Ly hôn là điều mà không ai muốn xảy ra. Nhưng khi tình cảm vợ chồng đã không còn thì có lẽ ly hôn là lựa chọn đúng đắn. Việc này giúp cả hai có cơ hội có một cuộc sống mới thoải mái hơn. Một vấn đề pháp lý mà đã được pháp luật dự liệu trước để điều chỉnh chính là vấn đề trách nhiệm đối với các khoản nợ của vợ chồng sau ly hôn. Hãy cùng LSX tìm hiểu về vấn đề này nhé!
Căn cứ pháp lý
- Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
Nội dung tư vấn về vợ có trách nhiệm với khoản nợ của chồng
Khi ly hôn, thường sẽ không có gì nếu như việc ly hôn là thuận tình, hai bên tự thỏa thuận với nhau được về tài sản, khoản nợ, con cái…..Nhưng nó sẽ là vấn đề nếu như có một tranh chấp nào đó. Chẳng hạn như tranh chấp về các khoản nợ hình thành trong thời kỳ hôn nhân. Chồng bạn có nợ một khoản tiền mà bạn không biết, bạn có phải chịu trách nhiệm với khoản nợ này khi ly hôn không?
1. Quy định pháp luật về nghĩa vụ trả nợ
Một trong những nghĩa vụ trong hợp đồng vay tài sản là phải trả lại tài sản vay đúng giá trị. Cũng như lãi phát sinh (nếu có thỏa thuận) khi đến hạn. Trong thời kỳ hôn nhân, việc phát sinh vay nợ trở nên rất phổ biến. Thật chẳng may, cuộc sống hôn nhân đối mặt với việc ly hôn. Các khoản nợ hai vợ chồng vay phải được giải quyết. Nghĩa vụ phát sinh từ các khoản nợ vẫn còn có hiệu lực kể cả khi bạn ly hôn. Điều này được quy định cụ thể tại Điều 60 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
Điều 60: Giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn
“1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.
2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết”.
Mặc dù, nghĩa vụ trả nợ vẫn còn hiệu lực cho cả hai vợ chồng, nhưng nếu các bên thỏa thuận trách nhiệm trả nợ thuộc về riêng vợ, hoặc chồng thì Tòa án tôn trọng thỏa thuận đó của các bên.
2. Các trường hợp vợ có trách nhiệm với khoản nợ của chồng
Câu trả lời “có” hay “không” việc chịu trách nhiệm với các khoản nợ lại phụ thuộc vào mục đích, quá trình hình thành khoản nợ. Luật hôn nhân và gia đình quy định vợ cùng chồng chịu trách nhiệm về khoản nợ trong những trường hợp sau:
2.1. Trường hợp giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận
Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;( Khoản 1 Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình 2014). Nghĩa là, lúc phát sinh quan hệ vay tài sản, vợ chồng đều biết và cùng nhau thỏa thuận về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với khoản vay này. Việc cùng nhau xác lập quan hệ vay tài sản dẫn đến nghĩa vụ vợ có trách nhiệm với khoản nợ cùng chồng khi hai người ly hôn.
2.2. Trường hợp do vợ chồng cùng thực hiện cho nhu cầu thiết yếu
Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;( Khoản 2 Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình 2014). Khác với trường hợp trên, việc phát sinh nghĩa vụ vay tài sản này được thực hiện đơn phương. Trong đó, vợ hoặc chồng không hề hay biết. Tuy nhiên, người còn lại vẫn phải chịu trách nhiệm với khoản vay này nếu khoản vay nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu (như mua đồ sinh hoạt, đóng học phí,….) kể cả trường hợp không biết về khoản vay.
2.3. Trường hợp phát sinh từ việc chiếm hữu
Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;( Khoản 3 Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình 2014). Tài sản chung là tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, các nghĩa vụ phát sinh từ tài sản này bất kể vì lý do gì thì cả hai vợ chồng đều phải chịu trách nhiệm với khoản nợ đó.
2.4. Trường hợp phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng
Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;( Khoản 4 Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình 2014)
2.5. Trường hợp phát sinh nghĩa vụ bồi thường
Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;( Khoản 5 Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình 2014). Việc chịu trách nhiệm do con cái gây ra là một quy định không quá khó hiểu. Vì con là con chung của cả hai người, nếu con gây ra thiệt hại, vợ chồng phải cùng nhau chịu trách nhiệm với tư cách là người đại diện của con.
2.6. Trường hợp phát sinh nghĩa vụ liên đới
Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.( Khoản 1 Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình 2014). Khi việc đại diện trong giao dịch là đương nhiên (đã được thỏa thuận hoặc quy định của pháp luật), chồng/vợ có thể tự thực hiện giao dịch đó mà không phải thông báo cho người còn lại. Khi ly hôn, hai bên sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm với nhau. Quy định này cũng áp dụng đối với các khoản nợ phát sinh do chồng đại diện đứng ra vay.
Từ những quy định trên, câu chuyện về việc vợ có phải chịu trách nhiệm với những khoản nợ của chồng khi ly hôn nó đã quá rõ ràng. Ngoài những quy định về trường hợp phải trả nợ, hoặc liên đới trả nợ thì vợ sẽ không phải chịu trách nhiệm cùng chồng khi ly hôn (trừ trường hợp có thỏa thuận khác).
Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn! Xem thêm video sau:
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833102102