Thời gian gần đây dư luận đang hết sức bất bình với trường hợp người bị tạm giữ bị cán bộ trại giam dùng nhục hình dẫn đến tử vong. Pháp luật nước ta quy định về các hành vi sử dụng bức cung, nhục hình này ra sao? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây của LSX.
Căn cứ:
- Bộ luật Hình sự 2015
- Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
Nội dung tư vấn:
1. Quy định của pháp luật về việc xử lý các hành vi sử dụng nhục hình trong hoạt động tố tụng
Mọi hành vi đấu tranh với tội phạm đều phải tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Người phạm tội vẫn được pháp luật bảo vệ về những quyền cơ bản như: quyền con người, được quy định cụ thể tại Điều 10 Bộ luật TTHS 2015:
Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang.
Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định của Bộ luật này. Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người.
Theo đó, nghiêm cấm việc tra tấn, bức cung, nhục hình hoặc những hảnh vi khác xâm phạm danh dự, thân thể, nhân phẩm của con người. Người tiến hành tố tụng khi đấu tranh với tội phạm cần phải tuân thủ nghiêm túc những quy định của pháp luật đồng thời cũng cần tôn trọng quyền con người cơ bản của người phạm tội.
Trong trường hợp những người tiến hành tố tụng xâm phạm sử dụng nhục hình để bức cung đối với các nghi can phạm tội thì cũng có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 373 Bộ luật Hình sự 2015:
Người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Theo đó, nhục hình được hiểu là hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng những tác động khác gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của nghi can đang bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo.
Theo điều 373 BLHS 2015 thì mức án cao nhất dành cho người dùng nhục hình mà khiến cho người bị nhục hình chết là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm và phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
2. Cách phát hiện và biện pháp đối với các hành vi bức cung, nhục hình
Vậy thì làm như thế nào để có thể phát hiện ra các hành vi bức cung nhục hình?
Hiện nay, Bộ luật TTHS 2015 đã có quy định cho phép áp dụng rất rộng rãi các hình thức ghi âm ghi hình trong các hoạt động tố tụng từ khi bắt tạm giữ, tạm giam, hỏi cung, đối chất cho đến khi xét xử. Việc này nếu được áp dụng rộng rãi, phổ biến thì chắc chắn việc bảo vệ quyền con người đối với các nghi can bị can bị cáo và ngăn chặn các hành vi sử dụng nhục hình bức cung sẽ được thực hiện một cách có hiệu quả.
Từ đó, có thể hạn chế và ngăn chặn các hành vi tiêu cực của bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ như tự sát và cũng bảo vệ họ khỏi bị thương trong trường hợp các hành vi sử dụng nhục hình, bức cung chưa được ngăn chặn triệt để.
Mặt khác, điều này cũng giúp cho các hoạt động khi tiến hành tố tụng trở nên minh bạch, rõ ràng, công khai, không còn gây ra các phản ứng tiêu cực, trái chiều trong xã hội như thời gian gần đây.