Thế nào là vô ý làm chết người?

bởi
Thế nào là vô ý làm chết người?

Thông tin về việc một em học sinh lớp 1 bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Cảm xúc chung của đa số mọi người đều đau lòng và chia buồn cùng gia đình em nhỏ. Đồng thời, dư luận xã hội cũng lên án một cách mạnh mẽ cách làm việc thiếu trách nhiệm của cán bộ, nhân viên trường Gateway khi để xảy ra sự việc đang tiếc nêu trên. Theo đó, sáng nay ngày 07/08/2019, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người” để từ đó thực hiện quá trình điều tra và tiếp tục khởi tố người liên quan dẫn tới sự việc đáng tiếc nêu trên.

Căn cứ:

  • Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (Bộ luật hình sự hiện hành)

Nội dung tư vấn

1. Thế nào là Tội vô ý làm chết người

Trong cuộc sống, không phải tất cả mọi việc đều nằm trong sự kiểm soát của con người chúng ta. Chắc hẳn sẽ có những lúc mà chúng ta bất cẩn gây ra những sự việc ngoài ý muốn và có thể để lại những hậu quả xấu tới người khác hoặc xa hội. Tuy vậy, đôi khi có những lỗi lầm xuất phát từ sự vô ý không để lại những hậu quả lớn sẽ được xã hội và pháp luật dung thứ. Nhưng bên cạnh đó cũng có những lỗi lầm do vô ý nhưng để lại những hậu quả nghiêm trọng sẽ bị pháp luật và xã hội trừng phạt. Theo khoa học pháp lý hình sự việc vô ý làm chết người là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc người phạm tội thấy trước hành vi của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra.

Để căn cứ và xác định một người phạm tội vô ý làm chết người, cần phải phân tích và làm rõ các yếu tố cấu thành tội phạm từ các chứng cứ được cơ quan cảnh sát điều tra xác minh. Cụ thể bao gồm:

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ từ 16 tuổi trở lên.

Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội này đó là tính mạng của người bị hại.

Mặt khách quan của tội phạm

– Hành vi khách quan của tội phạm: Người phạm tội có hành vi vi phạm quy tắc an toàn. Đó là những quy tắc nhằm bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho con người. Những quy tắc đó thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể đã được quy phạm hóa hoặc có thể chỉ là những quy tắc xử sự xã hội thông thường đã trở thành tập quán sinh hoạt, mọi người đều biết và thừa nhận.

– Hậu quả của tội phạm: Hành vi phạm tội trên đã gây ra hậu quả chết người. Hậu quả này là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

– Quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả của tội phạm: Quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả đã xảy ra là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Người có hành vi vi phạm chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự về hậu quả chết người xảy ra, nếu hành vi vi phạm của họ đã gây ra hậu quả này hay nói cách khác là giữa hành vi vi phạm của họ và hậu quả chết người có quan hệ nhân quả với nhau.

Mặt chủ quan của tội phạm.

– Lỗi của người phạm tội phải là lỗi vô ý, theo quy định của pháp luật thì được hiểu dưới 2 dạng lỗi là lỗi vô ý do quá tự tin và vô ý do cẩu thả.

– Lỗi vô ý do quá tự tin thể hiện ở việc người phạm tội biết hành vi của mình là nguy hiểm nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả vẫn xảy ra.

– Lỗi vô ý do cẩu thả là việc người phạm tội vì cẩu thả mà không thấy trước được khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước.

Liên quan tới vụ việc xảy ra tại trường Gateway, người lái xe và nhân viên được giao trách nhiệm đưa đón học sinh có nhiệm vụ kiểm soát về số lượng, tình trạng của các em học sinh trong suốt quá trình đón các em tại địa điểm cho tới khi các em bước vào lớp học. Do vậy, việc không làm tròn trách nhiệm và gây ra cái chết đối với em học sinh như trên thì những người có trách nhiệm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với Tội vô ý làm chết người được quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự hiện hành.

2. Xử phạt

Căn cứ theo Điều 128 Bộ luật hình sự hiện hành quy định về hình phạt của Tội vô ý làm chết người như sau:

Điều 128. Tội vô ý làm chết người

1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Như vậy, việc xác định khung hình phạt dành cho người gây ra tội phạm này phụ thuộc vào các yếu tố cấu thành tội phạm và mức nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần phải áp dụng các tình tiết tăng nặng hoặc các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để đưa ra một bản án thích đáng. Theo đó, người phạm tội có thể phải chịu hình phạt nặng nhất lên tới 10 năm tù giam

Đối với sự việc xảy ra tại trường Gateway đã gây ra cái chết của 1 nạn nhân, do vậy cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ theo khoản 1 Điều 128 Bộ luật hình sự hiện hành để truy cứu trách nhiệm hình sự của tội phạm. Tuy nhiên, ngay lúc này khi cơ quan cảnh sát điều tra chưa hoàn tất quá trình điều tra nên chúng ta chưa nên vội kết luận về vấn đề này. Khả năng xuất hiện những tình tiết khác trong quá trình điều tra có thể sẽ dẫn tới một hướng đi khác trong việc xác định tội danh.

Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về pháp luật hình sự tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm