Phân biệt thời hiệu xử phạt và thời hiệu thi hành quyết định xử phạt hành chính

bởi NguyenDucThuan
thời hiệu xử phạt và thời hiệu thi hành quyết định xử phạt

Trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính hiện nay, một trong những vấn đề có tính nguyên tắc được đặt ra là phải tuân thủ tính chính xác; khách quan, công minh trong thực hiện thủ tục. Để đảm bảo nguyên tắc này, không thể không bàn đến việc thực hiện các quy định về thời hiệu xử phạt và thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Vậy, hai loại thời hiệu này khác nhau như thế nào?

Tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X.

Cơ sở pháp lý

Luật xử lí vi phạm hành chính 2012

Khái niệm

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là khoảng thời gian nhất định theo quy định của pháp luật; mà hết khoảng thời gian đó thì cá nhân; cơ quan nhà nước có thẩm quyền không được ban hành quyết định xử phạt; hoặc quyết định áp dụng các biện pháp hành chính khác đối với các đối tượng vi phạm. Thời hiệu xử lí vi phạm hành chính còn được hiểu là khoảng thời gian theo pháp luật quy định xác định hiệu lực pháp lí của các quyết định pháp luật được ban hành đúng thời hiệu.

Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt hành chính là khoảng thời gian do pháp luật quy định mà hết khoảng thời gian đó, cơ quan có thẩm quyền không được phép ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Theo ThS. Nguyễn Văn Quang, có thể hiểu thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là khoảng thời gian do pháp luật quy định trong đó cơ quan có thẩm quyền được phép tổ chức thực hiện nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Cơ sở pháp lý

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 điều 6 luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Theo đó, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là một năm trong trường hợp thông thường; thời hiệu là 02 năm đối với vi phạm hành chính xảy ra trong một số lĩnh vực.

Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Theo đó, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm; kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa; trừ trường hợp quyết định xử phạt có hình thức xử phạt tịch thu tang vật; phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả …

Khoảng thời gian của thời hiệu xử phạt và thời hiệu thi hành quyết định xử phạt

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện. Quy định này loại trừ các trường hợp sau:          

  • Một là, đối với một số loại vi phạm hành chính trong lĩnh vực như  “kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản; quản lý rừng, lâm sản; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; …. quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm” kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện.
  • Hai là, đối với cá nhân bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự mà có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án nếu có dấu hiệu vi phạm hành chính thì bị xử phạt hành chính; và thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý; xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định được quy định như sau: Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm. Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.

Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt

Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt hành chính được xác định là 1 năm; kể từ ngày ra quyết định, nếu quyết định xử phạt chưa được thi hành.

Tuy nhiên, thời hiệu này không được áp dụng trong trường hợp quyết định xử phạt có hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện thuộc loại cấm lưu hành; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp cần thiết để bảo vệ môi trường; bảo đảm giao thông, xây dựng và an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, đối với cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Quyết định được ban hành

Đối với thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, chủ thể có thẩm quyền sẽ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, Quyết định xử phạt hành chính là văn bản đưa ra các chế tài xử phạt cho những chủ thể có hành vi vi phạm quy định của pháp luật và ở trong mức độ phạt hành chính đối với những hành vi đó.

Đối với thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chủ thể có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn quy định.

Hậu quả pháp lý khi hết thời hiệu

Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm hành chính. Điều này cũng có nghĩa là tất cả các quyết định hành chính ban hành quá thời hiệu pháp luật quy định thì đương nhiên không có hiệu lực pháp lí.

Hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt, nếu cơ quan có thẩm quyền chưa thi hành quyết định xử phạt thì sẽ không được thi hành quyết định nữa do đã quá thời hiệu thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính 2015.

Ví dụ về thời hiệu xử phạt và thời hiệu thi hành quyết định xử phạt

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Năm 05/07/2020, anh A bị phát hiện vi phạm về an toàn giao thông đường bộ. Đến 10/07/2021, cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử phạt đối với hành vi vi phạm của anh A. Tuy nhiên, tại thời điểm này, anh A sẽ không bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính của mình nữa vì đã hết thời hiệu xử phạt theo quy định của pháp luật.

Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt. Vào 8/2018, đơn vị B bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón mức phạt là 100.000.000đ. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày ra quyết định thì quyết định này phải được thi hành; (tức là đến 8/2019). Hết thời hiệu này thì không thi hành quyết định xử phạt này đối với đơn vị B nữa.

Xuất phát từ vai trò của thời hiệu xử phạt và thời hiệu thi hành quyết định xử phạt, nên việc phân biệt hai loại thời hiệu này là cần thiết.

Liên hệ Luật sư X

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề: “Phân biệt thời hiệu xử phạt và thời hiệu thi hành quyết định xử phạt hành chính. Để sử dụng dịch vụ của chúng tôi mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.

Liên hệ hotline: 0833102102

  1. FaceBook: www.facebook.com/luatsux
  2. Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
  3. Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux

Câu hỏi thường gặp

Thời hiệu là gì?

Theo khoản 1 Điều 149 Bộ luật dân sự 2015:
Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.
Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.

Vi phạm hành chính là gì?

Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện; vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước; mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Xử phạt vi phạm hành chính là gì?

Xử phạt vi phạm hành chính là hoạt động cưỡng chế hành chính cụ thể mang tính quyền lực nhà nước phát sính khi có vi phạm hành chính; biểu hiện ở việc áp dụng các chế tài hành chính do các chủ thể có thẩm quyển thực hiện theo quy định của pháp luật.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm