Căn cứ pháp lý:
- Bộ Luật hình sự năm 2015
- Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015
Nội dung tư vấn:
Trước tiên, với câu hỏi của bạn, tôi có thể trả lời rằng bạn đang nhầm lẫn 2 vấn đề cơ bản như sau:
Thứ nhất, không phải pháp luật quy đinh “cứ đóng tiền là không phải ngồi tù” như bạn nghĩ. Thực chất, đây là một biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015, với tên gọi là Bảo Lĩnh.
Cụ thể, Điều 109 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định về Các biện pháp ngăn chặn như sau:
“1. Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.
2. Các trường hợp bắt người gồm bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ.”
Ngoài ra, Khoản 1, khoản 2 Điều 121 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định về Bảo lĩnh như sau:
“1. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.
2. Cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình. Cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
Cá nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh thì có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ và trong trường hợp này thì ít nhất phải có 02 người. Cá nhân nhận bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.”
Từ những quy định trên, bạn có thể hiểu rằng bảo lĩnh chỉ là một biện pháp ngăn chặn cho tạm giam và phải đảm bảo những điều kiện bắt buộc theo luật định chứ không phải cứ đóng tiền là được tại ngoại. Hơn nữa, bảo lĩnh cũng chỉ xuất hiện ở giai đoạn đầu của quá trình tố tụng chứ không thay thế cho hình phạt tù.
Thứ hai, việc quy định về bảo lĩnh đã có từ lâu, quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ kế thừa quy định cũ, mà không phải đến nay mới có như bạn nghĩ.