Tội buôn lậu có thể bị áp dụng hình phạt nào?

bởi MyNgoc
Tội buôn lậu có thể bị áp dụng hình phạt nào?

Buôn lậu là hành vi phạm tội xảy ra phổ biến hiện nay. Để khống chế tình trạng buôn lậu gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (BLHS 2015) đã có quy định xử lý hình sự với tội buôn lậu. Tội buôn lậu có thể bị áp dụng hình phạt nào? Hãy tham khảo ngay bài viết của Luật sư X về vấn đề này.

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017

Nội dung tư vấn

Thế nào là buôn lậu?

Căn cứ Điều 188 BLHS 2015, buôn lậu là hành vi buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí, đá quý,…

Việc buôn bán trái pháp luật trên thể hiện thông qua hoạt động trao đổi hàng hóa mà không khai báo, khai báo gian dối, dùng giấy tờ giả mạo, giấu diếm hàng hóa không có giấy tờ hợp lệ, trốn tránh sự kiểm soát của hải quan, bộ đội biên phòng nhằm mục đích thu lợi bất chính.

Cấu thành tội phạm của tội buôn lậu

Chủ thể của tội buôn lậu

Để trở thành chủ thể của một tội phạm cần có 2 điều kiện về độ tuổi và năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Với tội buôn lậu, chủ thể phạm tội phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên với đủ năng lực hành vi. Người dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội này.

Ngoài ra, pháp nhân thương mại theo quy định cũng là chủ thể của tội phạm này.

Khách thể của tội buôn lậu

Khách thể của tội phạm này không phải là an ninh kinh tế mà là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự quản lý việc xuất, nhập khẩu hàng hoá, tiền tệ, kim khí đá quý, di vật, cổ vật, vật phẩm thuộc di tích lịch sử.

Đối tượng tác động của tội buôn lậu là hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá và hàng cấm.

Khi xác định đối tượng tác động, nếu cần phải trưng cầu giám định của cơ quan chuyên môn thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định.

  • Hàng hoá là vật phẩm được làm ra trong qua trình sản xuất, có giá trị và được đem trao đổi trong thị trường.
  • Tiền Việt Nam là tiền, ngân phiếu, trái phiếu và các loại thẻ tín dụng hoặc giấy tờ khác có giá trị thanh toán do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.
  • Kim khí quý là các loại kim khí thuộc loại quý hiếm dạng tự nhiên hoặc các chế phẩm làm từ kim khi quý theo danh mục do Nhà nước Việt Nam ban hành như: Vàng, bạc, bạch kim…
  • Đá quý là các loại đá tự nhiên và các thành phẩm từ đá quí theo danh mục do Nhà nước Việt Nam ban hành như: Kim cương, Rubi, Saphia, Emôrot và những đá quý tự nhiên khác có giá trị tương đương.
  • Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa do Nhà nước quy định.
  • Hàng cấm là hàng hoá mà Nhà nước cấm buôn bán trên lãnh thổ Việt Nam và cấm nhập, cấm xuất.

Mặt chủ quan của tội buôn lậu

Người thực hiện hành vi buôn lậu là do cố ý (cố ý trực tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi buôn bán trái phép qua biên giới, thấy trước được hậu quả của của hành vi buôn bán trái phép qua biên giới và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Không có hành vi buôn lậu nào được thực hiện do cố ý gián tiếp.

Mục đích của người phạm tội là thu lợi. Biểu hiện của mục đích thu lợi là người phạm tội tìm cách trốn thuế xuất nhập khẩu.

Mặt khách quan của tội buôn lậu

Hành vi khách quan là hành vi buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý. Buôn lậu là hành vi buôn bán trái phép để kiếm lời. Ngoài hành vi khách quan, có một số dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội buôn lậu như giá trị hàng phạm pháp, số lượng hàng phạm pháp, địa điểm phạm tội.

Hậu quả của hành vi buôn lậu là những thiệt hại đến tính mạng, tài sản và những thiệt hại khác do hành vi buôn lậu gây ra. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, nếu hậu quả do hành vi buôn lậu gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt có mức cao hơn.

Thiệt hại trực tiếp do hành vi buôn lậu gây ra là Nhà nước không kiểm soát được hàng hoá xuất nhập khẩu, gây thất thoát thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu hàng hoá.

Hình phạt cho người phạm tội buôn lậu

Hình phạt chính

Đối với người phạm tội buôn lậu có thể bị áp dụng một trong các hình phạt chính như sau:

  • Phạt tiền;
  • Phạt tù có thời hạn.

Cụ thể:

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

Mức phạt này sẽ được áp dụng cho người buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau:

(1) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi hoặc đã bị kết án về một trong các tội dưới đây, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm:

  • Tội buôn lậu (Điều 188);
  • Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189);
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190);
  • Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191);
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192);
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193);
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194);
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi (Điều 195);
  • Tội trốn thuế (Điều 200).

(2) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm

Mức hình phạt này được áp dụng cho các trường hợp phạm tội buôn lậu như:

  • Có tổ chức;
  • Có tính chất chuyên nghiệp;
  • Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
  • Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
  • Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
  • Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Tái phạm nguy hiểm.

Phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm

Các trường hợp bị áp dụng mức hình phạt này khi phạm tội buôn lậu bao gồm:

  • Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
  • Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm

Mức phạt tù này áp dụng cho các trường hợp phạm tội buôn lậu như:

  • Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
  • Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
  • Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

Hình phạt bổ sung

Bên cạnh các hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Hình phạt áp dụng cho pháp nhân thương mại phạm tội buôn lậu

Hình phạt chính

Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng

Hình phạt này áp dụng cho pháp nhân thương mại buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật đối với:

(1) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

(2) Hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật;

(3) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi hoặc đã bị kết án về một trong các tội dưới đây, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm:

  • Tội buôn lậu (Điều 188);
  • Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189);
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190);
  • Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191);
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192);
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193);
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194);
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi (Điều 195);
  • Tội trốn thuế (Điều 200).

Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng

Mức phạt này sẽ áp dụng cho các trường hợp phạm tội của pháp nhân thương mại dưới đây:

  • Có tổ chức;
  • Có tính chất chuyên nghiệp;
  • Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
  • Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
  • Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Tái phạm nguy hiểm.

Phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng

Các trường hợp bị áp dụng mức hình phạt này đối với pháp nhân thương mại khi phạm tội buôn lậu bao gồm:

  • Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
  • Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm

Mức phạt này áp dụng cho các trường hợp phạm tội buôn lậu đối với pháp nhân thương mại như:

  • Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
  • Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
  • Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn

Nếu pháp nhân thương mại phạm tội buôn lậu mà gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

Hình phạt bổ sung

Bên cạnh hình phạt chính, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Có thể bạn quan tâm

Liên hệ Luật sư

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề: “Tội buôn lậu có thể bị áp dụng hình phạt nào?. Để sử dụng dịch vụ của chúng tôi mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.

Liên hệ hotline: 0833.102.102

  1. FaceBook: www.facebook.com/luatsux
  2. Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
  3. Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux

Câu hỏi thường gặp

Buôn lậu là gì?

Buôn lậu là hành vi buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí, đá quý,…
Việc buôn bán trái pháp luật trên thể hiện thông qua hoạt động trao đổi hàng hóa mà không khai báo, khai báo gian dối, dùng giấy tờ giả mạo, giấu diếm hàng hóa không có giấy tờ hợp lệ, trốn tránh sự kiểm soát của hải quan, bộ đội biên phòng nhằm mục đích thu lợi bất chính.

Hình phạt cho người phạm tội buôn lậu bao gồm những gì?

– Hình phạt chính: gồm phạt tiền và phạt tù có thời hạn.
– Hình phạt bổ sung: phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Pháp nhân phạm tội buôn lậu bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn khi nào?

Khi pháp nhân thương mại phạm tội buôn lậu mà gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm