Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung vừa ký Tờ trình gửi Chính Phủ đề xuất lịch nghỉ Tết Âm lịch và hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào dịp nghỉ lễ năm 2019 đối với cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, dịp nghỉ Tết âm lịch Kỷ Hợi (2019) sẽ gồm 9 ngày, dài hơn dịp nghỉ năm 2018 là 2 ngày.
Tờ trình ghi rõ, trong năm 2019, dịp nghỉ Tết Dương Lịch, Ngày Chiến thắng 30/4, Ngày Quốc tế lao động 01/5 có tình huống 1 ngày làm việc xen kẽ giữa các ngày nghỉ.
Đồng thời, đối với Tết Âm lịch, Điều 115 Bộ luật Lao động 2012 quy định nghỉ 05 ngày, Điều 8 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động quy định: Thời gian nghỉ Tết Âm lịch do người sử dụng lao động lựa chọn 01 ngày cuối năm và 04 ngày đầu năm hoặc 02 ngày cuối năm và 03 ngày đầu năm.
Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án:
Phương án 1: Nghỉ Tết theo lịch “02 ngày cuối năm Mậu Tuất và 03 ngày đầu năm Kỷ Hợi” và không hoán đổi ngày nghỉ, công chức, viên chức nghỉ Tết Âm lịch từ Thứ Bảy, ngày 02/02/2019 đến hết Chủ Nhật, ngày 10/02/2019 (tức là từ ngày 28 tháng Chạp năm Mậu Tuất đến hết ngày mùng 6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi).
Theo Phương án 1 công chức, viên chức nghỉ Tết Âm lịch là 09 ngày liên tục. Do ngày 28 âm lịch tức ngày 02/02/2019 Dương Lịch trùng vào Chủ Nhật là ngày nghỉ hằng tuần, công chức, viên chức sẽ nghỉ bù vào ngày Mùng 4 Tết Âm Lịch tức ngày 8/02/2018 Dương Lịch.
Phương án 2: Nghỉ 01 ngày trước Tết, 04 ngày sau Tết
Nghỉ 09 ngày liên tục từ ngày 02/02/2019 đến hết ngày 10/02/2019 Dương Lịch (tức ngày 28 tháng Chạp Mậu Tuấn đến Mùng 6 tháng Giêng Kỷ Hợi). Trong đó 01 ngày trước Tết, 04 ngày sau Tết.
Theo phương án này, công chức, viên chức nghỉ Tết Âm lịch là 9 ngày liên tục. Trong đó gồm 05 ngày nghỉ Tết và 04 ngày nghỉ hằng tuần.
Bộ LĐ-TB&XH cũng bày tỏ quan điểm: Qua phân tích ở trên, việc thực hiện lịch nghỉ Tết Âm lịch theo cả 2 phương án đều phù hợp vì tổng số ngày nghỉ Tết là 9 ngày. Đề nghị thực hiện lịch nghỉ Tết Âm lịch theo phương án 1 vì giảm được áp lực giao thông những ngày trước Tết.
Liên quan tới ngày nghỉ hoán đổi, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã nhận được một số ý kiến cho rằng việc nghỉ lễ kéo dài liên tục nhiều ngày cũng có ảnh hưởng nhất định đến doanh nghiệp và người dân khi có công việc hành chính cần liên hệ với cơ quan nhà nước.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Bộ LĐ-TB&XH cho rằng việc có ý kiến như vậy do người dân còn chưa hiểu rõ thực chất của việc hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần, cho rằng số ngày làm việc của công chức giảm đi”.
Đồng thời, việc hoán đổi giúp có các đợt nghỉ dài hơn, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, giảm việc tăng mật độ người tham gia giao thông trong dịp nghỉ lễ, Tết có khoảng thời gian nghỉ ngắn; giảm áp lực đối với các đơn vị vận tải, góp phần giúp các đơn vị vận tải phục vụ người dân tốt hơn trong dịp lễ, Tết; tạo điều kiện cho người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội, góp phần kích cầu tiêu dùng.
Số ngày làm việc của cán bộ, công chức, viên chức không thay đổi. Đồng thời, việc hoán đổi đã tránh được 01 ngày làm việc xen kẽ giữa các ngày nghỉ.
Đối tượng áp dụng trong đề xuất hoán đổi ngày nghỉ là công chức, viên chức của các đơn vị có lịch nghỉ hằng tuần là 02 ngày thứ Bảy, Chủ Nhật, không áp dụng với doanh nghiệp và người dân nói chung.
Đồng thời, đối với cán bộ, công chức, viên chức có lịch làm việc bình thường là cả thứ Bảy thì không áp dụng hoán đổi nên vẫn đi làm cả ngày thứ Bảy, cả ngày đang dự kiến nghỉ trong lịch hoán đổi, có nghĩa là việc giải quyết thủ tục hành chính theo Quyết định số 127/2007/QĐ-TTg ngày 01/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức làm việc vào ngày thứ Bảy hằng tuần để tiếp nhận, giải quyết thủ tục, hành chính vẫn được đảm bảo. Việc giải quyết công việc phục vụ doanh nghiệp, người lao động và nhân dân vẫn sẽ được đảm bảo.
Nguồn: Hoàng Mạnh – Báo Dân Trí