Lợi dụng việc người bệnh không nắm rõ kiến thức về ngành y học, kèm theo tâm lí sợ bệnh để rồi thực hiện các hành vi không trong sáng, trái pháp luật. Mới đây tại tỉnh Sơn La vừa xảy ra vụ việc một kỹ thuật viên tên C bắt nữ bệnh nhân 13 tuổi cởi quần để chụp X-Quang phổi rồi giở trò. Vậy hành vi trên sẽ bị pháp luật xử phạt như thế nào?
Căn cứ:
- Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung
- Nghị định 176/2013/ND-CP
Nội dung tư vấn
Về vụ việc trên xảy ra trên địa bàn tỉnh Sơn La vào ngày 21/5, chiều ngày 27/5, ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La đã ra quyết định kỷ luật bằng cách đình chỉ công tác đối với kỹ thuật viên C, người đang bị công an tạm giữ để điều tra với nghi án hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
1. Hiếp dâm là gì?
Theo Điều 141 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung thì hiếp dâm là hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác nhằm giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân.
Điều 141. Tội hiếp dâm
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Bác sĩ có được phép yêu cầu bệnh nhân cởi bỏ quần áo hay không?
Theo PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Hà Nội cho biết về mặt nguyên tắc, quy định hành nghề, nhân viên y tế được phép yêu cầu người bệnh cởi bỏ quần áo để phục vụ việc chụp chiếu, chẩn đoán hình ảnh.
“Việc yêu cầu cởi quần áo trước mặt nhân viên y tế là bình thường, không sai quy định nhưng phải có nguyên tắc nhất định như phòng chụp phải có 2 nhân viên trở lên, kín đáo. Quy định này nhằm đề phòng việc lạm dụng cả hai phía. Bởi cũng có trường hợp bệnh nhân lạm dụng bác sĩ”, TS Phú nói.
2. Mức xử phạt hình sự
Tùy vào mức độ vi phạm mà kỹ thuật viên C trên có thể lãnh án tù lên tới 20 năm, chung thân hoặc tử hình, ngoài ra có thể bị cấm làm công việc đó lên tới 05 năm về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi quy định tại Điều 142 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung:
Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
đ) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Đối với 02 người trở lên;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Có tổ chức;
b) Nhiều người hiếp một người;
c) Phạm tội đối với người dưới 10 tuổi;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
e) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
g) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
3. Có thể bị xử phạt thêm về hành chính
Ngoài mức xử lí hình sự thì có thể có mức xử phạt hành chính kèm theo lên đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng nghề nghiệp để quấy rối tình dục người bệnh quy định tại điểm c khoản 3 Điều 28 Nghị định 176/2013/ND-CP
Điều 28. Vi phạm quy định về hành nghề và sử dụng chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
…
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cản trở người bệnh thuộc diện chữa bệnh bắt buộc vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Chỉ định sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hoặc gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác vì mục đích vụ lợi;
c) Lợi dụng nghề nghiệp để quấy rối tình dục người bệnh;
d) Người nước ngoài trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh bằng tiếng Việt nhưng chưa được công nhận là biết tiếng Việt thành thạo hoặc bằng ngôn ngữ khác không phải là tiếng Việt mà chưa được đăng ký sử dụng;
đ) Chỉ định điều trị, kê đơn thuốc bằng ngôn ngữ khác không phải là tiếng Việt mà ngôn ngữ đó chưa được đăng ký sử dụng hoặc người phiên dịch chưa được công nhận đủ trình độ phiên dịch dịch sang tiếng Việt;
e) Tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ, bệnh án làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh;
g) Sử dụng hình thức mê tín khi hành nghề.
…
Mong bài viết hữu ích cho các bạn!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay