Liên tục mấy ngày nay, vụ việc một bé trai bị bỏ quên trong xe đưa đón của trường quốc tế Gateway, việc này nhiều người đặt câu hỏi cho chất lượng của các trường mang mác “trường quốc tế”. Vậy trường quốc tế là gì? thủ tục thành lập trường quốc tế như thến nà Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu nhé!
Căn cứ pháp lý
- Luật doanh nghiệp 2014
- Luật giáo dục 2005 sửa đổi 2009
- Nghị đinh 86/2018/NĐ- CP
Nội dung tư vấn
1. Khái niệm trường quốc tế trong pháp luật Việt nam
Dù đã có rất nhiều các ngôi trường quốc tế được thành lập và được giới thiệu là một môi trường học tập tiên tiến, hiện đại với mức học phí cao ngất, nhưng trong các văn bản pháp luật hiện nay, không hề có quy định nào về trường quốc tế. Theo đó, cũng không có tiêu chuẩn cụ thể nào cho những ngôi trường này.
Theo Điều 48 của Luật Giáo dục hiện hành, các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân chỉ bao gồm:
– Trường công lập: Do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên;
– Trường dân lập: Do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động;
– Trường tư thục: Do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí bằng vốn ngoài ngân sách.
Trong Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 01/7/2020) cũng quy định 03 loại hình nhà trường tương tự như trên.
Vậy có thể thấy về chuẩn mực trường quốc tế trong pháp luật Việt Nam là không có, thậm chí pháp luật Việt Nam còn không công nhận trường quốc tế. Vậy những trường quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam như trường Gateway,…thực chất là trường như thế nào? Thực chất,các trường quốc tế hầu như được hoạt động dưới mô hình là các trường tư thục. Những trường này được gắn thêm tên “quốc tế” do có yếu tố nước ngoài; thường là có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài, hoặc cả hai. Trường quốc tế chỉ như tên riêng kiểu cha mẹ đặt cho con trong giấy khai sinh. Điều này khiến nhiều trường dựa vào danh xưng quốc tế để thu học phí cao. Chính việc không rõ ràng trong quản lý khiến phụ huynh dễ bị lừa.
2.Điều kiện thành lập trường phổ thông quốc tế ( trường tư thục có vốn đầu tư nước ngoài)
Vốn đầu tư
Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục phổ thông phải có suất đầu tư ít nhất là 50 triệu đồng/học sinh (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất, nhưng không thấp hơn 50 tỷ đồng
Đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% các mức quy định nêu các mục trên.
Về vốn đầu tư của Trường quốc tế Gateway là vốn đầu tư 100% vốn tư nhân. Trong đó, 4 cá nhân góp vốn là bà Trần Thị Hồng Vân (35,7%), bà Trần Thị Hồng Hạnh (35,7%), bà Nguyễn Thị Xuân Trang (14,3%) và bà Trần Thị Huyền (14,3%) với mức vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Có thể thấy vốn đầu tư của trường quốc tế Gateway là hoàn toàn là vốn Việt Nam không có yếu tố nước ngoài nào, và vốn điều lệ chỉ có 20 tỷ đồng.
Cơ sở vật chất, thiết bị
Trường tập trung tại một địa điểm, có môi trường tốt. Diện tích mặt bằng xây dựng trường được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh và đặc điểm vùng miền, với mức bình quân ít nhất là 06 m2/học sinh đối với khu vực thành phố, thị xã và 10 m2/học sinh đối với khu vực nông thôn;
Có diện tích dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm mức bình quân ít nhất là 2,5 m2/học sinh;
Có văn phòng nhà trường, ban giám hiệu, phòng giáo viên, phòng họp phù hợp;
Có phòng học bộ môn (đối với trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông), thư viện, bàn ghế, thiết bị, đồ dùng giảng dạy, bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Có phòng tập thể dục đa năng, phòng giáo dục nghệ thuật, phòng tin học, phòng hỗ trợ giáo dục học sinh tàn tật, khuyết tật học hòa nhập, phòng y tế học đường. Có nhà ăn, phòng nghỉ trưa nếu tổ chức học bán trú;
Có hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh phù hợp với quy mô của cơ sở giáo dục, bảo đảm các điều kiện về tiêu chuẩn theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Có sân chơi, bãi tập, khu để xe với diện tích ít nhất bằng 30% tổng diện tích mặt bằng của trường. Có tường bao quanh khu vực trường, có cổng trường với biển trường ghi rõ tên trường theo quy định tại Điều 29 Nghị định Nghị định 86/2018/NĐ-CP
Đặt tên trường phổ thông quốc tế
Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động dưới hình thức trường hoặc trung tâm và được đặt tên theo quy định sau:
a) Đối với trường, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng;
b) Đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trung tâm giáo dục hoặc đào tạo”, “Ngành hoặc nhóm ngành đào tạo chính” và tên riêng;
c) Đối với phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Phân hiệu”, “Tên cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài” và “tại tỉnh, thành phố”.
Tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài có tên giao dịch bằng tiếng Việt và tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh (hoặc bằng một ngôn ngữ nước ngoài thông dụng khác) với nội dung tương đương.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định việc đặt tên một số cơ sở giáo dục mang tính đặc thù.
Vậy có thể thấy, trong luật Việt Nam không thừa nhận trường nào mang tên quốc tế, như trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway cũng như nhiều trường quốc tế khác trên cả nước không hề được pháp luật công nhận là trường quốc tế. Từ “quốc tế” chỉ được gắn vào tên trường như một tên riêng, nhằm thu hút tuyển sinh và khẳng định đẳng cấp của trường.
3. Hồ sơ đề nghị bao gồm:
Để được cấp phép thành lập thì cơ sở giáo dục cần soạn thảo và hoàn thiện bộ hồ sơ hợp lệ, bao gồm:
- Đơn đề nghị cho phép thành lập cơ sở giáo dục theo quy định tại Nghị định 86/2018/NĐ-CP;
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
- Đề án thành lập cơ sở giáo dục theo quy định tại Nghị định 86/2018/NĐ-CP;
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu của văn bản chấp thuận cho thuê đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp xây dựng cơ sở vật chất (trong đó xác định rõ địa chỉ, diện tích, mốc giới của khu đất) hoặc thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn có phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 36 Nghị định 86/2018/NĐ-CP và các giấy tờ pháp lý liên quan;
- Kế hoạch về cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục hoặc dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bao gồm phần thuyết minh và thiết kế chi tiết cơ sở giáo dục;
- Văn bản chứng minh năng lực tài chính theo mức quy định tại Điều 35 Nghị định 86/2018/NĐ-CP.
4. Thủ tục xin phép thành lập
Nhà đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện đến:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với hồ sơ đề nghị cho phép thành lập: cơ sở giáo dục đại học; cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ đề nghị cho phép thành lập;
- Sở giáo dục và đào tạo đối với hồ sơ đề nghị cho phép thành lập: Cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trừ cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông quy định tại điểm a khoản 1 Điều 42 Nghị định 86/2018/NĐ-CP.
Trình tự cho phép thành lập được thực hiện như sau:
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và gửi hồ sơ xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan;
- Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc qua thư điện tử cho nhà đầu tư;
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được công văn xin ý kiến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan, đơn vị được hỏi ý kiến phải có văn bản trả lời;
- Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ lập báo cáo thẩm định hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều 40 Nghị định 86/2018/NĐ-CP xem xét, quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP;
- Trường hợp hồ sơ không được chấp thuận, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của cấp có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện cho nhà đầu tư, trong đó nêu rõ lý do.
Sau thời hạn 02 năm đối với cơ sở giáo dục quy định tại khoản 2 và 3 Điều 28 Nghị định 86/2018/NĐ-CP; 04 năm đối với cơ sở giáo dục quy định tại khoản 4 Điều 28 Nghị định 86/2018/NĐ-CP kể từ ngày quyết định cho phép thành lập có hiệu lực, nếu cơ sở giáo dục không được cho phép hoạt động giáo dục thì quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục hết hiệu lực.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Hi vọng bài viết hữu ích đối với bạn!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về Luật sư Doanh nghiệp tại Việt Nam.
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay. 0833102102