Trợ cấp thất nghiệp được xem là giải pháp hữu ích cho người lao động không có việc làm. Dưới đây là quy định, điều kiện và mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Căn cứ:
- Bộ luật lao động 2012
- Nghị định 44/2013/NĐ-CP
- Luật việc làm 2013
- Nghị định 28/2015/NĐ-CP
- Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH
Nội dung tư vấn
1.Bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Khoản 4 Điều 3 Luật việc làm 2013 quy định bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
2. Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm 2013, cả người lao động và người sử dụng lao động đều có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn
- Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Trường hợp người lao động có nhiều hợp đồng lao động thì tham gia BHTN tại nơi ký hợp đồng lao động giao kết đầu tiên
Trường hợp người lao động kđang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởn trợ cấp BHXH thì không thuộc đối tượng tham gia BHTN trong thời gian này
3. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Điều 57 Luật việc làm 2013 quy định
Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng của người lao động và người sử dụng lao động như sau:
- Người lao động đóng 1% tiền lương tháng;
- Người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Ví dụ: Anh A kí hợp đồng lao động với công ty B, với mức tiền lương tháng là 5.600.000 đồng. Vậy anh A phải đóng số tiền bảo hiểm thất nghiệp là 1% của tiền lương là 5.600.000 là 56.000 đồng
4. Điều kiện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp:
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
- Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp:
- Từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động xác định thời hạn/không xác định thời hạn;
- Từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;
Lưu ý: Tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại Điều 46 Luật việc làm 2013
Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp sau đây:
- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
- Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Chết.
5. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
Hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động thực hiện theo chế độ tiền lương do DN quyết định.
6. Thời gian tính bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định pháp luật, người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng cho đền 36 tháng thì được hưởng 03 tháng bảo hiểm thất nghiệp, từ năm thứ tư trở đi mỗi một năm đủ 12 tháng được hưởng thêm 01 tháng bảo hiểm thất nghiệp nữa nhưng tối đa không quá 12 tháng. Cụ thể:
- Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 1 năm đến đủ 3 năm = 03 tháng thất nghiệp.
- Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 4 năm = 04 tháng thất nghiệp.
- Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 5 năm = 05 tháng thất nghiệp.
- Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 năm = 12 tháng thất nghiệp.
- Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 năm trở lên = 12 tháng thất nghiệp.
Ví dụ: Bà A đóng BHTN 50 tháng với lương bình quân 6 tháng cuối cùng là 4.000.000đ
Thời gian được hưởng BHTN của ông A:
- 36 tháng BHTN đầu tiên => được hưởng 3 tháng trợ cấp
- 12 tháng BHTN tiếp theo => được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp
- số tháng còn dư là 2 tháng BHTN => cộng dồn vào lần hưởng BHTN sau.
Mức hưởng trợ cấp TN hàng háng của ông A là: 4.000.000đ x 60% = 2.400.000đ
7. Nơi hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Người lao động nhận bảo hiểm thất nghiệp tại cơ quan bảo hiểm xã hội quận/huyện theo nơi đăng ký ban đầu.
Trường hợp đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp mà có nhu cầu thì người lao động có thể chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
Bất cứ người lao động hay người sử dụng lao động nào cũng nên biết đến những thông tin nêu trên để bảo vệ quyền lợi cho chính bản thân và doanh nghiệp mình.
Mong bài viết hữu ích với các bạn.
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay