Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính

bởi Luật Sư X
hành chính

Pháp luật được ra đời với vai trò nhằm đảm bảo trật tự xã hội, xử phạt những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đưc. Do đó, để xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm pháp luật, cần phải có những biện pháp nhằm ngăn chặn sự trốn tránh trách nhiệm của những đối tượng vi vi phạm pháp luật. Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có quy định về những biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý hành chính. Bài viết sau đây sẽ đề cập tới các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo cụ thể đó

Căn cứ:

Nội dung tư vấn

1. Tổng quan về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính

Theo lẽ thông thường, điều đầu tiên những người vi phạm pháp luật thường nghĩ tới đó là làm sao để trốn tránh trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm pháp luật mà mình đã gây ra. Những người này thường tự mình hoặc có sự giúp sức của người khác phi tang chứng cứ, xóa bỏ hiện trường, hoặc bỏ trốn khỏi hiện trường xảy ra vụ việc, không tự giác tới trình báo với các cơ quan chức năng để giải quyết. Do đó, khi xét thấy người vi phạm pháp luật có những hành vi, biểu hiện hoặc nhận thấy khả năng người đó có thể lẩn tránh việc chịu trách nhiệm trước pháp luật thì cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền có thể ra ban hành những quyết định nhằm ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, đối với những hành vi vi phạm pháp luật hành chính mà bị lực lượng chức năng bắt quả tang, hoặc cần thiết phải khám xét hoặc tạm giữ để khai thác thêm thông tin thì cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn để đảm bảo việc chứng minh hành vi vi phạm pháp luật.

Cụ thể tại Điều 119 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định những biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cụ thể bao gồm:

1. Tạm giữ người;

2. Áp giải người vi phạm;

3. Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

4. Khám người;

5. Khám phương tiện vận tải, đồ vật;

6. Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

7. Quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất;

8. Giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính

9. Truy tìm đối tượng phải chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp bỏ trốn.

Với 9 biện pháp ngăn chặn và bảo đảm nêu trên, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt hành chính có thể căn cứ theo tình hình thực tế, tính chất của từng trường hợp cụ thể để áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm một cách phù hợp. Giúp cho việc xử lý vi phạm hành chính được diễn ra một cách suôn sẻ, đúng pháp luật. Để làm được điều đó. pháp luật cũng quy định về những nguyên tắc trong việc áp dụng các biện pháp đảm bảo và ngăn chặn để cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt hành chính vận dụng vào thực tế một cách linh hoạt, chuẩn xác. Căn cứ theo Điều 120 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về những nguyên tắc sau:

1. Khi áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định tại các điều từ 120 đến 132 của Luật này, nếu vi phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp cần thiết theo quy định tại Chương II của Phần này.

3. Người ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình.

4. Việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính cụ thể

Tạm giữ người theo thủ tục hành chính

Cũng tương tự như mục đích của việc tạm giữ trong luật hình sự, mục đich việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính cũng nhằm ngăn chặn kịp thời đối với các hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể là các hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác mà chưa có dấu hiệu phạm tội và chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, việc tạm giữ theo thủ tục hành chính có những điểm khác nhau cơ bản so với thủ tục tạm giữ người theo thủ tục tố tụng hình sự. Sự khác nhau cơ bản nhất đó là về thời hạn của việc tạm giữ người, đối với thủ tục tố tụng hình sự, người bị tạm giữ có thể bị tạm giữ lâu nhất là không quá 9 ngày. Còn đối với việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính, thông thường người tạm giữ chỉ bị tạm giữ không quá 12h và trong trường hợp ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo thì việc tạm giữ theo thủ tục hành chính có thể kéo dài hơn nhưng không quá 48h (2 ngày).

Khi bị tạm giữ, người bị tạm giữ cũng có những quyền hạn nhất định như quyền được yêu cầu thông báo cho những người thân được biết việc họ bị tạm giữ. Bên cạnh đó, người bị tạm giữ cũng được bảo đảm các quyền cơ bản của con người đó là không bị đánh đập, ép cung, phỉ báng,… Mặt khác, pháp luật cũng quy định nơi tạm giữ người phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định pháp luật về nơi tạm giữ, đảm bảo vệ sinh, an toàn cho người bị tạm giữ.

Áp giải người vi phạm

Đối với những trường hợp người vi phạm pháp luật đã được cơ quan, người có thẩm quyền ban hành quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính mà không chấp hành, có dấu hiệu chống đối thì người thi hành công vụ có thể áp dụng biện pháp bảo đảm là áp giải người vi phạm về trụ sở cơ quan hoặc nơi tạm giữ ghi trong quyết định tạm giữ người.

Bên cạnh đó, trường hợp những đối tượng đang phải chấp hành việc xử lý hành chính là học tập trong trại giáo dưỡng, cải tạo tại cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà có hành vi bỏ trốn thì cơ quan, người có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp áp giải người vi phạm.

Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính

Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được pháp luật cho phép áp dụng đối với các trường hợp sau:

  • Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt
  • Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội
  • Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt hành chính

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Khám người theo thủ tục hành chính

Việc khám người theo thủ tục hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng người đó cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Để tiến hành việc khám người, cơ quan, người có thẩm quyền phải ban hành quyết định khám người bằng một văn bản, trừ những trường hợp khẩn cấp. Trước khi tiến hành khám người, người khám phải thông báo quyết định cho người bị khám biết. Khi khám người, nam khám nam, nữ khám nữ và phải có người cùng giới chứng kiến.

Khám phương tiện vận tải, đồ vật

Việc khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng trong phương tiện vận tải, đồ vật đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính. Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy, thì ngoài những như chiến sĩ cảnh sát nhân dân, cảnh sát viên cảnh sát biển, chiến sĩ bộ đội biên phòng, kiểm lâm viên, công chức thuế, công chức hải quan, kiểm soát viên thị trường, thanh tra viên đang thi hành công vị được khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính và phải báo cáo ngay cho thủ trưởng trực tiếp của mình và phải chịu trách nhiệm về việc khám. Khi tiến hành khám phương tiện vận tải, đồ vật phải có mặt chủ phương tiện vận tải, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện vận tải và 01 người chứng kiến; trong trường hợp chủ phương tiện, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện vắng mặt thì phải có 02 người chứng kiến.

Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Khi khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có mặt người chủ nơi bị khám hoặc người thành niên trong gia đình họ và người chứng kiến. Trong trường hợp người chủ nơi bị khám, người thành niên trong gia đình họ vắng mặt mà việc khám không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và 02 người chứng kiến. Không được khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc việc khám đang được thực hiện mà chưa kết thúc nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất

Quản lý đối với người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất được áp dụng khi có căn cứ cho rằng nếu không áp dụng biện pháp này thì người đó sẽ trốn tránh hoặc cản trở việc thi hành quyết định xử phạt trục xuất hoặc để ngăn chặn người đó tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Thủ trưởng Cơ quan quản lý xuất cảnh, nhập cảnh hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất ra quyết định quản lý đối với người nước ngoài vi phạm pháp luật trong thời gian làm thủ tục trục xuất bằng các biện pháp sau:

a) Hạn chế việc đi lại của người bị quản lý;

b) Chỉ định chỗ ở của người bị quản lý;

c) Tạm giữ hộ chiếu hoặc giấy tờ tuỳ thân khác thay hộ chiếu.

Giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính

Trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập hồ sơ quyết định giao gia đình hoặc tổ chức xã hội quản lý người có hành vi vi phạm pháp luật. Điều kiện để áp dụng biện pháp này đó là đối tượng vi phạm phải có nơi cư trú ổn định và được giao cho gia đình quản lý, nếu trường hợp không có nơi cư trú ổn định cùng gia đình thì được giao cho tổ chức xã hội quản lý.

Truy tìm đối tượng phải chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp bỏ trốn

Trong trường hợp người đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn trước khi được đưa vào trường hoặc cơ sở, thì cơ quan Công an cấp huyện nơi lập hồ sơ ra quyết định truy tìm đối tượng. Trong trường hợp người đang chấp hành tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc và Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc ra quyết định truy tìm đối tượng. Cơ quan Công an có trách nhiệm phối hợp với trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc trong việc truy tìm đối tượng để đưa người đó trở lại trường hoặc cơ sở.

Hy vọng bài viết hữu ích đối với quý độc giả.

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

 

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm