Sống thử có vi phạm pháp luật không?

bởi Luật Sư X
Sống thử có vi phạm pháp luật không?

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc sống thử là một hiện tưởng rất phổ biến của giới trẻ. “Sống thử” có cả những mặt tích cực và mặt hạn chế. Dưới góc độ pháp lý, nhiều câu hỏi được đặt ra rằng: “Sống thử có vi phạm pháp luật không?” Hãy cùng Luật sư X tìm kiếm câu trả lời trong bài viết sau đây.

Căn cứ:

  • Luật hôn nhân và gia đình 2014
  • Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017
  • Nghị định 110/2013/NĐ-CP

Nội dung tư vấn

1. “Sống thử” được hiểu như thế nào dưới khía cạnh pháp lý?

“Sống thử” được hiểu là các cặp nam nữ về sống chung với nhau như các cặp vợ chồng nhưng họ không tổ chức hôn lễ, cũng như họ không đăng ký kết hôn. Có thể nói, việc “sống thử” có khái niệm tương tự là chung sống như vợ chồng phi hôn nhân.

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.

2. “Sống thử” có vi phạm pháp luật không?

Để trả lời cho câu hỏi: “Sống thử” có vi phạm pháp luật không? thì cần xác định được tư cách của người những người “sống thử” theo hai trường hợp sau:

Trường hợp 1: Cả hai bên chưa có vợ, chưa có chồng “sống thử”

Theo quy định tại Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì hành vi “sống thử” giữa những người chưa có vợ, chưa có chồng không thuộc một trong những hành vi bị cấm để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình. Vì vậy, “sống thử”  giữa những chưa có vợ, chưa có chồng là hành vi không vi phạm pháp luật và không bị xử lý hành chính hay xử lý hình sự.

Trường hợp 2: Người đang có vợ, có chồng “sống thử” hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng “sống thử” với người đang có vợ, có chồng 

Theo quy định tại Điểm c Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì hành vi người đang có vợ, có chồng “sống thử” hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng “sống thử” với người đang có vợ, có chồng thuộc một trong những hành vi bị cấm để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình: “Cấm người đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”. Vì vậy,  người đang có vợ, có chồng “sống thử” hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng “sống thử” với người đang có vợ, có chồng là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự tùy vào mức độ:

  • Hành chính:

Theo quy định tại Điểm b, c Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP thì người đang có vợ, có chồng mà “sống thử” với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng “sống thử” với người đang có vợ, có chồng và biết rõ tình trạng hôn nhân của họ mà vẫn thực hiện hành vi sống thử thì có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng – 3 triệu đồng/người.

  • Hình sự:

Người đang có vợ, có chồng mà “sống thử” với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng “sống thử” với người đang có vợ, có chồng và biết rõ tình trạng hôn nhân của họ mà vẫn thực hiện hành vi sống thử còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 187 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.

Như vậy, qua những phân tích trên, có thể thấy pháp luật không cấm “sống thử” giữa những người chưa có vợ, chưa có chồng nhưng pháp luật cũng không công nhận hành vi sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn này.

Vì không được công nhận, nên nếu xảy ra tranh chấp cả hai bên sẽ không được công nhận là vợ chồng và ảnh hưởng đến việc giải quyết những vấn đề tài sản hay con cái của hai bên. Chính vì thế, nếu muốn “sống thử” bạn hãy cân nhắc thật kỹ càng để có được lựa chọn sáng suốt nhất!

Hy vọng bài viết hữu ích với bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

 

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm