Có được đưa sách luật vào buồng giam không?

bởi
Có được đưa sách luật vào buồng giam không?

Có được đem sách luật vào buồng giam? Đây là câu hỏi nhiều bạn sẽ thắc mắc và trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin cung cấp cho bạn quy định của pháp luật về vấn đề đem vật dụng vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam, chứ không hẳn chỉ là quyển sách luật.

Căn cứ pháp lý

Nội dung tư vấn

Tạm giữ, tạm giam là gì?

Đầu tiên các bạn cần hiểu rằng tạm giữ và tạm giam là hai khái niệm, hai vấn đề khác nhau. Hiện nay luật không đưa ra khái niệm tạm giữ hay tạm giam. Tuy nhiên luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 có quy định về “người bị tạm giữ”, “người bị tạm giam” như sau:

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

2. Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bao gồm bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ.

Nếu không may bị bắt thì được đem vào phòng tạm giữ, tạm giam

Đầu tiên phải khẳng định một điều là người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Đây chính là nguyên tắc cơ bản và quan trọng được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và thường được gọi là nguyên tắc suy đoán vô tội.

Do đó biện pháp tố tụng là tạm giữ, tạm giam không phải là thước đo khẳng định rằng người đó có tội và phải chịu hình phạt như những tù nhân đang thụ án. Vì vậy ở một góc độ nào đó họ vẫn được hưởng những quyền cơ bản của một công dân bình thường. Điều này được khẳng định trong Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 và được quy định như sau:

4. Bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan.

Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam

Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam

1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các quyền sau đây:

a) Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ;

b) Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu dân ý;

c) Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu;

d) Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;

đ) Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý;

e) Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;

g) Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam;

h) Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;

i) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu bị giam, giữ trái pháp luật;

k) Được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giữ, tạm giam.

Các trường hợp khác

Tuy nhiên xuất phát từ tính chất cần phải quản lí để phục vụ công tác điều tra xét xử nên trong trường hợp này người bị tạm giữ, tạm giam (bị can, bị cáo) vẫn phải chịu những  biện pháp như:

Điều 19. Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015.

Điều 19. Chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam

1. Cơ sở giam giữ phải được canh gác, bảo vệ, quản lý, kiểm tra, giám sát 24/24 giờ trong ngày.

2. Người bị tạm giữ phải ở trong buồng tạm giữ; người bị tạm giam phải ở trong buồng tạm giam. Khi có lệnh của thủ trưởng cơ sở giam giữ thì mới được ra khỏi buồng tạm giữ, buồng tạm giam để thực hiện lệnh trích xuất và các hoạt động khác theo quy định tại khoản 5 Điều 20 của Luật này và nội quy của cơ sở giam giữ.

3. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế quyền đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo. Trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự thì phải thông qua người đại diện hợp pháp và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án.Như vậy một số quyền công dân sẽ bị hạn chế trong trường hợp này.

Những vật dụng được phép mang vào buồng tạm giữ, tạm giam

Ngoài ra một vấn đề mà nhiều người quan tâm là liệu những vật dụng nào được phép mang vào buồng tạm giữ, tạm giam?Vấn đề này cũng đã được quy định tại Điều 24 của luật này này như sau:

Điều 24. Quản lý đồ vật, tư trang, tiền, tài sản của người bị tạm giữ, người bị tạm giam

1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam chỉ được đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam đồ dùng cần thiết cho cá nhân. Đồ vật, tư trang, tiền và tài sản khác của họ mang theo phải gửi lưu ký tại nơi quy định của cơ sở giam giữ hoặc ủy quyền cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của họ quản lý.

Những đồ vật không thể bảo quản được trong thời hạn tạm giữ, tạm giam; và những đồ vật thuộc danh mục cấm mang vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam nếu phải huỷ bỏ; thì thủ trưởng cơ sở giam giữ phải ra quyết định bằng văn bản; hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Khi huỷ bỏ phải có sự chứng kiến của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và phải lập biên bản về việc huỷ bỏ. Nếu họ được trả tự do, chuyển nơi giam giữ khác thì đồ vật, tư trang, tiền, tài sản khác đã gửi lưu ký được trả lại; trường hợp cơ sở giam giữ làm hư hỏng hoặc mất thì phải bồi thường.

2. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam.

Danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, tạm giam

Thông tư 32/2017/TT-BCA quy định danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, tạm giam; và xử lý vi phạm đã liệt kê cụ thể các vật dụng đó bao gồm những vật dụng sau đây:

Điều 4. Danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam

1. Các loại vũ khí, vật liệu nổ, chất nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Chất gây mê, chất độc, khí độc, chất phóng xạ, hóa chất độc hại, nguy hiểm.

3. Các chất ma túy, tiền chất ma túy, các chất gây nghiện, các chất hướng thần.

4. Các chất cháy, chất gây cháy (xăng, dầu, cồn,…).

5. Điện thoại di động và các thiết bị thông tin liên lạc.

6. Thiết bị lưu trữ dữ liệu, máy ghi âm, máy ghi hình, máy nghe ca nhạc, radio; những thiết bị, đồ dùng có tính năng tương tự và các thiết bị kỹ thuật, điện tử khác.

7. Các đồ dùng bằng kim loại, sành, sứ, đá, thủy tinh, các đồ vật cung, sắc nhọn khác; và các loại dây có khả năng dùng để tự sát, phá buồng giam; trốn khỏi nơi giam giữ, gây thương tích; hoặc gây tổn hại sức khỏe, tính mạng của người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc người khác.

8. Các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, băng đĩa có nội dung phản động; truyền đạo trái phép, đồi trụy, mê tín dị đoan; các phương tiện, công cụ dùng để đánh bạc dưới mọi hình thức.

9. Các loại giấy, bút, mực (trừ trường hợp được sự đồng ý của cơ sở giam giữ).

10. Rượu, bia, đồ uống có cồn, thuốc lá, thuốc lào; các loại thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh chưa được sự đồng ý của y tế cơ sở giam giữ.

11. Tiền Việt Nam đồng, ngoại tệ, giấy tờ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý khác.

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm