Bảo lãnh là gì?

bởi Luật Sư X
bảo lãnh là gì

Bảo lãnh là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Biện pháp bảo lãnh được sử dụng rất nhiều trong lĩnh vực ngân hàng. Trong khuôn khổ bài viết dưới đây, hãy cùng  LSX tìm hiểu bảo lãnh là gì.

Căn cứ pháp lí

Nội dung tư vấn

1. Bảo lãnh là gì?

Theo quy định tại Điều 293 Bộ luật dân sự 2015, bảo lãnh là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Vậy bảo lãnh là gì?

Theo điều 335 Bộ luật dân sự 2015, bảo lãnh được hiểu là:

Điều 335. Bảo lãnh
1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Từ quy định của pháp luật, có thể rút ra một số đặc điểm của quan hệ bảo lãnh như sau:
Các bên trong quan hệ bảo lãnh bao gồm: Bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh, bên được bảo lãnh.

Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ bảo lãnh:

  • Khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh. Ví dụ: Ông A vay ông B 1 tỷ đồng. Bà C là vợ ông A đã nhận bảo lãnh cho ông A trong hợp đồng vay tiền. Đến hạn thanh toán, ông A không trả tiền cho ông B. Khi đó bà A sẽ phải chịu trách nhiệm thanh toán số nợ 1 tỷ đồng cho ông C.
  • Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Ví dụ: Bà C cam kết với ông B sẽ trả tiền cho ông B thay cho ông A nếu ông A không còn khả năng thanh toán. Đến hạn, ông B không trả số tiền đã vay cho ông A vì ông B đang ở nước ngoài và vẫn có khả năng thanh toán số nợ. Vì vậy, bà C không phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho ông B thay cho ông A.

2. Quy định của pháp luật về biện pháp bảo lãnh

2.1. Phạm vi bảo lãnh

Căn cứ theo Điều 336 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 336. Phạm vi bảo lãnh
1. Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.
2. Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
4. Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại.

Từ quy định của pháp luật, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ bảo lãnh được giới hạn trong phạm vi sau đây:

  • Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.Ví dụ: Ông A vay ông B 1 tỷ đồng. Bà C là vợ ông A đã nhận bảo lãnh cho ông A trong hợp đồng vay tiền với cam kết nếu ông A không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đối với ông B thì bà A sẽ thực hiện thay 50% nghĩa vụ của ông A trong hợp đồng vay tiền với ông B.
  • Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Ví dụ: Ông A vay ông B 1 tỷ đồng với lãi suất 20%/năm. Bà C là vợ ông A đã nhận bảo lãnh toàn bộ cho ông A trong hợp đồng vay tiền. Đến hạn trả tiền, ông A không trả được số tiền đã vay và lãi cho ông B. Ông A hẹn 3 tháng sau sẽ trả toàn bộ và được ông B đồng ý. Tuy nhiên, sau 3 tháng ông A vẫn không thể trả được nợ. Khi đó bà C có trách nhiệm trả cho ông B cả số tiền gốc đã vay, tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả. Tuy nhiên nếu bà C chỉ thỏa thuận với ông B là trả số tiền gốc, thì bà C khi đó chỉ phải trả số tiền là 1 tỷ đồng.
  • Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Ví dụ: Bà C có thể dùng căn nhà đứng tên bà làm tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

  • Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại.Ví dụ: Trong trường hợp bà C chết trước thời điểm phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh thì quan hệ bảo lãnh cũng chấm dứt.

2.2. Thù lao 

Theo Điều 337 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 337. Thù lao
Bên bảo lãnh được hưởng thù lao nếu bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có thỏa thuận.

Ví dụ: Ông A hứa với bà C sẽ trả cho bà C 100 triệu nếu bà C nhận bảo lãnh cho ông A trong hợp đồng vay tiền.

2.3. Nhiều người cùng bảo lãnh

Căn cứ theo Điều 338 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 338. Nhiều người cùng bảo lãnh
Khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập; bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.

Ví dụ: Bà C, anh D, chị E cùng nhận nghĩa vụ bảo lãnh cho ông A trong hợp đồng vay với ông B. Khi ông A không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết, bà C, anh D, chị E có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ mà ông A đã cam kết với ông B theo từng phần mà họ đã nhận bảo lãnh.

Ông B hoàn toàn có thể yêu cầu bà C thực hiện toàn bộ nghĩa vụ của ông A thay cho anh D, chị E. Sau đó, bà C có quyền yêu cầu anh D, chị E phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả lại giá trị nghĩa vụ mà họ đã nhận bảo lãnh.

2.4. Quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh

Pháp luật đã quy định về mối quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh tại Điều 339 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Điều 339. Quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh
1. Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.
2. Bên nhận bảo lãnh không được yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi nghĩa vụ chưa đến hạn.
3. Bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh.

2.5. Quyền yêu cầu của bên bảo lãnh

Pháp luật đã có quy định để bảo vệ quyền của bên bảo lãnh được quy định tại Điều 340 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Điều 340. Quyền yêu cầu của bên bảo lãnh
Bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2.6. Các trường hợp miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

Pháp luật đã quy định rất rõ các trường hợp mà bên nhận bão lãnh không cần phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh tại Điều 341 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Điều 341. Miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
1. Trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
2. Trường hợp chỉ một trong số nhiều người cùng bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.
3. Trường hợp một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại.

Việc pháp luật quy định như vậy, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bên bảo lãnh, đồng thời, giảm rủi ro cho bên bảo lãnh.

2.7. Trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh

Trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh đã được quy định tại Điều 342 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Điều 342. Trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh
1. Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó.2. Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Pháp luật đã yêu cầu bên bảo lãnh cần phải thực hiện trách nhiệm dân sự khi có vi phạm nghĩa vụ xảy ra.

2.8. Các trường hợp chấm dứt bảo lãnh

Theo Điều 343 Bộ Luật dân sự 2015:

Điều 343. Chấm dứt bảo lãnh
Bảo lãnh chấm dứt trong trường hợp sau đây:
1. Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt.
2. Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
3. Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
4. Theo thỏa thuận của các bên.

Như vậy, khi tình huống thuộc một trong các trường hợp trên, thì quan hệ bảo lãnh sẽ bị chấm dứt. Khi đó, quyền và nghĩa vụ của các bên theo quan hệ bảo lãnh cũng sẽ chấm dứt.

Mong bài viết hữu ích cho các bạn ! 

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về tranh tụng tại Việt Nam 
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

 

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm