Đừng trở thành kẻ giết người, bị cả xã hội lên án vì một phút nóng giận

bởi Luật Sư X

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung, địa bàn TP. Hà Nội nói riêng liên tục xảy ra các vụ án giết người có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Những vụ việc này đã gây hoang mang, lo lắng trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Theo đó, điển hình của những vụ án xảy ra gần đây như: Vụ Đỗ Văn Bình sát hại 3 người và làm trọng thương 1 người tại khu vực huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) và Mê Linh (Hà Nội) ngày 15-16.5; vụ Nguyễn Văn Đông giết 4 người và chém 1 người bị thương nặng tại Hồng Hà, Đan Phượng ngày 1.9; vụ anh trai truy sát cả nhà em gái tại Thái Nguyên vì số tiền 3,6 tỉ đồng ngày 14.9; vụ Giàng A Đông giết 2 người ở Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) sáng sớm ngày 16.9… và mới đây nhất là vụ Nguyễn Hải Hà giết vợ tại La Khê, Hà Đông tối ngày 16.9.

Đối tượng Nguyễn Hải Hà khai nhận hành vi giết vợ xảy ra ngày 16.9 tại cơ quan Công an.

Trao đổi với Lao Động, thạc sĩ-luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, những vụ án xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự nhán phẩm của công dân có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Thông thường là do mâu thuẫn, xung đột về tình cảm hoặc về lợi ích vật chất khiến đối tượng bức xúc, ức chế, không kiểm soát được hành vi hoặc nảy lòng tham, thói ghen tuông ích kỷ dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội.

Nếu mục đích thực hiện hành vi phạm tội là tài sản thì động cơ ở đây là lòng tham, tính ích kỷ, lười lao động hoặc muốn – bị chiếm đoạt thành quả lao động nên đã ra tay thực hiện hành vi phạm tội. Còn nếu động cơ thực hiện hành vi phạm tội là vì tình cảm thì yếu tố thúc đẩy hành vi phạm tội thường là do ghen tuông, ích kỷ trong tình yêu, tình cảm của các bên.

Đối tượng gây ra vụ truy sát cả nhà em gái tại Thái Nguyên.

Tương tự, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, người dân có quyền lo ngại bất an về tình trạng tôi phạm hiện nay để có thái độ cảnh giác trong cuộc sống nhưng không nên đánh đồng đó là hiện tượng phổ biến. Việc này sẽ gây ra những lo lắng thái quá ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường nhật.

“Để tội phạm giết người được ngăn chặn cần xuất phát điểm từ nền giáo dục hướng thiện, sống có ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội tổ quốc… Đây là giải pháp căn cơ tuy nhiên phải mất nhiều thời gian, kiên trì mới có khả năng đạt được. 

Khi xảy ra mâu thuẫn, mỗi người trong chúng ta hãy cư xử có văn hóa, cùng nhau tháo gỡ, giải quyết một cách hợp tình, hợp lý, đừng để một phút nóng giận, mất kiểm soát, “ra oai” mà trở thành tội phạm giết người” – luật sư Quách Thành Lực nói.

Cũng theo các luật sư, đối tượng phạm tội đều sẽ phải chịu hình phạt nghiêm minh của pháp luật (phạt tù từ 7 năm đến 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình) và bản án nghiêm khắc của “tòa án lương tâm” về những hành vi phạm tội của mình.

“Dưới góc độ tâm lý tội phạm thì hành vi phạm tội giết người yêu là thời điểm bùng nổ cảm xúc sau một quá trình tích tụ những suy nghĩ tiêu cực. Khi mâu thuẫn thì đối tượng thường có những ý nghĩ, hành động tiêu cực, đối tượng sẽ nghĩ đến chuyện dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.

Hiện nay, Việt Nam đã có rất nhiều các chuyên gia tâm lý, những trung tâm tư vấn về tâm lý, tình yêu, nhiều khóa đào tạo về kỹ năng sống. Họ sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ các bạn trẻ khi gặp những rắc rối trong tình yêu, hôn nhân để tìm hướng giải quyết tốt nhất theo quy định pháp luật, đảm bảo an toàn về tính mạng, bớt đi những vụ việc đau lòng” – luật sư Đặng Văn Cường nói.

Nguồn báo chí: https://laodong.vn/tu-van-phap-luat/dung-tro-thanh-ke-giet-nguoi-bi-ca-xa-hoi-len-an-vi-mot-phut-nong-gian-755864.ldo

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm