Khách thể của tội phạm là gì?

bởi

Một trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm chủ thể, khách thể, mặt khách quan và mặt chủ quan. Việc xác định khách thể chính xác có vai trò quan trọng định trách nhiệm hình sự. Vậy thì khách thể là gì? Bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu được về khách thể của tội phạm là gì.

Căn cứ:

Nội dung tư vấn:

1. Khái niệm khách thể tội phạm

Khách thể của tội phạm chính là đối tượng bảo vệ của luật hình sự được quy định ở Khoản 1 Điều 8 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị các hành vi phạm tội xâm hại đến. Việc quy định những quan hệ xã hội nào được luật hình sự bảo vệ là khách thể của tội phạm phụ thuộc vào ý chí và lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội nhưng thường thì nó là các quan hệ xã hội quan trọng trong đời sống xã hội.

Việc xác định khách thể của tội phạm thể hiện ở các phương diện như sau: Là căn cứ để định tội; Là căn cứ quan trọng để phân biệt tội phạm với các vi phạm pháp luật khác; Là căn cứ quan trọng để xác định tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm; Thông qua khách thể của tội phạm có thể thấy được bản chất giai cấp của luật hình sự Việt Nam.

2. Phân loại khách thể

Chúng ta có thể phân loại khách thể theo các tiêu chí như sau:

  • Khách thể chung của tội phạm

Khách thể chung của tội phạm là tổng hợp tất cả các quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại và được luật hình sự bảo vệ. Khách thể chung của tội phạm là những quan hệ xã hội được xác định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, bao gồm: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Bất kỳ hành vi phạm tội nào cũng đều gây phương hại đến khách thể chung là một trong những quan hệ xã hội được xác định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự. Chính vì vậy, thông qua khách thể chung, chúng ta có thể thấy được nhiệm vụ của Bộ luật hình sự và bản chất giai cấp của nó. Hay nói đúng hơn là thấy được chính sách hình sự của một quốc gia.

  • Khách thể loại của tội phạm

Khách thể loại của tội phạm là nhóm quan hệ xã hội có cùng tính chất được một nhóm các quy phạm pháp luật hình sự bảo vệ và bị một nhóm tội phạm xâm hại. Khách thể loại có vai trò quan trọng về mặt lập pháp. Nó là cơ sở để Bộ luật Hình sự xây dựng các chương trong phần các tội phạm.

Tội phạm trên thực tế dù rất đa dạng về các mặt chủ thể, chủ quan, khách quan nhưng nếu xâm hại đến các quan hệ xã hội có cùng tính chất sẽ được xếp chung vào một chương. Thông qua việc xem xét các nhóm khách thể nhất định, chúng ta có thể đánh giá được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cụ thể khi trực tiếp xâm hại đến một trong số các khách thể của nhóm.

Việc sắp xếp các chương trong phần các tội phạm dựa theo khách thể loại là hết sức hợp lý và khoa học. Nếu chúng ta sắp xếp theo các cơ sở khác ( chủ quan, chủ thể…) thì sẽ dẫn đến tình trạng nhiều tội phạm có bản chất rất khác nhau lại nằm cùng một chương. Điều này gây khó khăn rất lớn trong việc đánh giá tính nguy hiểm cho xã hội của từng tội phạm và việc xử lý chúng.

Các tội phạm được quy định trong cùng một chương phần các tội phạm (có cùng khách thể loại) bao giờ cũng xâm hại đến khách thể loại của chúng. Tuy nhiên, từng tội phạm trong một chương đó không phải luôn xâm hại cùng khách thể trực tiếp. Điều đó có nghĩa là mỗi tội phạm có khách thể trực tiếp riêng của nó.

  • Khách thể trực tiếp của tội phạm

Khách thể trực tiếp của tội phạm là một hoặc một số quan hệ xã hội cụ thể bị hành vi phạm tội cụ thể xâm hại. Thông qua việc gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại (xâm hại) đối với khách thể trực tiếp mà tội phạm đã gây phương hại đến khách thể chung và khách thể loại của tội phạm.

Một tội phạm có thể xâm hại đến nhiều khách thể nhưng không phải lúc nào tất cả các khách thể đó đều được xem là khách thể trực tiếp. Khách thể trực tiếp khi đó là quan hệ xã hội mà tội phạm gây thiệt hại thể hiện được đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.Trong nhiều trường hợp, nếu một tội phạm xâm phạm đến nhiều khách thể mà xâm phạm đến khách thể nào cũng thể hiện được bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, chúng ta cần xem xét dấu hiệu thứ hai để xác định khách thể loại. Đó là: khách thể đó phải luôn bị tội phạm cụ thể đó xâm hại trong mọi trường hợp, hoặc người phạm tội muốn xâm hại khách thể nào (lỗi)….

Ví dụ: Hành vi giật túi xách của người đi đường làm cho chủ sở hữu ngã dẫn đến thương tích. Ở đây có hai khách thể bị xâm hại là quyền sở hữu và sức khoẻ. Tuy nhiên, quyền sở hữu mới là khách thể trực tiếp của hành vi “cướp giật tài sản”, sức khoẻ không là khách thể trực tiếp của hành vi này.

Tội phạm có nhiều khách thể trực tiếp khi hành vi phạm tội xâm hại đến nhiều quan hệ xã hội mà việc xem xét sự gây thiệt hại đối với bất cứ một quan hệ xã hội nào cũng không thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó và nhiều khách thể đó luôn bị xâm hại ở mọi trường hợp phạm tội.
Khách thể trực tiếp là cơ sở thể hiện rõ nhất bản chất của tội phạm cụ thể. Nó giúp định tội danh đúng và đánh giá đúng đắn tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cụ thể.

3. Bộ phận của khách thể : Đối Tượng tác động.

Tội phạm khi xâm phạm khách thể bao giờ cũng tác động đến đối tượng nhất định. 

Đối tượng tác động của tội phạm là một bộ phận của khách thể của tội phạm mà khi tác động lên nó, người phạm tội gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.

Các đối tượng tác động của tội phạm gồm:

  • Con người

Con người vừa là thực thể tự nhiên vừa là thực thể xã hội, là chủ thể của nhiều quan hệ xã hội, trong đó có những quan hệ xã hội chỉ có thể bị gây thiệt hại khi có sự biến đổi tình trạng bình thường của chính con người – quan hệ nhân thân. Như vậy, đối tượng tác động của tội phạm có thể là con người đối với tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự.Ví dụ: quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhân phẩm, danh dự… là khách thể đại diện cho những đối tượng bị tác động thuộc loại này.

  • Các đối tượng vật chất

Trong các quan hệ xã hội được luật Hình sự bảo vệ, những quan hệ xã hội bị tội phạm gây thiệt hại qua việc làm biến đổi trạng thái bình thường của những đối tượng vật chất như quan hệ sở hữu … Tất cả những hành vi làm biến đổi tình trạng bình thường của tài sản một cách trái pháp luật đều là những hành vi gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu. Như vậy, các vật thể như tài sản, phương tiện thuộc quyền sở hữu hợp pháp của con người cũng có thể là đối tượng tác động của tội phạm.

Sự làm biến đổi tình trạng này có thể do những hành vi khác nhau gây ra như hành vi chiếm đoạt, hành vi chiếm giữ, hành vi sử dụng, hành vi hủy hoại hay làm hư hỏng..

  • Sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội

Luật hình sự không chỉ bảo vệ những quan hệ xã hội qua việc đảm bảo tình trạng bình thường cho con người là chủ thể của quan hệ xã hội, cho những đối tương vật chất là khách thể của quan hệ xã hội mà ở những loại quan hệ xã hội nhất định, nó còn bảo vệ qua việc đảm bảo hoạt động bình thường của chủ thể với ý nghĩa là nội dung của quan hệ xã hội đó. Trong những trường hợp này, hoạt động bình thưởng của chủ thể được coi là đối tượng của tội phạm.

Sự là biến đối tình trạng của đối tượng tác động ở đây chính là sự cản trở hoạt động bình thường của các chủ thể hoặc dưới hình thức làm biến dạng xử sự của người khác hoặc dưới hình thức tự làm biến dạng xử sự của chính mình.

Ví dụ: Hành vi đưa hối lộ là hành vi nhằm biến dạng xử sự của người có chức vụ, quyền hạn.

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm