Hoạt động của Hội người cao tuổi

bởi Hoàng Hà
Hoạt động của Hội người cao tuổi

“Sinh, lão, bệnh, tử” là quá trình phát triển của một đời người. Vào những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời, mỗi người lại có những vai trò và nhiệm vụ khác nhau. Khi trẻ con thì lo ăn, lo học. Trưởng thành rồi thì lo xây dựng sự nghiệp. Và khi đã vào tuổi xế chiều thì vui vẻ an yên cùng con cháu. Mỗi lứa tuổi cũng có những tâm tư, nguyện vọng khác nhau. Bởi vậy, để đại diện và nói lên những tâm tư, nguyện vọng đó cũng như bảo vệ những quyền lợi chính đáng của từng cá thể trong từng lứa tuổi thì pháp luật có quy định về sự hoạt động của các hội nhóm, đoàn thể, tổ chức xã hội. Tiêu biểu trong số đó chính là Hội người cao tuổi

Căn cứ:

  • Luật người cao tuổi 2009
  • Quyết định 972/QĐ-BNV

Nội dung tư vấn

1. Người cao tuổi bao gồm những ai

Căn cứ theo Điều 2 Luật người cao tuổi 2009 quy định rằng “Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”. Bên cạnh đó, tại Quyết định 972/QĐ-BNV bổ sung thêm rằng “Người cao tuổi Việt Nam là công dân Việt Nam, không phân biệt thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, sống ở trong và ngoài nước”. Như vậy có thể thấy rằng, pháp luật quy định mọi công dân Việt Nam, có độ tuổi từ 60 trở lên (độ tuổi mà theo quy định của pháp luật là độ tuổi được hưởng hưu trí) không phân biệt bất cứ điều gì, thì đều được xem là người cao tuổi.

Dù Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, với độ tuổi trung bình trẻ. Tuy nhiên, con số thống kê chỉ ra rằng, người cao tuổi chiếm tới 10,2% dân số và đang có chiều hướng ngày càng gia tăng. Do vậy, việc quy định rõ ràng về người cao tuổi như vậy nhằm đảm bảo những điều kiện về phúc lợi, an sinh xã hội của họ được đảm bảo. Hơn nữa, vì là đối tượng đã trải qua nhiều sóng gió cuộc đời, có nhiều kinh nghiệm sống do đó pháp luật cũng quy định vai trò của người cao tuổi đó là “giáo dục thế hệ trẻ về nhân cách, lòng yêu nước, giữ gìn gia phong, kỷ cương phép nước”.

2. Hội người cao tuổi và điều kiện tham gia hội người cao tuổi

Cũng giống như những tổ chức chính trị xã hội khác khi cùng là tổ chức đại diện cho ý chí, nguyện vọng của những thành phần xã hội mà tổ chức đại diện. Hội người cao tuổi đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi Việt Nam, đồng thời cũng tham gia và góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Căn cứ theo Điều 25 Luật hội người cao tuổi 2010 quy định về Hội người cao tuổi như sau:

Điều 25. Hội người cao tuổi Việt Nam

1. Hội người cao tuổi Việt Nam là tổ chức xã hội, đại diện cho nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi Việt Nam.

2. Hội người cao tuổi Việt Nam được tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện, hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội.

Hội người cao tuổi cũng là một tổ chức xã hội và chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, do đó, mọi hoạt động của hội đều phải tuân thủ theo pháp luật, và điều lệ hội. Hội người cao tuổi được đặt dưới sự quản lý chủ yếu bởi Bộ Nội vụ. Bên cạnh đó, đối với các vấn đề có liên quan tới các ngành, lĩnh vực khác thì cũng phải chịu sự quản lý của các bộ, ban, ngành khác ví dụ như Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ y tế,… 

Tuy nhiên, không phải mọi người cao tuổi đều là hội viên của Hội người cao tuổi. Để được trở thành hội viên của hội, người cao tuổi phải có đơn xin vào hội với tinh thần tình nguyện và được chi hội hoặc Ban Chấp hành Hội người cao tuổi cơ sở chấp thuận. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định những người dù chưa là người cao tuổi, cụ thể là có độ tuổi từ 55 tới 60 tuổi nhưng có sự tham gia, đóng góp tích cực cho Hội người cao tuổi thì được xem xét là thành viên của hội. Như vậy, khi đã trở thành hội viên của Hội người cao tuổi, các hội viên đã nhận lấy những vai trò, trách nhiệm tiếp theo mặc dù đã ở tuổi xế chiều. Đó là những nhiệm vụ cao cả và quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Có thể kể tới như:

  • Tuyên truyền, giáo dục trong gia đình và xã hội về lòng yêu nước, đạo lý và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
  • Truyền thụ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, tri thức của bản thân cho thế hệ trẻ 
  • Sống gương mẫu thực hiện và vận động nhân dân cùng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, các quy chế, quy ước của địa phương.

(Căn cứ theo Điều 10 Quyết định 972/QĐ-BNV)

3. Hoạt động của hội người cao tuổi

Mang vai trò và nhiệm vụ quan trọng như vậy, đòi hỏi hoạt động của Hội người cao tuổi cũng phải rất tích cực trên mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Với cơ cấu tổ chức chặt chẽ theo phân cấp từ trung ương tới cơ sở, từ Hội người cao tuổi Việt Nam tới các chi hội, tổ hội người cao tuổi ở cơ sở. Do đó, mỗi cấp lại được quy định những vai trò và hoạt động cụ thể để đảm bảo được hoạt động của mỗi sẽ đáp ứng được tôn chỉ hoạt động của hội người cao tuổi. 

Những hoạt động chủ yếu của Hội người cao tuổi được Luật người cao tuổi 2009 quy định như sau:

Điều 27. Nhiệm vụ của Hội người cao tuổi Việt Nam

1. Tập hợp, đoàn kết, động viên người cao tuổi tham gia sinh hoạt Hội người cao tuổi, góp phần thực hiện các chương trình kinh tế – xã hội, giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Làm nòng cốt trong phong trào toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi.

3. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi.

4. Nghiên cứu nhu cầu, nguyện vọng của người cao tuổi để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Đại diện cho người cao tuổi Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế, các hoạt động đối ngoại nhân dân vì lợi ích của người cao tuổi và của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, Hội người cao tuổi cũng được pháp luật quy định có tư cách của một pháp nhân. Do vậy, để đảm bảo hoạt động của Hội người cao tuổi, nguồn kinh phí hoạt động của hội được thu từ 3 nguồn chính, đó là từ ngân sách nhà nước, từ hội phí hội viên, tài trợ của cá nhân hoặc các tổ chức nước ngoài và các nguồn thu khác. Những nguồn thu khác này có thể xuất phát từ thu nhập khi các thành viên của hội tham gia vào các hoạt động của mọi mặt đời sống xã hội trong phạm vi pháp luật cho phép.

Như vậy, có thể thấy rằng, người cao tuổi nói riêng và Hội người cao tuổi nói chung đã, đang và sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với xã hội, với đất nước. Vì lẽ đó, hội cần tiếp tục phát huy truyền thống Diên Hồng năm xưa, kế thừa Hội Phụ lão cứu quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng thành lập để ngày càng đóng góp nhiều hơn cho xã hội, cho đất nước và thế hệ mai sau.

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm