Căn cứ:
- Luật giao thông đường bộ 2008
- Nghị định 46/2016/NĐ-CP
Nội dung tư vấn:
1. Xe cơ giới tham gia giao thông phải có kính chiếu hậu:
Để đảm bảo an toàn cho chính bản thân người điều khiển phương tiện cũng như những người xung quanh thì phương tiện cần phải đáp ứng được các điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới do Luật giao thông đường bộ quy định và một trong những điều kiện đó là phương tiện phải được trang bị gương chiếu hậu, cụ thể như sau:Điều 53. Điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới
1. Xe ô tô đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường sau đây:
… e) Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển; …
2. Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, h, i và k khoản 1 Điều này.
Như vậy, xe ô tô, mô tô, xe gắn máy phải có gương chiếu hậu bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển. Nhưng gương chiếu hậu như thế nào là gương đạt chuẩn và lắp đặt gương như thế nào để không bị xử phạt? 2. Thế nào là gương chiếu hậu đạt chuẩn? Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 28:2010/BGTVT về gương chiếu hậu của xe mô tô, xe gắn máy thì một gương chiếu hậu đạt tiêu chuẩn là gương hội tụ đủ các yếu tố sau:- Gương có tác dụng phản xạ.
- Về kỹ thuật: tất cả các gương điều chỉnh được vùng quan sát; Mép của bề mặt gương phải nằm trong vỏ bảo vệ và mép của vỏ bảo vệ phải có bán kính cong “c” có giá trị không nhỏ hơn 2,5 mm tại mọi điểm và theo mọi hướng.
- Về kích thước: diện tích của bề phản xạ không được nhỏ hơn 69cm2. Với trường hợp gương chiếu hậu hình tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94mm và không được lớn hơn 150mm. Trường hợp gương không tròn kích thước của bề mặt phản xạ phải đủ lớn để chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78 mm, nhưng phải nằm được trong một hình chữ nhật có kích thước 120 mm x 200 mm
2. QUY ĐỊNH VỀ KỸ THUẬT 2.11. Gương chiếu hậu 2.11.1. Đối với xe nhóm L1, L2 phải lắp ít nhất một gương chiếu hậu ở bên trái của người lái. Đối với xe nhóm L3, L4, L5 phải lắp gương chiếu hậu ở bên trái và bên phải của người lái.
Theo đó, xe gắn máy (xe gắn máy hai bánh, ba bánh) phải lắp ít nhất một gương chiếu hậu ở bên trái người lái và xe mô tô (xe mô tô hai bánh, ba bánh) phải lắp gương chiếu hậu ở cả hai bên trái, phải của người lái. Như vậy, chỉ cần đáp ứng đủ các điều kiện trên thì sẽ được xem là một gương chiếu hậu đạt chuẩn. 3. Gương chiếu hậu không chuẩn bị xử lý như thế nào? Việc chủ phương tiện lắp đặt các gương chiếu hậu không đạt chuẩn, gương thời trang ngoài việc có thể gây ra nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh thì còn phải chịu xử phạt. Cụ thể tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định như sau:Điều 17. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
1. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng …
Như vậy, cảnh sát giao thông chỉ xử phạt chủ phương tiện về lỗi gương chiếu hậu nếu xe mô tô, xe gắn máy không có gương chiếu hậu bên trái hoặc có nhưng không có tác dụng. Gương chiếu hậu được xem là không có tác dụng khi gương đó không đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định ở trên. Đồng thời, việc sử dụng gương chiếu hậu không đúng chuẩn thì người điều khiển phương tiện có thể bị phạt tiền từ 80.000 – 100.000 đồng. Nếu như chủ phương tiện muốn biết mình có vi phạm lỗi gương chiếu hậu hay không chỉ cần so sánh gương chiếu hậu của mình với các tiêu chuẩn mà Bộ giao thông vận tải đã đặt ra.