Có bắt buộc phải mặc quần áo tù khi ra tòa không?

bởi

Những phiên tòa là nơi thể hiện tính tôn nghiêm của pháp luật. Do vậy những người tham dự phiên tòa phải tuân thủ theo những nội quy của phiên tòa, một trong số đó là quy định về trang phục mà những người đó được mang ở khi phiên tòa diễn ra. Mỗi người với những vai trò tham gia tố tụng khác nhau sẽ được luật pháp quy định cho phép hoặc phải mang những trang phục nhất định, thể hiện được sự trang nghiêm của phiên tòa. Vậy bị cáo khi ra tòa sẽ phải mặc trang phục như thế nào? Câu trả lời sẽ có trang bài viết dưới đây của LSX!

Căn cứ:

Nội dung tư vấn

1. Quần áo của bị cáo khi tham dự phiên tòa

Chúng ta vẫn thường thấy những vị thẩm phán tham dự phiên tòa với một chiếc áo choàng sẫm màu có viền cổ áo màu đỏ. Trang phục này thể hiện sự uy nghiêm, toát nên được sự quyền uy của những người đại diện cho pháp luật. Với những kiểm sát viên thì mang bộ trang phục có màu xanh dương, là đồng phục chuyên biệt của ngành kiểm sát và trên vai có đeo hàm cấp. Còn đối với những luật sư, là người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ thường tham dự phiên tòa với một bộ vest hoặc một chiếc áo sơ mi trắng chỉnh tế. Việc những người tham gia tố tụng mặc trang phục nghiêm trang, đúng theo quy định pháp luật thế hiện sự uy nghiêm của luật pháp. Thậm chí, đối với vị thẩm phán, kiểm sát viên không mặc đúng trang phục theo quy định của ngành thì sẽ phải chịu những hình thức kỷ luật của cơ quan, đơn vị.

Còn đối với những bị cáo họ trong các vụ án hình sự, họ tham gia phiên tòa với vị thế là người bị tình nghi và đang bị các cơ quan tiến hành tố tụng kết tội. Từ lâu, trong tiềm thức của đa số mọi người đều cho rằng bị can, bị cáo tham gia phiên tòa là những người đã gây ra tội phạm, làm xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của người khác và xã hội. Tâm lý đó của mọi người bị ảnh hưởng bởi hình ảnh của những bị cáo tham dự phiên tòa với bộ quần áo xọc đen trắng, hay thường được mọi người gọi đùa là áo Juve. Tuy nhiên, đây là một quan niệm khá sai lầm bởi lẽ theo nguyên tắc suy đoán vô tội của pháp luật hình sự, bởi bị can, bị cáo chưa bị coi là có tội nếu chưa bị kết tội bởi một bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Do vậy, để thay đổi quan niệm lệch lạc của mọi người, Chính phủ ta trong nỗ lực cải cách tư pháp thì đã không còn quy định việc các bị cáo phải mặc những bộ quần áo phạm nhân, áo Juve ra phiên tòa kể từ năm 2004. Cụ thể, tại Điều 1 Nghị quyết 743/2004/UBTVQH quy định như sau:

Điều 1. Tại phiên toà xét xử vụ án hình sự, bị cáo là người được tại ngoại và bị cáo là người đang bị tạm giam được sử dụng thường phục, nhưng phải bảo đảm sự trang nghiêm; bị cáo là quân nhân tại ngũ được sử dụng quân phục thường dùng, nhưng không đeo quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu.

Bị cáo là người đang chấp hành hình phạt tù khi ra phiên toà thì sử dụng trang phục dành riêng cho họ theo quy định của Chính phủ.

Như vậy có thể thấy rằng, kể từ khi Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 743/2004 thì các bị cáo khi tham gia phiên tòa đã không còn bắt buộc phải mặc bộ trang phục sọc đen trắng nữa. Thay vào đó, bị cáo có thể mặc những trang phục bình thường để tham dự phiên tòa. Tuy vậy nội dung nghị quyết cũng nêu rõ những thường phục mà bị cáo mặc khi ra tòa phải là những trang phục trang nghiêm, đúng chuẩn mực để không làm mất đi sự uy nghiêm của phiên tòa.

Bên cạnh đó, nghị quyết còn quy định đối với những bị cáo là công an, cảnh sát, bộ đội đang phục vụ trong hàng ngũ lực lượng vũ trang nhân dân thì được phép mặc quân phục nhưng không được phép đeo quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu.

Còn đói với những bị cáo là những người đã bị kết tội bởi một bản án có hiệu lực và đang thi hành án phạt tù cho bản án đó thì những người này sẽ mặc trang phục của phạm nhân. Hiện nay, về trang phục của những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù được quy định tại Nghị định số 90/2015/NĐ-CP.

2. Thực tiễn tồn tại những bất cập đối với trang phục của bị can bị, bị cáo khi tham dự phiên tòa

Nghị quyết 743 quy định cho phép bị cáo tham dự phiên tòa được phép mặc thường phục, do đó dẫn đến một thực tế đó là đôi khi các bị cáo mặc những trang phục có phần phản cảm khi tham dự phiên tòa. Vừa qua, trong phiên tòa xét xử trùm ma túy Văn Kính Dương và đồng bọn, bị cáo Dương và một số bị cáo khác đã xuất hiện tại phiên tòa với trang phục là những chiếc áo phông với nhiều màu sắc kèm theo đó là những họa tiết, slogan khá bắt mắt, cá biệt còn có những câu chữ gây phản cảm đối với những người tham dự phiên tòa. Rõ ràng với những trang phục như vậy, đã phần nào làm giảm đi sự trang nghiêm của phiên tòa. Để lý giải điều này, có lẽ nguyên nhân bắt nguồn tự việc thiếu sự hướng dẫn đối với quy định thế nào là trang phục đảm bảo sự trang nghiêm. Kể từ khi nghị quyết 743/2004 được ban hành thì không có một văn bản nào đề cấp tới thế nào là trang phục thể hiện sự trang nghiêm.

Thông thường, cụm từ trang phục của những người làm việc tại các cơ quan, ban ngành, tổ chức là các trang phục chỉnh tề, thể hiện sự chuyên nghiệp trong công việc. Tuy vậy, để có được điều đó mỗi cơ quan, tổ chức thường sẽ quy định cụ thể về trang phục, đồng phục của đơn vị mình trong các văn bản nội quy cơ quan. Việc không có hướng dẫn thế nào là trang phục trang nghiêm đã làm diễn ra tình trạng thiết nhất quán, thiếu đồng bộ đối với quần áo của bị cáo tham dự phiên tòa. Do đó, xét thấy cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về thế nào là trang phục trang nghiêm, để từ đó giúp cho những người áp dụng pháp luật và công dân có một quy chuẩn thống nhất. Qua đó không những khắc phục được tình trạng bất cập đối với trang phục của bị cáo khi tham dự phiên tòa hiện nay, mà việc quy định về thế nào là trang phục trang nghiêm còn giúp cho những cá nhân, tố chức khác áp dụng vào những công việc và lĩnh vực khác trong xã hội.

Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm