Trong tố tụng dân sự, bên cạnh những thủ tục xét xử thông thường là xét xử sơ thẩm và phúc thẩm thì BLTTDS còn quy định về thủ tục giám đốc thẩm. Đây là một thủ tục đặc biệt với mục đích xem xét lại các bản án, quyết định của tòa án; giải quyết vụ việc một cách triệt để; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Vậy, kháng nghị giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự được quy định như thế nào?
Tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X.
Cơ sở pháp lý
Giám đốc thẩm là gì?
Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ theo quy định của pháp luật. Đây là phương thức kiểm soát của Tòa án cấp trên đối với hoạt động áp dụng pháp luật của Tòa án cấp dưới trong việc giải quyết các vụ án. Từ đó góp phần giúp cho đội ngũ làm công tác xét xử sửa chữa sai lầm và có nhận thức đúng đắn hơn trong áp dụng pháp luật.
Giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt, không phải là một cấp xét xử. Tính chất đặc biệt thể hiện ở đặc điểm sau:
– Giám đốc thẩm là thủ tục xét lại các bản án đã có hiệu lực pháp luật; chứ không phải xét xử lại các bản án, quyết định đó.
– Đối tượng của thủ tục giám đốc thẩm là những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
– Căn cứ làm phát sinh thủ tục giám đốc thẩm là khi phát hiện bản án; quyết định có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong giải quyết vụ án.
– Chủ thể làm phát sinh thủ tục giám đốc thẩm chỉ có một số người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
– Thủ tục giám đốc thẩm không mở công khai và bắt buộc phải có sự tham gia của viện kiểm sát.
Chủ thể có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm
Điều 331 BLTTDS năm 2015 quy định các chủ thể sau có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết; trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
BLTTDS năm 2015 đã có sự sửa đổi, bổ sung cơ bản về thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Theo đó, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh,; Viện trưởng VKSND cấp tỉnh không có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm; thay vào đó, bổ sung quy định: Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm
Giám đốc thẩm là một thủ tục tố tụng đặc biệt. Do đó, để tiến hành kháng nghị đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án thì người có thẩm quyền phải dựa trên những căn cứ nhất định do pháp luật quy định.
Theo quy định của khoản 1 Điều 326 BLTTDS năm 2015, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau:
- Thứ nhất, kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Hiểu ngắn gọn là tòa án giải quyết vụ án không đúng với bản chất của vụ việc. Để đảm bảo công bằng, quyền lợi của các bên thì bản án, quyết định cần phải được xét lại.
- Thứ hai, có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình; dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật. Chẳng hạn: vụ án phải hòa giải nhưng không hòa giải; vi phạm thủ tục trong xét xử vắng mặt đương sự…
- Thứ ba, có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng; gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự; xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Trình tự thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm
Căn cứ vào Điều 327-350, BLTTDS 2015, trình tự thủ tục giám đốc thẩm như sau:
- Đương sự nộp đơn đề nghị cho Tòa án, Viện kiểm sát; kèm theo bản án đã có hiệu lực pháp luật, tài liệu chứng cứ để chứng minh;
- Tòa án, Viện kiểm sát nhận đơn; ghi vào đơn và cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho đương sự;
- Kiểm tra đơn: Nếu không đủ điều kiện thì cơ quan đã nhận đơn yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu;
- Hết thời hạn trên mà đương sự không sửa đổi, bổ sung; thì tòa án, viện kiểm sát trả lại đơn nêu lý do, ghi chú vào sổ nhận đơn.
- Nếu hồ đơn đã đầy đủ, hợp lệ, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm phân công người có trách nhiệm tiến hành nghiên cứu đơn; thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án, báo cáo người có thẩm quyền kháng nghị xem xét, quyết định;
- Trường hợp không kháng nghị thì thông báo bằng văn bản; nêu rõ lý do cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo, kiến nghị.
Đơn đề nghị và tài liệu chứng cứ kèm theo của cá nhân, cơ quan tổ chức khác được thực hiện theo Điều 4 Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC.
Tóm lại, kháng nghị giám đốc thẩm được xem là phương tiện để người dân tìm đến công lý trong giải quyết các tranh chấp và để bảo vệ quyền lợi cho bản thân. Đương sự có quyền yêu cầu người có thẩm quyền xem xét kháng nghị giám đốc thẩm theo quy định của pháp luật.
Liên hệ luật sư X
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề: “Kháng nghị giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự”. Để sử dụng dịch vụ của chúng tôi mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.
Liên hệ hotline: 0833102102
- FaceBook: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có quyền kháng nghị trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 334 BLTTDS 2015.
Phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của Viện kiểm sát cùng cấp.
Trường hợp xét thấy cần thiết, Tòa án triệu tập đương sự hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác có liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm; nếu họ vắng mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm vẫn tiến hành phiên tòa.
Trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án; Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa để xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.