Tiền là vật ngang giá chung có tính thanh khoản cao nhất dùng để trao đổi lấy hàng hóa và dịch vụ nhằm thỏa mãn bản thân và mang tính dễ thu nhận (nghĩa là mọi người đều sẵn sàng chấp nhận sử dụng) và thường được Nhà nước phát hành bảo đảm giá trị. Trong nhiều trường hợp vì lý do khách quan hay chủ quan mà nhiều trường hợp tiền bị rách nát, hư hỏng hay biến dạng. Để đảm bảo lợi ích cho tổ chức, cá nhân đang “nắm giữ” tiền bị rách nát, hư hỏng hay biến dạng, pháp luật Việt Nam đã có quy định về việc thu đổi loại tiền đó, trong đó có cả tiền bị cháy. Vậy cách đổi tiền bị cháy như thế nào? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu nhé!
Căn cứ pháp lý
- Thông tư 25/2013/TT-NHNN ngày 02 tháng 12 năm 2013 của Ngân hàng nhà nước quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông
Nội dung tư vấn
1. Tiền bị cháy còn được lưu thông không?
Khoản 1 Điều 3 Thông tư 25/2013/TT-NHNN quy định: “Tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông là các loại tiền giấy (tiền cotton và tiền polymer), tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành, đang lưu hành nhưng bị rách nát, hư hỏng hay biến dạng theo quy định về tiêu chuẩn tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông”.
Tiêu chuẩn tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông được quy định tại Điều 4 Thông tư 25/2013/NĐ-CP. Cụ thể là:
1. Tiền rách nát, hư hỏng do quá trình lưu thông (nhóm nguyên nhân khách quan):
a) Tiền giấy bị thay đổi màu sắc, mờ nhạt hình ảnh hoa văn, chữ, số; nhàu, nát, nhòe, bẩn, cũ; rách rời hay liền mảnh được can dán lại nhưng còn nguyên tờ tiền;
b) Tiền kim loại bị mòn, han gỉ, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, hoa văn, chữ, số và lớp mạ trên đồng tiền.
2. Tiền rách nát, hư hỏng do quá trình bảo quản (nhóm nguyên nhân chủ quan):
a) Tiền giấy bị thủng lỗ, rách mất một phần; tiền được can dán; cháy hoặc biến dạng do tiếp xúc với nguồn nhiệt cao; giấy in, màu sắc, đặc điểm kỹ thuật bảo an của đồng tiền bị biến đổi do tác động của hóa chất (như chất tẩy rửa, axít, chất ăn mòn…); viết, vẽ, tẩy xóa; đồng tiền bị mục hoặc biến dạng bởi các lý do khác nhưng không do hành vi hủy hoại;
b) Tiền kim loại bị cong, vênh, thay đổi định dạng, hình ảnh thiết kế do tác động của ngoại lực hoặc nhiệt độ cao; bị ăn mòn do tiếp xúc với hóa chất.
3. Tiền bị lỗi kỹ thuật do quá trình in, đúc của nhà sản xuất như giấy in bị gấp nếp làm mất hình ảnh hoặc mất màu in, lấm bẩn mực in và các lỗi khác trong khâu in, đúc.
Theo điểm a khoản 2 Điều luật trên, thì tiền bị cháy là một trong những trường hợp không đủ điều kiện lưu thông.
2. Điều kiện để tiền bị cháy được đổi
Khoản 2 Điều 6 Thông tư 23/2013/TT-NHNN quy định: “Đối với tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư này, khách hàng nộp hiện vật cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, đơn vị thu đổi. Các đơn vị nhận và xét đổi theo các điều kiện sau:
a) Tiền rách nát, hư hỏng không phải do hành vi hủy hoại;
b) Trường hợp tờ tiền bị cháy, thủng, rách mất một phần thì diện tích còn lại phải bằng hoặc lớn hơn 60% so với diện tích tờ tiền cùng loại; nếu được can dán thì phải có diện tích tối thiểu bằng 90% so với diện tích tờ tiền cùng loại và đảm bảo nguyên gốc, nguyên bố cục một tờ tiền (mặt trước, mặt sau; trên, dưới; bên phải, bên trái), đồng thời nhận biết được các yếu tố bảo an;
Đối với tiền polymer bị cháy hoặc biến dạng co nhỏ lại do tiếp xúc với nguồn nhiệt cao, thì diện tích còn lại tối thiểu phải bằng 30% so với diện tích tờ tiền cùng loại và còn giữ nguyên bố cục một tờ tiền, đồng thời nhận biết được ít nhất hai trong các yếu tố bảo an như: yếu tố hình ẩn trong cửa sổ nhỏ, mực không màu phát quang, phát quang hàng số sêri, dây bảo hiểm, yếu tố IRIODIN, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Như vậy, để tiền bị cháy được đổi thì phải đáp ứng được điều kiện:
- Đối với tiền giấy bị cháy một phần thì diện tích còn lại phải bằng hoặc lớn hơn 60% so với diện tích tờ tiền cùng loại.
- Đối với tiền polymer bị cháy thì diện tích còn lại tối thiểu phải bằng 30% so với diện tích tờ tiền cùng loại và còn giữ nguyên bố cục một tờ tiền, đồng thời nhận biết được ít nhất hai trong các yếu tố bảo an như: yếu tố hình ẩn trong cửa sổ nhỏ, mực không màu phát quang, phát quang hàng số sêri, dây bảo hiểm, yếu tố IRIODIN, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
3. Trình tự, thủ tục để đổi tiền bị cháy
Trình tự, thủ tục đổi tiền bị cháy (hiện vật) được quy định tại Điều 6 Thông tư 25/2013/TT-NHNN. Theo đó, việc đổi tiền bị cháy được thực hiện theo trình tự sau:
Bước 1: Khách hàng nộp tiền bị cháy cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước (sau đay gọi tắt là đơn vị thu đổi).
Bước 2: Kiểm tra, xem xét hiện vật
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, đơn vị thu đổi kiểm tra, xem xét hiện vật:
- Trường hợp các tờ tiền chưa xác định được điều kiện đổi và cần giám định, khách hàng phải có giấy đề nghị đổi tiền.
Việc giám định tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư 25/2013/TT-NHNN. Cụ thể là
- Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hiện vật của khách hàng, đơn vị thu đổi chuyển hiện vật kèm giấy đề nghị giám định về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn để giám định. Đối với Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước chuyển hiện vật kèm giấy đề nghị giám định về Cục Phát hành và Kho quỹ.
- Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị giám định của đơn vị thu đổi, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thông báo kết quả giám định bằng văn bản và trả hiện vật cho đơn vị đề nghị giám định. Trường hợp không giám định được, trong thời gian 07 ngày làm việc kể từngày nhận được hiện vật và đề nghị giám định của đơn vị thu đổi hoặc đề nghị đổi tiền của khách hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh chuyển hiện vật kèm giấy đề nghị giám định về Cục Phát hành và Kho quỹ hoặc Chi cục Phát hành và Kho quỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh để giám định.
- Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị giám định của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Cục Phát hành và Kho quỹ hoặc Chi cục Phát hành và Kho quỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh thông báo kết quả giám định bằng văn bản, đồng thời trả lại hiện vật cho đơn vị đề nghị giám định.
Bước 3: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, đơn vị thu đổi thực hiện đổi cho khách hàng.
- Nếu đáp ứng đủ các điều kiện để được đổi thì Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, đơn vị thu đổi thực hiện đổi cho khách hàng.
- Nếu không đủ điều kiện được đổi, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, đơn vị thu đổi trả lại cho khách hàng và thông báo lý do.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Hi vọng bài viết hữu ích đối với bạn đọc!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam.
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.