Bóng cười là sản vật không còn gì xa lạ, rất đơn giản chỉ cần từ 10 đến 20 nghìn đồng đã có thể sở hữu. Vậy hút hít bóng cười hay mua bán bóng cười có bị xử phạt hay bị bắt hay không?
LSX xin đưa ra ý kiến tham khảo như sau:
Căn cứ:
- Luật doanh nghiệp 2014
- Luật đầu tư 2014
- Nghị định số 163/2013/NĐ-CP
- Nghị định số 113/2017/NĐ-CP
Nội dung tư vấn
1. Mua và hít bóng cười có phạm luật?
Hình ảnh nam thanh nữ tú ngồi phê pha bên trái bóng cười không còn gì là xa lạ. Theo tìm hiểu thì Bóng cười có chứa khí N2O, khi ngấm vào người sẽ gây ảo giác và ức chế thần kinh khiến người hít cảm thấy lâng lâng và gây cười không ngớt. Về mặt sức khỏe thì có thể việc sử dụng thường xuyên bóng cười là không tốt. Tuy nhiên về mặt pháp lý thì sử dụng bóng cười không sao cả.
Pháp luật không có quy định về việc cấm hút hít bóng cười, do đó người sử dụng không bị xử phạt khi bị phát hiện.
2. Bán, kinh doanh bóng cười có sao?
Sử dụng, mua để hít là một chuyện. Kinh doanh, sản xuất bóng cười lại là chuyện khác. Bóng cười không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo Điều 6 Luật đầu tư 2014:
Điều 6. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh
1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
a) Kinh doanh các chất ma túy theo quy định tại Phụ lục 1 của Luật này;
b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục 2 của Luật này;
c) Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên theo quy định tại Phụ lục 3 của Luật này;
d) Kinh doanh mại dâm;
đ) Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người;
e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.
2. Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên, bóng cười lại thuộc danh mục hóa chất hạn chế kinh doanh, sản xuất và chỉ được sử dụng trong mục đích y tế theo Quy định tại Phụ lục 2 Nghị định 113/2017/NĐ-CP mà thôi. Do đó để kinh doanh và sản xuất mặt hàng này cần đáp ứng điều kiện nhất định mà hầu hết các cơ sở kinh doanh (hộ kinh doanh, công ty, cá nhân) hiện nay chưa đáp ứng. Do đó nếu bị phát hiện sẽ bị phạt.
Mức xử phạt cũng khá cao và được quy định tại Nghị định 163/2013/NĐ-CP như sau:
Điều 10 Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định hành vi vi phạm quy định về Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh, hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh quy định:
“Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh mà không có Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định;
b) Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh khi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất được cấp đã hết hiệu lực.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý có thẩm quyền đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất”.
Hi vọng bài viết sẽ có ích cho các bạn!!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102