Xin chào luật sư. Anh của tôi hiện đang chấp hành án trong trại giam. Vì gây gổ với người trong trại nên bị giam vào buông kỷ luật. Vậy xin hỏi phạm nhân có được gặp người thân khi đang bị giam giữ tại buồng kỷ luật không? Khi nào anh tôi có thể ra khỏi buông kỷ luật? Sau bao lâu sẽ được gặp người nhà? Mong luật sư giải đáp giúp tôi.
Khi chấp hành án tại nơi thi hành án, phạm nhân cần tuân thủ các quy định pháp luật cũng như nội quy của trại giam. Nếu vi phạm tùy từng trường hợp sẽ bị kỷ luật. Hình thức kỷ luật nặng nhất áp dụng với họ là giam tại buông kỷ luật. Vậy khi bị kỷ luật như trên phạm nhân có được gặp thân nhân? Thời hạn giam giữ như thế nào? Bao lâu được ra khỏi buồng giam? Để giải đáp vấn đề này, Luật sư X xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết “Phạm nhân có được gặp người thân khi đang bị giam tại buồng kỷ luật?”. Mời bạn đọc cùng tham khảo để giải đáp câu hỏi trên nhé.
Căn cứ pháp lý
- Luật thi hành án hình sự 2019
- Nghị định 133/2020/NĐ-CP
- Thông tư 14/2020/TT-BCA
Phạm nhân được quy định như thế nào?
Phạm nhân là ai?
Phạm nhân theo nghĩa Hán Việt có nghĩa là người phạm tội.
Theo quy định của pháp luật hình sự có thể hiểu phạm nhân là người đã bị Toà án tuyên là đã có tội phải chịu hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân theo bản án có hiệu lực pháp luật.
Phạm nhân chấp hành hình phạt tù, cải tạo trong các trại giam hoặc là người bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án tử. Các đối tượng này bị hạn chế quyền tự do đi lại theo quy định. Trong cơ sở giam giữ họ sẽ được cải tạo, hưởng các chế độ theo quy định. Đối với người bị kết án tử hình, sẽ áp dụng các quy định riêng do tính chất nghiêm trọng.
Quyền và nghĩa vụ của phạm nhân theo quy định pháp luật
Quyền và nghĩa vụ của phạm nhân được quy định tại Điều 27 Luật thi hành án hình sự 2019. Theo đó:
Quyền của phạm nhân
a) Được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm. Được phổ biến quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân;
b) Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế. Gửi, nhận thư, nhận quà, tiền. Đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án;
c) Được tham gia hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ;
d) Được lao động, học tập, học nghề;
đ) Được gặp, liên lạc với thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân. Đối với phạm nhân là người nước ngoài được thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự;
e) Được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật;
g) Được bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo; được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
h) Được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;
i) Được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật;
k) Được khen thưởng khi có thành tích trong quá trình chấp hành án.
Nghĩa vụ của phạm nhân
a) Chấp hành bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự trong quá trình thi hành án hình sự và các quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ phạm nhân, các tiêu chuẩn thi đua chấp hành án;
c) Chấp hành yêu cầu, mệnh lệnh, hướng dẫn của cán bộ cơ sở giam giữ phạm nhân;
d) Lao động, học tập, học nghề theo quy định;
đ) Phạm nhân làm hư hỏng, làm mất hoặc hủy hoại tài sản của người khác thì phải bồi thường.
e)Phạm nhân có quyền và nghĩa vụ khác theo quy định
Phạm nhân có được gặp người thân khi đang bị giam tại buồng kỷ luật?
Gặp thân nhân là quyền của phạm nhân. Tuy nhiên để xử lý với hành vi vi phạm của phạm nhân, một số trường hợp họ sẽ bị hạn chế quyền này.
Căn cứ Khoản 1, 2, 3 Điều 43 Luật Thi hành án hình sự 2019. Việc xử lý phạm nhân vi phạm được thực hiện như sau:
“1. Phạm nhân vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân hoặc có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị kỷ luật bằng một trong các hình thức sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Giam tại buồng kỷ luật đến 10 ngày.
2. Trong thời gian bị giam tại buồng kỷ luật, phạm nhân không được gặp thân nhân và có thể bị cùm chân. Không áp dụng cùm chân đối với phạm nhân nữ, phạm nhân là người dưới 18 tuổi, phạm nhân là người già yếu.
3. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện quyết định kỷ luật phạm nhân bằng văn bản và lưu hồ sơ phạm nhân….”
Như vậy, phạm nhân bị đưa vào buồng kỷ luật sẽ không được được gặp thân nhân và có thể bị cùm chân theo quy định pháp luật.
Theo dõi đối với phạm nhân bị giam giữ tại buồng kỷ luật
Theo Khoản 2, 3 Điều 23 Nghị định 133/2020/NĐ-CP quy định vấn đề này như sau:
“2. Phạm nhân có quyết định kỷ luật phải có thời gian theo dõi, thử thách để công nhận đã cải tạo tiến bộ. Đối với hình thức kỷ luật khiển trách, thời gian theo dõi, thử thách là 01 tháng; đối với hình thức kỷ luật cảnh cáo, thời gian theo dõi, thử thách là 03 tháng; đối với hình thức giam tại buồng kỷ luật, thời gian theo dõi, thử thách là 06 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực thi hành, đối với hình thức giam tại buồng kỷ luật tính từ ngày được đưa ra khỏi buồng kỷ luật.
3. Trong thời gian theo dõi, thử thách mà phạm nhân không có vi phạm, thì khi hết thời hạn sẽ được công nhận đã cải tạo tiến bộ. Trường hợp đã thi hành được một nửa thời hạn trở lên mà không vi phạm, có quyết định khen thưởng, thì được xét, công nhận đã cải tạo tiến bộ trước thời hạn. Trường hợp lập công thì được xét, công nhận đã cải tạo tiến bộ ngay. Phạm nhân thường xuyên vi phạm bị giam giữ riêng thì thời gian theo dõi, thử thách để được công nhận đã cải tạo tiến bộ kể từ ngày đưa ra khỏi buồng giam giữ riêng.
Phạm nhân chưa được công nhận đã cải tạo tiến bộ, nếu tiếp tục có quyết định kỷ luật mới, thì thời hạn theo dõi, thử thách là tổng thời hạn theo dõi, thử thách của các quyết định kỷ luật cũ và mới. Trường hợp vi phạm chưa đến mức xử lý kỷ luật, thì có thể gia hạn thời gian theo dõi, thử thách 02 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn theo dõi, thử thách đang thi hành.”
Phạm nhân được ra khỏi phòng kỷ luật trước thời hạn khi nào?
Căn cứ Khoản 5 Điều 23 Nghị định 133/2020/NĐ-CP:
” Trong thời gian bị giam tại buồng kỷ luật, nếu phạm nhân nhận rõ sai phạm, ăn năn hối cải, quyết tâm sửa chữa, thì xem xét cho ra khỏi buồng kỷ luật trước thời hạn. Trường hợp ốm đau, bệnh tật hoặc sức khỏe yếu, thì lập biên bản, đưa ra ngoài điều trị, chữa bệnh, khi sức khỏe ổn định thì xem xét tiếp tục thi hành kỷ luật hoặc cho ra khỏi buồng kỷ luật trước thời hạn.”
Do đó nếu có thái độ chấp hành, tiến bộ, phạm nhân có thể không bị giam tới 10 ngày. Họ có thể được ra khỏi phòng kỷ luật sớm hơn thời hạn theo quyết định.
Phạm nhân bị giam giữ tại buông kỷ luật sau bao lâu được gặp người thân?
Theo Khoản 4 Điều 3 Thông tư 14/2020/TT-BCA:
” Phạm nhân vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì 02 tháng được gặp thân nhân 01 lần, mỗi lần không quá 01 giờ cho đến khi được Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện công nhận đã tiến bộ theo quy định.
Trường hợp phạm nhân bị kỷ luật không phải chịu thời gian thử thách để công nhận đã tiến bộ hoặc thời gian thử thách để công nhận đã tiến bộ ngắn hơn 02 tháng thì trong 02 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực phạm nhân được gặp thân nhân 01 lần không quá 01 giờ.
Phạm nhân đang bị giam tại buồng kỷ luật thì không được gặp thân nhân. Cơ sở giam giữ phạm nhân có trách nhiệm thông báo thời gian hạn chế gặp thân nhân cho phạm nhân và thân nhân phạm nhân biết để thực hiện.”
Theo quy định này thì thời gian gặp thân nhân của người bị giam tại buồng kỷ luật sẽ do cơ sở giam giữ quyết định sau khi người này chấp hành xong hình thức kỷ luật.
Thông tin liên hệ
Trên đây là tư vấn về “Phạm nhân có được gặp người thân khi đang bị giam tại buồng kỷ luật?”. Mong rằng các kiến thức trên có thể giúp ích cho bạn trong cuộc sồng hằng ngày. Hãy theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích. Và nếu quý khách có nhu cầu tìm hiểu về thủ tục cấp hộ chiếu tại Việt Nam; hoặc muốn sử dụng dịch vụ xác nhận tình trạng hôn nhân của chúng tôi. Mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.
Liên hệ hotline: 0833102102. Hoặc bạn có thể tham khảo thêm các kênh sau:
- FB: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Mời bạn xem thêm
- Lỗi vượt đèn đỏ rẽ phải bị phạt bao nhiêu tiền?
- Công an uống rượu bia lái xe gây tai nạn thì bị xử lý thế nào?
- Lỗi chuyển hướng không giảm tốc độ, không có đèn tín hiệu đối với xe máy
Câu hỏi thường gặp
Đối tượng được gặp phạm nhân gồm:
– Thân nhân được gặp phạm nhân: Ông, bà nội; ông, bà ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em ruột, dâu, rể; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột.
-Trường hợp đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác đề nghị được gặp phạm nhân thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân xem xét, giải quyết nếu xét thấy phù hợp với lợi ích hợp pháp của phạm nhân cũng như yêu cầu quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân và phòng, chống tội phạm
Mỗi lần đến gặp phạm nhân tối đa không quá 03 thân nhân, trường hợp đặc biệt do yêu cầu giáo dục cải tạo, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân có thể quyết định việc tăng số lượng thân nhân được gặp phạm nhân nhưng không quá 05 người và phải đảm bảo việc phạm nhân gặp thân nhân không làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn cơ sở giam giữ phạm nhân.
Phạm nhân vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì 02 tháng được gặp thân nhân 01 lần, mỗi lần không quá 01 giờ cho đến khi được Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện (sau đây gọi chung là Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân) công nhận đã tiến bộ theo quy định.