Mùa “thu”, mùa khai trường là nỗi ám ảnh với biết bao cha mẹ học sinh vì những khoản đóng góp cho sự nghiệp học tập của con cái. Không ít những khoản thu lại là tự nguyện đóng góp do ban đại diện cha mẹ học sinh chủ động quyên góp. Liệu pháp luật có cho phép làm vậy hay không?
Căn cứ:
- Thông tư 55/2011/BGDĐT
- Công văn 2794/BGDĐT-KHTC
Nội dung tư vấn
Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ là cánh tay nối dài của nhà trường để “tận thu” những khoản đóng góp của phụ huynh. Thực ra không phải như vậy. Ban đại diện cha mẹ học sinh được lập ra nhằm giúp đỡ việc liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh, nâng cao chất lượng giáo dục. Pháp luật cũng có những quy định cụ thể về việc hoạt động của tổ chức này trong thông tư 55/2011/BGDĐT.
Về các khoản đóng góp, pháp luật đã có quy định cấm ban đại diện cha mẹ học sinh tự ý quyên góp các khoản thu đặc thù như sau (theo thông tư 55/2011/BGDĐT)
Điều 10. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh
4. Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học:
a) Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.
b) Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Như vậy, với các khoản không ủng hộ theo nguyên tắc tự nguyện và các khoản sau thì Ban đại diện sẽ không được thu:
- Bảo vệ cơ sở vật chất và an ninh của trường
- Trong coi phương tiện giao thông của học sinh
- Vệ sinh trường lớp
- Khen thưởng giáo viên, nhân viên của trường
- Mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ nhà trường
Phụ huynh cũng không có nghĩa vụ phải đóng góp nếu không tự nguyện (theo thông tư 55/2011/BGDĐT)
Điều 8. Trách nhiệm và quyền của cha mẹ học sinh
2. Quyền của cha mẹ học sinh
c) Từ chối ủng hộ khi được Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường đề xuất các khoản ủng hộ, nếu bản thân không tự nguyện.
d) Thực hiện hoặc không thực hiện những nội dung chưa được thống nhất ý kiến trong cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh hoặc cuộc họp Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người vẫn có tâm lý sợ “há miệng mắc quai”, e ngại con mình bị trù dập nên đành cắn răng rút ví ủng hộ dù không muốn. Điều này là không nên, tạo điều kiện cho một số đơn vị lạm thu, gây ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng giáo dục, tạo dư luận không tốt trong tương lai.
Đừng ngần ngại nêu ý kiến của bản thân nếu thấy các khoản thu sai nhé. Pháp luật đứng về phía chúng ta cơ mà!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ ly hôn tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102