Khi nào thì được dẫn độ tội phạm?

bởi

Dẫn độ tội phạm là một trong các nội dung chủ yếu của hợp tác quốc tế đấu tranh phòng chống các hoạt động tội phạm đang ngày càng gia tăng. Đây là hình thức giúp đỡ pháp lý trong việc thực hiên thẩm quyền xét xử hình sự quốc gia. Vậy dẫn độ tội phạm là gì? Khi nào thì được dẫn độ tội phạm?   Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu về vấn đề này nhé !

Cơ sở pháp lý

Nội dung tư vấn

Dẫn độ tội phạm là gì?

Hiện nay, có nhiều quan điểm chưa thống nhất về khái niệm dẫn độ. Ở mỗi quốc gia, mỗi thời kì có một cách tiếp cận về khái niệm này khác nhau. Điều 32 Luật tương trợ tư pháp 2007 đưa ra khái niệm dẫn độ như sau:

“Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.”

Cở sở pháp lý để dẫn độ tội phạm

Dẫn độ tội phạm được tiến hành giữa quốc gia yêu cầu và quốc gia được yêu cầu dẫn độ. Toàn bộ quá trình thực hiện hoạt động pháp lý này được các quốc gia hữu quan thực thi dựa trên các cơ sở pháp lý sau đây:

+ Pháp luật trong nước của các quốc gia

+ Các điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp

+ Các điều ước quốc tế đa phương về chống các loại tội phạm có tính chất quốc tế.

Như đã đề cập, dẫn độ tội phạm là quyền chứ không phải nghĩa vụ pháp lý quốc tế của quốc gia. Dựa trên cơ sở quyền lực tối cao của mình đối với lãnh thổ, quốc gia có toàn quyền quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân phạm tội đang ở trên lãnh thổ nước mình dựa trên cơ sở các quy định hiện hành của pháp luật quốc gia hoặc tự mình quyết định có dẫn độ tội phạm hay không cho quốc gia yêu cầu dẫn độ. Việc dẫn độ trong trường hợp này hoàn toàn phụ thuộc vào quyền lực của quốc gia xuất phát từ chủ quyền lãnh thổ của mình, dựa trên cơ sở pháp lý là luật quốc gia và được thực hiện trong trường hợp không có điều ước quốc tế hữu quan về dẫn độ giữa các quốc gia yêu cầu và quốc gia được yêu cầu dẫn độ. Trong khoa học luật hình sự quốc tế trường hợp này được gọi là “Dẫn độ tội phạm không có điều ước quốc tế”. Khi đó dẫn độ tội phạm là quyền pháp lý quốc tế của quốc gia. Nghĩa vụ dẫn độ tội phạm với tính chất là nghĩa vụ pháp lý quốc tế chỉ phát sinh khi giữa các quốc gia có liên quan tồn tại điều ước quốc tế tương ứng quy định các điều kiện cụ thể cho pháp dẫn độ.

Việc dẫn độ chỉ được tiến hành dựa trên cơ sở của sự tôn trọng điều kiện có đi có lại. Điều kiện này xác định thái độ xử sự của các quốc gia phải thống nhất theo trật tự: Nếu quốc gia này đáp ứng yêu cầu về dẫn độ cho quốc gia kia, thì quốc gia được đáp ứng phải có nghĩa vụ xử sự như vậy trong trường hợp quốc gia đối tác của mình có yêu cầu tương tự (yêu cầu về dẫn độ tội phạm).

Trong số các điều khoản về tương trợ tư pháp hình sự, vấn đề dẫn độ tội phạm đã được đặc biệt quan tâm và điều chỉnh rất cụ thể, rõ ràng đảm bảo sự minh bạch trong quá trình thực hiên, bởi vì vấn đề dẫn độ tội phạm đã, đang và sẽ tiếp tục là vấn đề cực kỳ nhạy cảm đối với sự ổn định trật tự xã hội và an ninh quốc gia của mỗi nước trong cộng đồng quốc tế. Cùng với điều ước song phương về tương trợ tư pháp còn có điều ước quốc tế song phương chuyên môn về dẫn độ tội phạm, phạm vi điều chỉnh của loại điều ước này chỉ bao gồm các vấn đề pháp lý của dẫn độ tội phạm phải bị dẫn độ trong quan hệ giữa hai quốc gia thành viên.

Phương thức dẫn độ tội phạm

Qua nghiên cứu các quy định về dẫn độ tội phạm trong luật hình sự quốc tế, có thể đi đến kết luận rằng: nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện dẫn độ tội phạm, các quốc gia thường duy trì và sử dụng các phương thức sau đây:

+ Các nước thỏa thuận nhất trí một danh mục đầy đủ các loại hình tội phạm phải dẫn độ và danh mục này được ghi nhận trong các vàn bản pháp lý quốc tế hữu quan;

+ Các quốc gia áp dụng tiêu chuẩn tính chất nghiêm trọng của tội phạm và mức án trừng phạt của pháp luật là điều kiện để xác định loại tội phạm để dẫn độ. Tiêu chuẩn mức án trừng phạt nghiêm khắc chỉ được áp dụng đối với bị cáo, chứ không được thực hiện đối với tù nhân sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật;

+ Các quốc gia sử dụng phương thức hỗn hợp bao gồm cả hai phương thức trên, nghĩa là trong điều ước quốc tế cũng như trong luật quốc gia đồng thời ghi nhận cả danh mục tội phạm bị dẫn độ cũng như tiêu chí tính chất nghiêm trọng của tội phạm và mức án trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật

Khi nào được dẫn độ tội phạm?

Việc dẩn độ tội phạm phải đáp ứng đầy đủ 2 tiêu chí sau:

– Phải có yêu cầu từ một quốc gia. Dẫn độ chỉ được thực hiện khi có yêu cầu dẫn độ từ một quốc gia. Nước mà người phạm tội mang quốc tịch, nước nơi hành vi phạm tội xảy ra, nơi tội phạm hoàn thành, hoặc nước có quyền lợi bị tội phạm xâm phạm đều có quyền yêu cầu dẫn độ. Việc chấp hay không chấp nhận dẫn độ sẽ do quốc gia được yêu cầu dẫn độ quyết định dựa trên các điều ước quốc tế liên quan pháp luật quốc gia và tình hình tội phạm trên thực tế.

– Giữa nước được yêu cầu dẫn độ và nước yêu cầu dẫn độ phải các điều ước quốc tế (điều ước song phương , điều ước đa phương) quy định việc dẫn độ, Nếu 2 bên không ký với nhau các điều ước nào quy định việc dẫn độ, thì việc dẫn độ bắt buộc phải có sự đồng ý của nước được yêu cầu dẫn độ.

Các trường hợp không được dẫn độ tội phạm

Thứ nhất, không dẫn độ nếu cá nhân bị dẫn độ sẽ bị kết án đối với tội phạm khác

Trường hợp này ghi nhận rõ: quốc gia yêu cầu dẫn độ chỉ được phép tiến hành xét xử tội phạm bị dẫn độ với hành vi tội phạm là cơ sở để dẫn độ, quốc gia này không được phép xét xử các hành vi tội phạm khác mà cá nhân bị yêu cầu dẫn độ thực hiện trong quá khứ. Trong trường hợp điều kiện này không được đảm bảo tôn trọng, quốc gia được yêu cầu có quyền từ chối không dẫn độ tội phạm cho quốc gia yêu cầu. Điều kiện được phân tích ở đây đảm bảo quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người bị dẫn độ, loại trừ được khả năng quốc gia yêu cầu dẫn độ sẽ tiến hành xét xử cá nhân bị dẫn độ không đúng với tội danh đã được ghi nhận trong yêu cầu dẫn độ và là cơ sở pháp lý để dẫn độ, mà xét xử về tội phạm khác nhằm mục đích phục vụ cho quyền lợi chính trị hoặc tôn giáo về không dẫn độ tội phạm khi điều kiện pháp lý không được đảm bảo.

Thứ hai, không dần độ nếu án tử hình sề được áp dụng theo luật của quốc gia yêu cầu dần độ

Xuất phát từ thực tế của đời sống quốc tế, một số quốc gia vẫn duy trì án tử hình trong hệ thông pháp luật quốc gia, như: Nhật Bản, Pakixtan, Mỹ, Việt Nam v.v. trong khi đó nhiều nước khác quy định không áp dụng án tử hình trong pháp luật nước mình, như: Đức, Canada, Ôtxtrâylia, Niuzilân và các quốc gia Tây Âu khác. Vì vậy trong các quy định liên quan đến dẫn độ tội phạm của luật quốc tế hay luật quốc gia của một số nước không áp dụng án tử hình, đều quy định sẽ không dẫn độ tội phạm nếu phát sinh khả năng thực tế án tử hình sẽ được áp dụng theo luật pháp của quốc gia yêu cầu dẫn độ đối với cá nhân bị dẫn độ.

Tuy nhiên, quy định pháp lý này có điểm hạn chế là tạo điều kiện cho kẻ phạm tội có khả năng lẩn tránh sự trừng phạt nghiêm khắc của công lý, điểm yếu pháp luật này phát sinh từ sự khác biệt giữa các hệ thống pháp luật trong nước của quốc gia về áp dụng án tử hình. Để giải quyết vấn đề này, bảo đảm cho công lý được thực thi, các quốc gia đã đưa ra phương pháp giải quyết sau đây: nước được yêu cầu sẽ chấp nhận dẫn độ, nếu quốc gia yêu cầu dẫn độ đảm bảo rằng cá nhân bị dẫn độ sẽ không bị kết án tử hình hoặc ít nhất là mức án tử hình sẽ không được thực hiện.

Như ta đã biết dẫn độ tội phạm là vấn đề quốc tế nhạy cảm, đụng chạm đến quyền lợi của các quốc gia, vì vậy quy định phương thức giải quyết như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dẫn độ tội phạm, đảm bảo công lý được tôn trọng khi pháp luật của các quốc gia hữu quan có quy định khác biệt về án tử hình.

Thứ ba, các trường hợp không dẫn độ khác

Trong luật quốc tế, cụ thể là điều ước quốc tế cũng như luật quốc gia còn quy định các trường hợp không dẫn độ khác.

+ Hành vi vi phạm của cá nhân có liên quan đến trách nhiệm dân sự hoặc trách nhiệm hành chính. Hành vi vi phạm loại này không được coi là cơ sở pháp lý để dẫn độ;

+ Thời hiệu tố tụng hình sự đã chấm dứt hoặc đã ban hành đạo luật ân xá. Đây là các hoàn cảnh loại bỏ trách nhiệm hình sự và như vậy việc dẫn độ tội phạm không còn có ý nghĩa;

+ Việc dẫn độ tôi phạm không phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật quốc gia được yêu cầu, xâm phạm đến chủ quyền quốc gia hoặc đe dọa an ninh trật tự xã hội;

+ Người được yêu cầu dẫn độ dã gánh chịu một bản án vẻ hành vi vi phạm là cơ sở của yêu cầu dẫn độ hoặc đã được tòa tuyên trắng án;

+ Hành vi tội phạm được thực hiên ở quốc gia này mà quốc gia khác lại đưa ra yêu cẩu dẫn độ;

+Trong một số điều ước quốc tế còn quy định không dẫn độ binh sĩ đào ngũ hoặc những cá nhân có hành vi tội phạm chống tôn giáo, hay cá nhân bị dẫn độ bị đe dọa áp dụng các biện pháp nhục hình hoặc các biện pháp dã man vô nhân đạo.

Thủ tục độ tội phạm

Thủ tục dẫn độ được thực hiện từ khi có yêu cầu dẫn độ của nước yêu cầu và kết thúc khi người bị yêu cầu dẫn độ được chuyển giao cho nước yêu cầu, gồm 03 bước sau:

Bước 1: Tiếp nhận và xử lý yêu cầu dẫn độ

– Bộ Công an là Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, kiểm tra và xử lý hồ sơ, văn bản yêu cầu dẫn độ.

– Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu dẫn độ và tài liệu kèm theo, Bộ Công an vào sổ hồ sơ dẫn độ và kiểm tra hồ sơ yêu cầu dẫn độ.

– Hồ sơ hợp lệ thì Bộ Công an chuyển ngay cho tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền 02 bộ hồ sơ để xem xét, quyết định.

– Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì Bộ Công an có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu dẫn độ cung cấp thông tin bổ sung. Sau 60 ngày, kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu bổ sung thông tin mà không nhận được thông tin bổ sung thì Bộ Công an gửi trả hồ sơ cho nước yêu cầu dẫn độ và nêu rõ lý do.

Trường hợp nhiều nước cùng yêu cầu dẫn độ một người thì Bộ Công an sẽ chủ trì và phối hợp với Bộ ngoại giao, Bộ Tư pháp, VKSND tối cao, tòa án nhân dân tối cao để xem xét, quyết định đáp ứng yêu cầu dẫn độ cho một trong các nước yêu cầu và chuyển hồ sơ yêu cầu dẫn độ cho tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bước 2: Xem xét, quyết định dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ

– Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người bị yêu cầu dẫn độ đang cư trú, đang bị tạm giam, tạm giữ hoặc chấp hành hình phạt tù là cơ quan có thẩm quyền quyết định dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ.

– Trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, nếu đáp ứng các yêu cầu về hồ sơ và văn bản yêu cầu dẫn độ thì tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền sẽ ra quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ.

– Đình chỉ: Trường hợp yêu cầu dẫn độ không thuộc thẩm quyền hoặc Bên nước ngoài rút yêu cầu dẫn độ hoặc người bị yêu cầu dẫn độ đã rời khỏi Việt Nam hoặc vì lý do khác mà việc xem xét không thể tiến hành được thì tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định đình chỉ việc xem xét yêu cầu dẫn độ và trả hồ sơ cho Bộ Công an để Bộ Công an thông báo cho nước yêu cầu.

– Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét yêu cầu dẫn độ trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày ra quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ và chuyển ngay một bộ hồ sơ cho VKSND cùng cấp.

– Chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ,Tòa án nhân dân cấp tỉnh gửi quyết định cho người bị yêu cầu dẫn độ, VKSND cùng cấp, Bộ Công an để thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Lưu ýKháng cáo, kháng nghị:

– Người bị yêu cầu dẫn độ có quyền kháng cáo, VKSND cùng cấp có quyền kháng nghị trong thời hạn 15 ngày, VKSND tối cao có quyền kháng nghị trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Tòa án nhân dân cấp tỉnh ra quyết định.Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải gửi hồ sơ và kháng cáo, kháng nghị cho Tòa án nhân dân tối cao trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

– Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ dẫn độ và kháng cáo, kháng nghị,Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị; Hội đồng xem xét phúc thẩm quyết định về việc dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ. Trình tự xem xét kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định dẫn độ của Tòa án nhân dân cấp tỉnh được thực hiện như trình tự xem xét dẫn độ tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền.

Bước 3: Thi hành quyết định dẫn độ

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định của Tòa án nhân dân về dẫn độ có hiệu lực pháp luật, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền ra quyết định thi hành quyết định dẫn độ. Quyết định thi hành quyết định dẫn độ phải được gửi cho VKSND cùng cấp, Bộ Công an, nước yêu cầu dẫn độ và người bị dẫn độ.

– Sau khi nhận được quyết định thi hành quyết định dẫn độ, cơ quan Công an có thẩm quyền tiến hành bắt người bị dẫn độ. Việc bắt người bị dẫn độ được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Hy vọng những thông tin Luật sư X cung cấp hữu ích với bạn đọc!

Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn của Luật sư X hãy liên hệ 0833102102

Mời bạn xem thêm: Dẫn độ tội phạm là gì?

Câu hỏi thường gặp

Tội phạm nghiêm trọng là gì?

Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù.

Tội phạm ít nghiêm trọng là gì?

Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.

Tội phạm là gì?

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm