Thực tế, người lao động nghỉ ngang khi đang làm việc là điều khá phổ biến. Vậy trong trường hợp này, người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp? Hãy cùng tìm hiểu!
Căn cứ:
- Bộ luật Lao động năm 2012;
- Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
- Luật Việc làm năm 2013;
- Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số quy định của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp;
- Thông tư 28/2015/TT-BLĐRBXH hướng dẫn chi tiết một số quy định của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
Nội dung tư vấn:
1. Nghỉ ngang là gì?
Theo quy định của pháp luật, nhà làm luật không có định nghĩa về nghỉ ngang. Nghỉ ngang là một từ thông dụng được người lao động sử dụng để nói về việc nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trái với quy định của pháp luật.
Tùy thuộc vào loại hợp đồng đã giao kết, người lao động không đáp ứng đủ điều kiện về lý do và thời gian báo trước để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012.
2. Nghỉ ngang có phải là chấm dứt hợp đồng trái pháp luật?
Hiện nay, Bộ luật lao động có quy định về các trường hợp được coi là nghỉ việc hay còn gọi là chấm dứt hợp đồng lao động đúng với quy định pháp luật:
Thứ nhất, Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định dưới 12 tháng:
Với đối tượng này, người lao động cần có lý do thuộc các lý do được quy định tại Khoản 1 Điều 37 Bộ luật lao động 2012 như sau:
- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
- Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
- Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;
- Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;
- Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;
- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;
- Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.
Đồng thời, người lao động cần đáp ứng thời gian báo trước đối với hợp đồng này là 30 ngày để được coi là nghỉ việc đúng với quy định của pháp luật.
Thứ hai, Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn: Người lao động có thể chấm dứt hợp đồng lao động không cần xác định lý do. Tuy nhiên, họ cần phải đáp ứng điều kiện về thời hạn báo trước là 45 ngày.
Thứ ba, Các đối tượng khác được coi là nghỉ việc đúng quy định của pháp luật:
Trong các trường hợp sau, tuy không xuất phát từ ý chí của người lao động, nhưng việc người lao động cũng được coi là nghỉ việc đúng pháp luật:
- Người lao động bị sa thải theo quy định của pháp luật;
- Người lao động bị kỉ luật buộc thôi việc;
- Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động.
Đối với tất cả các trường hợp được nêu trên, khi nghỉ việc, người lao động được coi là nghỉ việc đúng với quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu bạn nghỉ việc hay chấm dứt hợp đồng lao động không thuộc các trường hợp trên sẽ được coi là nghỉ ngang, nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng trái quy định pháp luật.
3. Nghỉ ngang có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Căn cứ Điều 49 Luật việc làm 2013 quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp phải đáp ứng những điều kiện sau mới có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp:
- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (trừ các trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, HĐLV trái pháp luật; đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hằng tháng);
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn;
- Nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm;
- Chưa tìm được việc sau 15 ngày.
Khi đáp ứng đủ các điều kiện trên, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cũng có nghĩa rằng, nếu thiếu đi một trong các điều kiện trên, người lao động sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, nếu người lao động nghỉ ngang, nghỉ trái quy định của pháp luật mà không có quyết định thôi việc hoặc quyết định sa thải hay các giấy tờ khác về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc thì người lao động sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp do không đủ điều kiện hưởng.
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về lĩnh vực doanh nghiệp tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay