Để duy trì sự tồn tại đồng thời với việc thực hiện các chức năng của mình nhà nước cần có nguồn vật chất để thực hiện những chi tiêu có tính chất xã hội đó. Bằng quyền lực chính trị, nhà nước thu một bộ phận của cải xã hội để có được nguồn vật chất đó. Quan hệ thu, nộp những nguồn vật chất này chính là thuế. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay thì có rất nhiều loại thuế được áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ, thu nhập, tài sản,… và một trong những loại thuế được áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ là thuế tiêu thụ đặc biệt. Vậy thuế tiêu thụ đặc biệt là gì? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu nhé!Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008.
Căn cứ pháp lý
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2014.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế năm 2016.
Nội dung tư vấn
1. Khái niệm và đặc điểm về “thuế”
Thuế là khoản thu nộp mang tính bắt buộc mà các tổ chức, cá nhân phải nộp cho nhà nước khi có đủ những điều kiện nhất định.
Dựa vào khái nhiệm trên, có thể thấy thuế có một số đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, thuế là một khoản thu nộp bắt buộc vào ngân sách nhà nước. Tính bắt buộc thể hiện ở chỗ, đối với người nộp thuế, đây là nghĩa vụ chuyển giao tài sản của họ cho Nhà nước khi có đủ những điều kiện mà không phải là quan hệ thanh toán dù trong hay ngoài hợp đồng. Còn đối với cơ quan thu thuế, khi thay mặt nhà nước thực hiện hành vi nhất định cũng không được phép lựa chọn thực hiện hay không thực hiện hành vi thu thuế, có sự phân biệt đối xử đối với người nộp thuế.
Thứ hai, thuế gắn với yếu tố quyền lực nhà nước. Bằng quyền lực chính trị của mình, Nhà nước đã tạo ra cho thuế tính cố định và sự tuân thủ của các đối tượng nộp thuế bằng việc ghi nhận thuế ở các văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất – luật thuế.
Thứ ba, thuế không mang tính đối giá, không hoàn trả trực tiếp. Thuế không phải là một khoản chi trả khi các đối tượng nộp thuế đã nhận được một lợi ích hay quyền lợi cụ thể nào từ phía Nhà nước, mà bất kỳ “ai”, khi đáp ứng đủ các điều kiện mà pháp luật về thuế quy định đều phải thực hiện nghĩa vụ thuê đối với Nhà nước.
2. Khái niệm và đặc điểm của “thuế tiêu thụ đặc biệt”
Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, cần điều tiết mạnh nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Về bản chất, thuế tiêu thị đặc biệt cũng là một loại thuế gián thu, do người tiêu dùng chịu nhưng thuế tiêu thụ đặc biệt có một số đặc thì giúp ta phân biệt loại thuế này với các loại thuế gián thu khác.
Thứ nhất, thuế tiêu thụ đặc biệt có diện đánh thuế hẹp.
Khác với các loại thuế gián thu khác như thuế bán hàng, thuế doanh thu và thuế giá trị gia tăng là những loại thuế có đối tượng chịu thuế rộng rãi, bao quát hầu hết các mặt hàng và dịch vụ tiêu thụ trong nền kinh tế, thì thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ tập trung điều tiết một số mặt hàng và dịch vụ nhất định, không được Nhà nước khuyến khích tiêu dùng. Tùy theo quan điểm của các nhà làm luật ở mỗi quốc gia mà danh mục hàng hóa, dịch vụ phải chịu loại thuế này có thể khác nhau. Điều này được lý giải bởi chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng cũng như trong lĩnh vực điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư ở từng giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội và phong tục tập quán mỗi nước. Nhìn chung các quốc gia thường đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào một số mặt hàng được coi là cao cấp, không thiết yếu, Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng.
Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014. Theo đó, đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm:
Hàng hóa: Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm; rượu; bia; xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng; xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3; tàu bay, du thuyền; xăng các loại; điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; bài lá; vàng mã, hàng mã.
Tuy nhiên, để khuyến khích nền sản xuất trong nước cũng như đảm bảo lợi ích công cộng thì một số loại hàng hóa trên là đối tượng không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định tại Điều 3 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Cụ thể là:
- Hàng hóa do cơ sở sản xuất, gia công trực tiếp xuất khẩu hoặc bán, ủy thác cho cơ sở kinh doanh khác để xuất khẩu;
- Hàng hóa nhập khẩu bao gồm:
- Hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; quà tặng cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, quà biếu, quà tặng cho cá nhân tại Việt Nam theo mức quy định của Chính phủ;
- Hàng hóa vận chuyển quá cảnh hoặc mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam, hàng hóa chuyển khẩu theo quy định của Chính phủ;
- Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu và tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu không phải nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu trong thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
- Đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao; hàng mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế; hàng nhập khẩu để bán miễn thuế theo quy định của pháp luật;
- Tàu bày, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch và tàu bay sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng.
- Xe ô tô cứu thương; xe ô tô chở phạm nhân; xe ô tô tang lễ; xe ô tô thiết kế vừa có chỗ ngồi, vừa có chỗ đứng chở được từ 24 người trở lên; xe ô tô chạy trong khu vui chơi, giải trí, thể thao không đăng ký lưu hành và không tham gia giao thông;
- Hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, hàng hoá từ nội địa bán vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, hàng hoá được mua bán giữa các khu phi thuế quan với nhau, trừ xe ô tô chở người dưới 24 chỗ.
Dịch vụ: Kinh doanh vũ trường; kinh doanh mát-xa (massage), ka-ra-ô-kê (karaoke); kinh doanh ca-si-nô (casino); trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot), máy sờ-lot (slot) và các loại máy tương tự; kinh doanh đặt cược; kinh doanh gôn (golf) bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi gôn; kinh doanh xổ số.
Thứ hai, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt có thể là thuế suất cố định hoặc thuế suất tỉ lệ và thường cao hơn so với thuế suất của các loại thuế gián thu khác.
Đối với các loại thuế gián thu khác như thuế giá trị gia tăng, thuế doang thu, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, luật pháp các nước thường quy định hệ thống thuế suất tỉ lệ làm căn cứ để tính thuế. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt có thể là thuế suất cố định hoặc thuế suất tỷ lệ, tùy theo quan điểm của các nhà làm luật mỗi nước.
Ở những nước áp dụng biểu thuế suất cố định như Mỹ, Nhật, một số nước châu Âu và Philippines, mức thu được ấn định bằng một lượng tuyệt đối trên đơn vị hàng hóa chịu thuế. Ví dụ: ở Hoa Kỳ, mức thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là 39 xen/ bao, đối với rượu dao động từ 1,07 đến 3,40 đô-la/ga-lông; ở Nhật Bản mức thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với 1000 điếu thuốc lá là 3126 yên,…
Biểu thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cũng có thể bao gồm hệ thống thuế suất tỷ lệ, mức thu quy định bằng một tỷ lệ phần trăm tính trên giá tính thuế hàng hóa, dịch vụ. Việt Nam là một trong những quốc gia áp dụng biểu thuế suất tỷ lệ cho thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì mức thuế suất áp dụng với rượu dao động từ 30 – 65%, với bia từ 55 – 65%, dịch vụ kinh doanh vũ trường là 40%, kinh doanh mát-xa, ka-ra-ô-kê là 30%,…
Cũng có nhiều quốc gia sử dụng cả thuế suất cố định và thuế suất tỷ lệ để hướng dẫn tiêu dùng đối với một số mặt hàng đặc biệt, Thái Lan là một trong những quốc gia áp dụng hình thức này. Theo quy định của Thái Lan: rượu, các đồ uống không cồn, thuốc lá, xăng là những mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo thuế suất cố định; còn bài lá, diêm và xi măng lại chịu thuế suất theo mức thuế tỷ lệ.
Dù áp dụng thuế suất tỷ lệ hay thuế suất cố định, thông thường các quốc gia đều quy định mức thuế suất cao, thậm chí cao so với các thuế suất của các loại thuế gián thu khác nhằm hướng dẫn tiêu dùng hợp lý, điều tiết thu nhập của những đối tượng sử dụng hàng hóa và dịch vụ đặc biệt, từ đó tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Thứ ba, thuế tiêu thụ đặc biệt thường chỉ được thu một lần ở khâu sản xuất hoặc nhập khẩu. Cùng một mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, khi luân chuyển qua khâu lưu thông sẽ không bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Đặc điểm này cho thấy thuế tiêu thụ khác với thuế doanh thu và thuế giá trị gia tăng ở chỗ các loại thuế này đánh trên toàn bộ doanh thu bán hàng hoặc trên giá trị tăng thêm của hàng hóa ở mỗi khâu trong lưu thông
3. Vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt
Thuế tiêu thụ đặc biệt có 03 vai trò chủ yếu sau:
Một là, thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong những công cụ giúp Nhà nước thực hiện chính sách quản lý đối với cơ sở sản xuất kinh doanh và nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ.
Hai là, thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong những công cụ kinh tế để Nhà nước điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư có thu nhập cao, hướng dẫn tiêu dùng hợp lý.
Ba là, thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ quan trọng được sử dụng nhằm ổn định và tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Hi vọng bài viết hữu ích đối với bạn!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về Luật sư doanh nghiệp tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay