó.

3. Các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

Căn cứ theo Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành quy định về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả đó bao gồm:

a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

c) Tác phẩm báo chí;

d) Tác phẩm âm nhạc;

đ) Tác phẩm sân khấu;

e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);

g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

h) Tác phẩm nhiếp ảnh;

i) Tác phẩm kiến trúc;

k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu

Bên cạnh các loại hình tác phẩm nêu trên, các tác phẩm phái sinh của các tác phẩm đó cũng được pháp luật bảo hộ quyền tác giả nếu việc sáng tạo và sử dụng tác phẩm phái sinh không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm đó. 

Bên cạnh đó, có những loại hình tác phẩm không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả, đó là:
  • Tin tức thời sự thuần túy đưa tin.
  • Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.
  • Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.

4. Các quyền tác giả được bảo hộ

Các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm được pháp luật bảo hộ quyền tác giả và trao cho họ những quyền nhất định. Cụ thể đó là quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm.

Quyền nhân thân đối với tác phẩm

Quyền nhân thân đối với tác phẩm là các quyền mang yếu tố tinh thần đối với các tác phẩm. Các quyền nhân thân luôn gắn liền với các chủ thể là tác giả sáng tạo ra các tác phẩm, tuy nhiên cũng có những trường hợp những quyền nhân thân này được dịch chuyển từ tác giả sang các chủ thể khác khi quyền tác giả được chuyển giao bởi các hợp đồng chuyển nhượng. Các quyền nhân thân cụ thể bao gồm:

  • Quyền đặt tên cho tác phẩm;
  • Quyền đứng tên tác giả đối với tác phẩm;
  • Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả;
  • Quyền công bố hoặc cho người khác công bố tác phẩm.

Quyền tài sản đối với tác phẩm

Đây là các quyền đem lại những lợi ích vật chất cho tác giả và chủ sở hữu tác phảm. Đó là quyền được hưởng nhuận bút, hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng, hưởng lợi ích vật chất từ việc cho người khác sử dụng tác phẩm, nhận giải thưởng khi tác phẩm trúng giải. Ngoài các quyền trên, Luật sở hữu trí tuệ còn quy định các quyền tài sản khác như sau:

  • Làm tác phẩm phái sinh;
  • Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
  • Sao chép tác phẩm;
  • Phân phối bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
  • Nhập khẩu bản sao tác phẩm;
  • Truyền đạt tác phẩm đến công chúng;
  • Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

5. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả

Luật sở hữu trí tuệ quy định thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với từng trường hợp cụ thể. Theo đó, phân định làm 2 dạng là bảo hộ vô thời hạn và bảo hộ có thời hạn.

Bảo hộ vô thời hạn

Các quyền được pháp luật bảo hộ vô thời hạn là các quyền nhân thân gắn liền với tác giả không thể chuyển dịch cho các chủ thể khác. Cụ thẻ hơn đó là các quyền

  • Quyền đặt tên cho tác phẩm;
  • Quyền đứng tên tác giả đối với tác phẩm;
  • Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả.
Bảo hộ có thời hạn

Các quyền được pháp luật bảo hộ có thời hạn đó là các quyền nhân thân có thể dich chuyển được từ chủ thể này cho chủ thể khác và các quyền tài sản đối với tác phẩm. Cụ thể tại Khoản 2 Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành quy định về thời hạn bảo hộ của các trường hợp đó như sau:

2. Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này có thời hạn bảo hộ như sau:

a) Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này;

b) Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;

c) Thời hạn bảo hộ quy định tại điểm a và điểm b khoản này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

6. Các hành vi xâm phạm quyền tác giả

Do đã được pháp luật bảo hộ về quyền tác giả, vì vậy mọi hành vi xâm hại đến các quyền và lợi ích chính đáng của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm thì đều được coi là vi phạm pháp luật. Cụ thể tại Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ quy định về những hành vi xâm hại quyền tác giả bao gồm:

1. Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

2. Mạo danh tác giả.

3. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.

4. Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.

5. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.

7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.

8. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.

9. Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

10. Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

11. Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

12. Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

13. Cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.

14. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

15. Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.

16. Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Quyền tác giả được pháp luật bảo hộ không những bảo vệ những quyền và lợi ích chính đáng cho tác giả và chủ sở hữu tác phẩm. Giúp họ được xã hội công nhân tài năng và tâm huyết, đồng thời cũng đảm bảo việc họ gặt hái được những thành quả nhất định từ việc sáng tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình khoa học. Qua đó khuyến khích sự sáng tạo nhiều hơn nữa của các tác giả để họ tiếp tục cho ra đời những tác phẩm hay, độc đáo và có ích cho cộng đồng.

Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn đọc!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

Để biết thêm thông tin chi tiết về dịch vụ của Luật Sư X, hãy liên hệ: 0833102102

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm