Không tham gia điều tra dân số bị phạt 10 triệu

bởi Luật Sư X
dân số

Ngày 01/04 vừa qua, Chính phủ đã phát động cuộc Tổng điều tra dân số 2019 theo Quyết định 772/QĐ-TTg của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo đó, người dân phải cung cấp các thông tin cần thiết cho các điều tra viên để làm cơ sở tổng hợp về dữ liệu dân số. Vì vậy, việc tham gia điều tra dân số là nghĩa vụ của người dân, tuy nhiên nếu bạn không muốn tham gia thì có bị sao không? Bài viết này của Luật sư X sẽ giải đáp cho bạn vấn đề này.

Căn cứ:

  • Luật thống kê 2015
  • Bộ luật Hình sự 2015
  • Nghị định 95/2016/NĐ-CP

Nội dung tư vấn

1. Tổng điều tra dân số để làm gì?

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 thu thập các thông tin cơ bản về dân số và nhà ở nhằm các mục đích:

  • Tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu dân số, nhân khẩu học và nhà ở phục vụ Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; phân tích và dự báo tình hình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước và từng địa phương;
  • Đáp ứng nhu cầu thông tin về dân số và nhà ở phục vụ đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020; xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030;
  • Cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia về dân số; xây dựng dàn mẫu chủ phục vụ các cuộc điều tra hộ dân cư thời kỳ 2019 – 2029.

Vì vậy, việc công dân tham gia vào cuộc Tổng điều tra dân số này rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu bạn không tham gia vào hoạt động này thì có vi phạm pháp luật không?

2. Không tham gia vào điều tra dân số là vi phạm pháp luật

Nếu như bạn nghĩ việc không tham gia vào hoạt động điều tra dân số thì sẽ không bị sao. Nhưng thực tế, bạn đã sai lầm, bỡi lẽ, việc không tham gia hoạt động này thuộc trường hợp  bị nghiêm cấm, cụ thể tại Điều  10, Điều 33 Luật thống kê 2015 quy định:

Điều 10. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê

1. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê nhà nước và sử dụng thông tin thống kê nhà nước gồm:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời, cản trở việc cung cấp thông tin theo phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê và từ dữ liệu hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định;

Điều 33. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê

2. Tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có các nghĩa vụ sau đây:

b) Không được từ chối hoặc cản trở việc cung cấp thông tin điều tra thống kê;

Vì vậy, nếu như bạn không tham gia điều tra dân số là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hành chính và nếu như gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể tại Điều 11 Luật thống kê quy định như sau:

Điều 11. Xử lý vi phạm

Người nào có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thống kê thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3.Hình thức xử lý:

Xử lý hành chính:

Thông thường, hành vi không tham gia điều tra dân số chỉ bị xử phạt hành chính, cụ thể tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định 95/2016/NĐ-CP:

Điều 5. Vi phạm quy định trong các hoạt động điều tra thống kê nhà nước

5. Phạt tiền từ trên 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không thực hiện hoặc cản trở việc thực hiện điều tra thống kê;

Theo đó, đối với cá nhân thực hiện hành vi này sẽ chịu xử phạt tiền từ trên 7.000.000 đến 10.000.000 đồng tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm. Còn đối với tổ chức không tham gia điều tra dân số thì sẽ bị xử phạt với mức phạt bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, có nghĩa, tổ chức có thể bị phạt từ trên 14.000.000 đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm.

Xử lý hình sự:

Thông thường, đối với hành vi không tham gia điều tra dân số sẽ chỉ bị phạt hành chính. Tuy nhiên, nếu như cá nhân không tham gia điều tra dân số gây ra hậu quả nghiêm trọng và có thể gây cản trở cho việc điều tra của điều tra viên thì cá nhân có thể bị khép vào tội chống người thi hành công vụ, cụ thể quy định tại Điều 330 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

Theo đó, việc điều tra dân số của các điều tra viên có thể được xem là thi hành công vụ và nếu như cá nhân không tham gia vào điều tra dân số có thể được xem như là dùng thủ đoạn khác cản trở các điều tra viên thực hiện việc điều tra dân số. Vì vậy, nếu như hành vi không tham gia điều tra dân số với mức độ, hậu quả nghiêm trọng, cản trở điều tra viên thực hiện công việc thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù lên đến 3 năm; trong trường hợp cá nhân thực hiện hành vi bị truy cứu theo Khoản 2 Điều này thì có thể bị xử phạt tù lên đến 7 năm.

Từ những phân tích trên, các bạn đã biết được hậu quả của việc không tham gia vào điều tra dân số. Vì vậy, nếu bạn nào có ý định không tham gia vào điều tra dân số nên từ bỏ ý định. Tham gia vào điều tra dân số không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của công dân.  

Hi vọng bài viết hữu ích với bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

 

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm