Áp dụng biện pháp hành chính trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

bởi NguyenDucThuan
biện pháp hành chính trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Thực trạng bảo vệ quyền SHTT ở nước ta cho thấy biện pháp hành chính ngày càng phát huy vai trò của mình trong việc tạo môi trường pháp lý thuận lơi; bảo đảm tốt quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan. Vậy thực trạng áp dụng biện pháp hành chính trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam như thế nào?

Tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X.

Cơ sở pháp lý

Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2019

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính là gì?

Dưới góc độ lý luận về khoa học pháp lý; thì việc bảo vệ quyền SHTT bằng biện pháp hành chính có thể hiểu là sự ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật thực định và bảo vệ trong thực tiễn quản lý nhà nước về SHTT; thông qua các chế tài pháp lý hành chính đối với quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng; khi các quyền này bị hành vi vi phạm hành chính xâm hại.

Áp dụng biện pháp hành chính trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Thực trạng áp dụng biện pháp hành chính trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Ở nước ta hiện nay, các hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử lý bằng biện pháp hành chính là rất nhiều về số lượng và luôn có chiều hướng thay đổi theo yêu cầu cụ thể của hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực SHTT.

Trong nhiều năm gần đây, các hành vi xâm phạm quyền SHTT, các tranh chấp SHTT (gần 99%) được giải quyết bằng biện pháp hành chính bởi ba cơ quan: quản lý thị trường; thanh tra chuyên ngành; và cảnh sát kinh tế. Thực tế cho thấy so với biện pháp hình sự và dân sự, áp dụng biện pháp hành chính để xử lí hành vi xâm phạm quyền SHTT đem lại hiệu quả cao do thời gian xử lý ngắn và bên yêu cầu xử lí vi phạm không phải trả chi phí.

Cụ thể, trong 09 tháng đầu năm 2015, cơ quan quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền SHTT là 13.258 vụ; bị xử phạt hành chính lên tới 41.2 tỷ đồng; trị giá hóa vi phạm tịch thu là 25.8 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2016, đã xử lý hành chính 223.262 trường hợp xâm phạm quyền SHTT; với khoản thu ngân sách 225.563 tỷ đồng mà hầu hết trong số này liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả. Cho đến năm 2020, trên cả nước đã có 2.457 vụ xử lý xâm phạm quyền SHCN được thực hiện; trong đó chủ yếu là về nhãn hiệu với 2.455 vụ; tổng số tiền phạt là 21.533.347.000 đồng với hơn 200.000.000 sản phẩm bị xử lý.

Ưu điểm của biện pháp hành chính trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Là kết quả của quá trình nội luật hóa

Luật SHTT được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực sửa đổi hệ thống pháp luật quốc gia để đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp định TRIPS; nhằm mục tiêu trở thành thành viên của WTO. Có thể nói rằng, việc đưa khái niệm “biện pháp hành chính”, bên cạnh “biện pháp dân sự”; “biện pháp hình sự”; “biện pháp kiểm soát biên giới” vào văn bản luật nói trên là thể hiện sự chuyển thể các quy định tương ứng của Hiệp định TRIPS thành vào hệ thống văn bản pháp luật quốc gia.

Hiệu quả của biện pháp hành chính

Tuy không phải là biện pháp duy nhất được áp dụng để xử lý xâm phạm quyền SHTT; nhưng hiện nay biện pháp hành chính đã và đang phát huy tác dụng trong việc răn đe, ngăn chặn; và bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ do đặc tính nhanh, kịp thời và hiệu quả; bên cạnh biện pháp dân sự thường kéo dài, tâm lý e ngại của chủ thể quyền khi phải kiện nhau ra Tòa.

Nói cách khác, Việt Nam có một hệ thống, cơ chế xử lý hành chính sẵn sàng, tiện lợi và gần như “miễn phí” cho việc xử lý những xâm phạm quyền SHTT. Do đó, không có lý do gì mà các chủ thể quyền SHTT lại bỏ qua phương thức sẵn có mà họ cho là hiệu quả, kịp thời hơn với việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; đó là biện pháp hành chính.

Thủ tục áp dụng đơn giản

Thủ tục áp dụng biện pháp hành chính ngày càng đơn giản. Chỉ bằng cách nộp đơn yêu cầu xử lý và tài liệu, chứng cứ kèm theo; nhưng không đòi hỏi nghĩa vụ chứng minh cao như tố tụng tư pháp. Nếu lựa chọn phương thức giải quyết bằng biện pháp hành chính, các chủ thể cũng có nghĩa vụ nộp chứng cứ chứng minh nhưng trách nhiệm chứng minh không cao; bởi vì sau khi thụ lý các cơ quan chức năng sẽ tiến hành thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra để tiếp tục xác minh. Bên cạnh đó, thời gian xử lý xâm phạm nhanh chóng, kịp thời; đáp ứng yêu cầu của các chủ thể trong kinh doanh thương mại.

Bất cập khi áp dụng biện pháp hành chính trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Một là, phạm vi áp dụng biện pháp hành chính là quá rộng, chưa rõ ràng. Theo điểm a, khoản 1, Điều 211 Luật SHTT, bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện hành vi “xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả; chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;” sẽ là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính và có thể bị áp dụng biện pháp hành chính. Đây chính là nguyên nhân căn bản dẫn tới việc xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính được các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước “ưa chuộng” áp dụng hơn.

Hai là, việc áp dụng biện pháp chính thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, điều tra, xét xử: Quản lý thị trường; cơ quan Thanh tra, Ủy ban nhân dân các cấp; Cơ quan Công an (Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự kinh tế; Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao;…), nhưng không xác định rõ ràng cơ quan nào là đầu mối. Chính vì vậy, thực trạng áp dụng còn vấp phải nhiều khó khăn; thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng quản lý nhà nước về SHTT.

Đề xuất nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp hành chính trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Hoàn thiện pháp luật

Dự thảo Luật SHTT ngày 17/11/2020 đã đề xuất sửa đổi điểm a, khoản 1, Điều 211 như sau: “Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với quyền tác giả; quyền liên quan; nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; giống cây trồng gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội”. Sửa đối theo hướng như vậy là hợp lý, bởi đã giới hạn ở hành vi xâm phạm quyền SHTT để phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, các cam kết quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.

Nâng cao hiệu quả áp dụng

Trong quá trình triển khai thực hiện, cần phải xác định rõ thẩm quyền và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thanh tra; Uỷ ban nhân dân các cấp; cơ quan quản lý thị trường; và cảnh sát kinh tế trong hoạt động kiểm tra và xử lý các vi phạm quyền SHTT. Cần nâng cao năng lực của các cán bộ, công chức trong các cơ quan này. Các cơ quan thuế; cảnh sát kinh tế, cảnh sát biển; an ninh văn hóa phải có nhiệm vụ phát hiện các vi phạm về quyền SHTT thông qua hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình; chuyển các vụ việc này cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ; tăng cường tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan quản lý Nhà nước về quyền SHTT từ Trung ương đến địa phương. Củng cố và phát triển hệ thống hỗ trợ thực thi quyền SHTT; Ðầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại cho các hệ thống các cơ quan thực thi quyền tác giả để các cơ quan này tăng cường hoạt động thanh tra; kiểm tra và xử lý nghiêm minh kịp thời đối với các vi phạm.

Liên hệ Luật sư X

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề: “Thực trạng áp dụng biện pháp hành chính trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”. Để sử dụng dịch vụ của chúng tôi mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.

Liên hệ hotline: 0833102102

  1. FaceBook: www.facebook.com/luatsux
  2. Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
  3. Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux

Câu hỏi thường gặp

Các phương thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Theo quy định tại điều 198 luật sở hữu trí tuệ, chủ thể có thể tự bảo vệ hoặc thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Khi thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì có 03 biện pháp: biện pháp hành chính; biện pháp dân sự; biện pháp hình sự.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là gì?

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là những biện pháp cụ thể được áp dụng để xử lí hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Tài sản trí tuệ là gì?

Tài sản trí tuệ là những sản phẩm do trí tuệ con người sáng tạo ra thông qua các hoạt động tư duy, sáng tạo trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là một loại của tài sản vô hình, không xác định được bởi đặc điểm vật chất của chính nó nhưng lại có giá trị lớn vì có khả năng sinh ra lợi nhuận.
Tài sản trí tuệ bao gồm: tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ý tưởng; chương trình biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát sóng; sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, tên thương mại; bí quyết kinh doanh, công thức pha chế; giống cây trồng mới, phầm mềm máy tính…

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm