Sau khi xóa án tích có phải phạm tội lần đầu không?

bởi TranThiQuynhAnh

Câu hỏi tư vấn:

Tôi có một người bạn năm nay 24 tuổi, đã được xóa án tích vào năm 2016. Vào năm 2019, bị xử phạt tội trộm cắp tài sản. Vậy, trong trường hợp bạn của tôi thì khi đã được xóa án tích, phạm tội mới có được xem coi phạm tội lần đầu không?

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017

Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP

Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao

Nội dung tư vấn:

Thế nào là xóa án tích?

Xóa án tích là một quy định được Bộ luật Hình sự năm 2015 đề cập tại Chương X, gồm 03 trường hợp xóa án tích: Đương nhiên được xóa án tích, xóa án tích theo quyết định của Tòa án và xóa án tích trong trường hợp đặc biệt.

Theo đó, Điều 69, Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ rõ:

“1. Người bị kết án được xóa án tích theo quy định tại các điều từ Điều 70 đến Điều 73 của Bộ luật này.

Người được xóa án tích coi nh3ư chưa bị kết án.

2. Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích”.

Như vậy, hậu quả pháp lý lớn nhất của việc xóa án tích chính là người bị kết án bị coi như chưa bị kết án, tức là xóa bỏ việc Tòa án ra bản án, quyết định có hiệu lực thi hành tuyên bố một người phạm tội do hành vi của mình gây ra theo quy định của Bộ luật hình sự.

Về cơ bản, đây là chế định nhân đạo mà pháp luật hình sự nói chung, hệ thống pháp luật Việt Nam nói riêng giành cho những người bị xử phạt hình sự, cho họ con đường để trở về làm công dân tốt, hòa nhập với cộng đồng và tránh mặc cảm bởi việc ghi trong lý lịch tư pháp là đã bị kết án.

Thế nào là phạm tội lần đầu?

Thông thường, phạm tội lần đầu là những trường hợp mà pháp luật hình sự quy định về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm, định khung hình phạt cho chủ thể vi phạm. Bộ luật hình sự năm 2015 không quy định cụ thể về áp dụng hình thức phạm tội lần đầu, song tại Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao có quy định chi tiết việc áp dụng. Theo đó:

“Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu”.

Như vậy, điều kiện để được xem phạm tội lần đầu phải phải là trường hợp bị cáo chưa phạm tội lần nào. Trường hợp bị cáo trước đó đã phạm tội, dù có được xóa án tích nhưng cũng không được xem xét áp dụng tình tiết phạm tội lần đầu.

Tuy nhiên, Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 66 và 106 Bộ luật Hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện lại nêu ra một quan điểm khác tại Khoản 2, Điều 2:

“Các trường hợp được coi là phạm tội lần đầu và có thể xem xét nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Trước đó chưa phạm tội lần nào;

b) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự;

c) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;

d) Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích.”

Theo quy định này thì có thể coi là phạm tội lần đầu trong trường hợp bị cáo trước đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích. Bộ luật Hình sự quy định một số trường hợp được coi là không có án tích, gồm:

Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt

Người dưới 18 tuổi được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp: (i) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; (ii) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng do vô ý: (iii) Người bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục 3 Chương XII, BLHS năm 2015.

Sau khi xóa án tích có phải là phạm tội lần đầu không?

Thông qua các phân tích ở trên, có thể thấy rằng, việc không thống nhất các quy định về phạm tội lần đầu đang bị mâu thuẫn là chồng chéo. Tuy nhiên, dựa trên quan điểm của chúng tôi và tham khảo quan điểm của nhiều bản án thì sau khi xóa án tích mà phạm tội mới sẽ không được xem là phạm tội lần đầu.

Bởi theo chúng tôi, phạm tội lần đầu tức là trước đó chưa từng phạm tội, chưa từng bị kết án bởi một tội nào trong pháp luật hình sự. Mặc dù việc xóa án tích để lại hệ quả pháp lý là việc người bị kết án bị coi như chưa bị kết án nhưng không đồng nghĩa với việc trước đó, họ chưa từng vi phạm hình sự.

Thực tiễn xét xử, nhiều Thẩm phán có ý kiến cho rằng tại thời điểm hiện tại thì có thể áp dụng linh hoạt Nghị quyết số 01/2018/NQ – HĐTP  với lý do nghị quyết này ban hành sau và khi áp dụng thì có lợi cho bị cáo. Tuy nhiên nếu áp dụng Nghị quyết thì đối với những trường hợp trước đó đã vận dụng hướng dẫn của Công văn giải đáp để xét xử lại là bất lợi cho các bị cáo.

Dịch vụ tư vấn về xóa án tích của Luật sư X

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về câu hỏi Sau khi xóa án tích có phải là phạm tội lần đầu không? Hy vọng, bài viết sẽ phần nào giải đáp thắc mắc của các bạn về quy định xóa án tích và phạm tội lần đầu

Với nhiều năm kinh nghiệm trong tư vấn pháp lý, Luật sư X là đơn vị đảm bảo sẽ tư vấn uy tín, chuyên nghiệp và đưa lại nhiều lợi ích tốt nhất cho quý khách hàng. Để biết thêm chi tiết, liên hệ với chúng tôi qua: 0833102102

Tham khảo thêm bài viết:

Khi nào thì áp dụng tình tiết phạm tội lần đầu?

Hiện nay, Tòa án chỉ áp dụng tình tiết phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nhằm mục đích làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi có đủ hai điều kiện:
– Phạm tội lần đầu
– Thuộc trường hợp ít nghiêm trọng
Nếu bị cáo phạm tội lần đầu mà không phải thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc ngược lại phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nhưng lần phạm tội này không phải là phạm tội lần đầu thì không áp dụng Điểm I, Khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.

Khi nào thì người bị kết án được xóa án tích?

Người bị kết án được xóa án tích khi họ thuộc các trường hợp về xóa án tích theo quy định hiện hành. Cụ thể phải đáp ứng được các điều kiện quy định về: Đương nhiên xóa án tích (Điều 70, BLHS năm 2015); Xóa án tích theo quyết định của Tòa án (Điều 71, BLHS năm 2015); Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt (Điều 72, BLHS năm 2015).

Việc xóa án tích có những lợi ích gì với người bị kết án?

Như phân tích ở trên, hậu quả pháp lý lớn nhất của việc xóa án tích chính là người bị kết án bị coi như chưa bị kết án, tức là xóa bỏ việc Tòa án ra bản án, quyết định có hiệu lực thi hành tuyên bố một người phạm tội do hành vi của mình gây ra theo quy định của Bộ luật hình sự. Đây cũng chính là điểm có lợi nhất khi làm thủ tục xóa án tích.

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm