“Xin chào luật sư. Do nhu cầu phát triển, công ty tôi muốn niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán nhưng chưa biết thực hiện thủ tục như thế nào? Để cổ phiếu của công ty được “lên sàn” thì công ty tôi cần đáp ứng những điều kiện gì? Trình tự, thủ tục niêm yết chứng khoán quy định ra sao? Rất mong được luật sư hỗ trợ giải đáp thắc mắc. Tôi xin chân thành cảm ơn!”
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho Luật Sư X. Với thắc mắc của bạn chúng tôi xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý
Nội dung tư vấn
Điều kiện niêm yết chứng khoán
Điều kiện niêm yết chứng khoán được quy định tại Điều 109 Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Cụ thể Như sau:
1. Điều kiện niêm yết cổ phiếu:
- Là công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 30 tỷ đồng trở lên căn cứ trên báo cáo tài chính gần nhất được kiểm toán, đồng thời giá trị vốn hóa đạt tối thiểu 30 tỷ đồng tính theo bình quân gia quyền giá thanh toán cổ phiếu trong đợt chào bán ra công chúng gần nhất theo quy định của Nghị định này hoặc giá tham chiếu cổ phiếu giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom trung bình 30 phiên gần nhất trước thời điểm nộp hồ sơ đăng ký niêm yết hoặc bình quân giá quyền giá thanh toán trong đợt bán cổ phần lần đầu của doanh nghiệp cổ phần hóa;
- Đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua việc niêm yết; đã giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom tối thiểu 02 năm, trừ trường hợp tổ chức đăng ký niêm yết đã chào bán cổ phiếu ra công chúng, doanh nghiệp cổ phần hóa;
- Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm liền trước năm đăng ký niêm yết tối thiểu là 5% và hoạt động kinh doanh của 02 năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết; không có lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên được soát xét trong trường hợp đăng ký niêm yết sau ngày kết thúc của kỳ lập báo cáo tài chính bán niên;
- Trừ trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa, tổ chức đăng ký niêm yết phải có tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức đăng ký niêm yết từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết;
- Cổ đông là cá nhân, tổ chức có đại diện sở hữu là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Trưởng Ban kiểm soát và thành viên Ban Kiểm soát (Kiểm soát viên), Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc), Kế toán trưởng, Giám đốc tài chính và các chức danh quản lý tương đương do Đại hội đồng cổ đông bầu hoặc Hội đồng quản trị bổ nhiệm và cổ đông lớn là người có liên quan của các đối tượng trên phải cam kết tiếp tục nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 06 tháng kể từ ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán và 50% số cổ phiếu này trong thời gian 06 tháng tiếp theo, không tính số cổ phiếu thuộc sở hữu nhà nước do các cá nhân trên đại diện nắm giữ;
- Công ty, người đại diện theo pháp luật của công ty không bị xử lý vi phạm trong thời hạn 02 năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại Điều 12 Luật Chứng khoán;
- Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký niêm yết, trừ trường hợp tổ chức đăng ký niêm yết là công ty chứng khoán.
2. Việc phân loại, sắp xếp cổ phiếu niêm yết căn cứ vào các tiêu chí quy định tại quy chế niêm yết của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, bao gồm: vốn điều lệ, giá trị vốn hóa, thời gian hoạt động, tình hình tài chính, cơ cấu cổ đông không phải là cổ đông lớn, quản trị công ty.
Phân loại niêm yết chứng khoán
Theo quy định của pháp luật hiện hành, niêm yết chứng khoán gồm các loại sau:
- Niêm yết lần đầu: là việc cho phép chứng khoán của tổ chức phát hành được đăng ký niêm yết giao dịch chứng khoán lần đầu tiên sau khi phát hành ra công chúng khi đáp ứng các tiêu chuẩn niêm yết.
- Niêm yết bổ sung : là quá trình chấp thuận của Sở giao dịch chứng khoán cho một công ty niêm yết được niêm yết các cổ phiếu mới phát hành với mục đích tăng vốn; sáp nhập; chi trả cổ tức; thực hiện các trái quyền; trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu…
- Thay đổi niêm yết phát sinh khi công ty niêm yết thay đổi tên chứng khoán giao dịch; khối lượng; mệnh giá; tổng giá trị chứng khoán được niêm yết.
- Niêm yết lại: là việc cho phép một công ty phát hành được tiếp tục niêm yết trở lại các chứng khoán bị hủy bỏ trước đây; do không đáp ứng được các tiêu chuẩn duy trì niêm yết.
- Niêm yết toàn phần: là việc niêm yết tất cả các cổ phiếu sau khi đã phát hành ra công chúng
- Niêm yết từng phần: là việc niêm yết một phần trong tổng số chứng khoán đã phát hành ra công chúng của lần phát hành đó
Trình tự, thủ tục niêm yết chứng khoán
Quy trình niêm yết chứng khoán bao gồm các bước:
Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký lên Sở giao dịch chứng khoán.
Bước 2: Sở giao dịch chứng khoán thẩm định hồ sơ.
Bước 3: Nộp đơn xin phép niêm yết chính thức lên Sở giáo dịch chứng khoán.
Bước 4: Sở giao dịch chứng khoán tiến hành kiểm tra.
Bước 5: Sở giao dịch chứng khoán phê chuẩn.
Bước 6: Khai trương niêm yết.
Theo Điều 111 Nghị định 155/2020/NĐ-CP thì:
– Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết đầy đủ và hợp lệ, Sở giao dịch chứng khoán có quyết định chấp thuận niêm yết; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
– Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được chấp thuận niêm yết, tổ chức đăng ký niêm yết phải đưa chứng khoán vào giao dịch.
Có thể bạn quan tâm
- Thi chứng chỉ hành nghề chứng khoán 2022 thế nào?
- Cách tính thuế khi bán cổ phiếu theo quy định hiện nay
- Doanh nghiệp có được tự quyết định giá vận tải đường sắt không?
Thông tin liên hệ Luật Sư X
Trên đây là tư vấn của Luật Sư X về vấn đề “Trình tự, thủ tục niêm yết chứng khoán mới năm 2022“. Chúng tôi hy vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến xin giấy phép bay flycam; hợp thức hóa lãnh sự; giấy phép bay Flycam…. của Luật Sư X, hãy liên hệ: 0833.102.102.
Câu hỏi thường gặp
Niêm yết chứng khoán được hiểu là quá trình mà Sở giao dịch chứng khoán chấp thuận cho công ty phát hành có chứng khoán được phép niêm yết; giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán với điều kiện công ty đó đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn mà Sở giao dịch chứng khoán đưa ra.
Hiện nay có 02 sàn chứng khoán lớn là:
– Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX);
– Sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE).
– Tạo cơ hội huy động vốn nhanh và dài hạn cho các công ty: Khi công ty niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sẽ giúp gia tăng không ít lượng tiền mặt, tiền vốn dựa trên cơ sở tính thanh khoản cao của doanh nghiệp đã xác thực trên thị trường.
– Giúp doanh nghiệp quảng bá sự uy tín: Để được lên sàn chứng khoán các công ty đều phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe do sở giao dịch chứng khoán quy định. Do đó những công ty được lên sàn chứng khoán là những công ty có độ uy tín. Lên sàn chứng khoán là một cách thức quảng bá sự uy tín, chất lượng của doanh nghiệp trên thị trường. Qua đó tạo cơ hội hợp tác và phát triển sản xuất – kinh doanh.
– Tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu: Khi doanh nghiệp được chính thức lên sàn chứng khoán, các cổ đông sẽ thuận tiện trong việc chuyển nhượng, mua bán cổ phiếu mà họ đang nắm giữ nhờ vào tính thanh khoản có được từ việc giao dịch cổ phiếu qua sàn giao dịch. Từ đó sức hút cổ phiếu của các doanh nghiệp cũng gia tăng hơn.
– Công ty sẽ hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn dưới sự giám sát của công chúng đầu tư.