Quyền im lặng là gì?

bởi Luật Sư X
Quyền im lặng là gì?
“Anh có quyền giữ im lặng, mọi lời anh nói có thể được dùng để chống lại anh trước tòa,….” đây là một câu nói mà bất cứ người cảnh sát nào ở Mỹ cũng thuộc lòng. Chắc hẳn nhiều người cũng sẽ nhận ra câu nói quen thuộc này, nhất là đối với những fan của thể loại phim hình sự, trinh thám của Mỹ. Tuy nhiên, sẽ không có nhiều người biết được nguồn gốc hình thành cũng như bản chất thực sự của những câu nói này. Vậy câu nói này là gì, nó có liên quan thế nào tới “quyền im lặng”? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Căn cứ:

  • Bộ luật tố tụng dân sự 2015
  • Tu chính án số 5 của Hiến pháp Hoa Kỳ 

Nội dung tư vấn

1. Quyền im lặng (hay còn được gọi là quyền Miranda) bắt nguồn từ đâu?

Vụ án hình sự của Miranda tại bang Arizona, Hoa Kỳ vào năm 1966 là khởi nguồn cho những nguyên tắc cơ bản của “quyền im lặng” trong nền luật pháp hiện đại của Hoa Kỳ cũng như luật pháp của nhiều nước trên thế giới. Vì giới hạn nội dung của bài viết, tác giả xin được phép tóm tắt vụ kiện Miranda một cách ngắn gọn như sau.

Ngày 13/3/1963, nghi phạm Miranda Ernesto, 22 tuổi, vốn là một kẻ vào tù ra tội đã bị cảnh sát hạt Phonix, Mỹ bắt giữ để thẩm vấn khi bị người anh trai của một nữ nạn nhân trong vụ án hiếp dâm tố cáo. Sau quá trình thẩm vấn tại cơ quan cảnh sát, mà sau này được Tòa án tối cao Hoa Kỳ kết luận rằng đã có sự ép cung đối với người bị thẩm vấn. Miranda đã nhận tội và lời khai nhận tội của Miranda được anh viết vào một tờ giấy được cảnh sát đưa cho có sẵn dòng ghi chú  “…Lời khai của tôi hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện và tự do ý chí, tôi không hề bị đe dọa, ép buộc hoặc được hứa hẹn vô tội, tôi nhận thức đầy đủ về quyền lợi hợp pháp của mình và hiểu rằng bất cứ phát ngôn nào của tôi đều có thể và sẽ được dùng để chống lại tôi”.

Vào thời điểm đó, sẽ chẳng ngạc nhiên khi Miranda đã bị tòa án hạt Phonix và Tòa án tối cao bang Arizona kết án về tội hiếp dâm và tuyên phạt 30 năm tù. Tuy nhiên, lịch sử của nền pháp luật hình sự Hoa Kỳ đã có một bước ngoặt lớn kể từ thời điểm các luật sư bào chữa cho Miranda kiên quyết kháng cáo đối với bản án sơ thẩm. Sau khi xem xét lại toàn bộ vụ án, cùng sự biện hộ của các luật sư, Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã kết luận thủ tục bắt giữ và thẩm vấn Miranda đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, xâm phạm tới quyền lợi chính đáng của một công dân. Vì lẽ, theo Tu chính án số 5 của Hiến pháp Hoa Kỳ nêu rằng:

“….không một ai bị ép buộc phải làm chứng chống lại bản thân mình trong một vụ án hình sự và bị tước đoạt sinh mạng, tự do hoặc tài sản, nếu không qua một quá trình xét xử theo đúng luật; không một tài sản tư hữu nào bị trưng dụng vào việc công mà không được bồi thường thích đáng.

Theo những gì Tòa án tối cao Hoa Kỳ nhận định, trong quá trình bắt giữ Miranda, anh không hề được thông báo về quyền lợi chính đáng mà anh ta xứng đang được tôn trọng theo Hiến pháp Hoa Kỳ. Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ Earl Warren viết trong phán quyết rằng một người bị bắt giữ trước khi bị thẩm vấn phải được thông báo một cách rõ ràng rằng họ có quyền giữ im lặng và bất kỳ điều gì người đó nói ra sẽ được sử dụng để chống lại người đó trước Tòa án. Người đó phải được thông báo rõ ràng rằng anh ta có quyền tư vấn với luật sư và có quyền có luật sư bên cạnh mình trong khi thẩm vấn và rằng nếu người đó là người nghèo, anh ta sẽ được chỉ định một luật sư đại diện. Phán quyết của Toà án tối cao Mỹ lật ngược bản bán của Tòa án Tối cao bang Arizona, và cho rằng Miranda không phạm tội cưỡng dâm. Phán quyết cũng khẳng định rằng chỉ khi nghi phạm được thông báo một cách rõ ràng và dứt khoát về những quyền hiến định của họ trước khi thẩm vấn thì những lời khai của họ mới được chấp nhận. 

Và cũng kể từ sự kiện này, ngành cảnh sát Hoa Kỳ cũng đưa ra một bộ quy tắc chung cho quá trình bắt giữ các nghi phạm hình sự. Trong đó quy định việc đầu tiên mỗi khi cảnh sát thực hiện việc bắt giữ một người khác đó là phải nêu ra những quyền lời chính đáng theo pháp luật họ xứng đáng được nhận, cụ thể đó là quyền được giữ im lặng và quyền được có luật sư. 

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra, quay ngược bánh xe lịch sử về thời La mã cổ đại, nhiều học giả, luật gia trên thế giới cũng có những nghiên cứu chỉ ra rằng khi “quyền im lặng” đã xuất hiện trong pháp luật của nhà nước La Mã. Xuất phát từ nguyên tắc của người La Mã và được sử dụng trong lĩnh vực dân sự, thương mại khi ở đó người ta khẳng định “trách nhiệm chứng minh thuộc bên khẳng định chứ không phải bên phủ định”, tức là người buộc tội sẽ phải chứng minh hành vi phạm tôi và người bị buộc tội sẽ không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội. Nhưng ở thời kỳ đó, chế định này có thiên hướng bảo vệ giới tinh hoa, giai cấp thống trị nhiều hơn so với quyền im lặng trong nền pháp luật hiện đại, khi quyền im lặng bảo vệ những quyền cơ bản của tất cả mọi người dưới sự điều chỉnh của pháp luật. 

Có thể thấy, ngày nay, với xu hướng phát triển ngày càng văn mình, hiện đại của nhân loại, những tiến bộ của nền pháp luật tiên tiến dần được áp dụng một cách rộng rãi và được nhiều quốc gia áp dụng. Pháp luật Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó của thời đại.  2. Quyền im lặng trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam

Nếu dựa trên các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết trong quá khứ, có thể thấy rằng Việt Nam đã công nhận quyền im lặng thông qua “Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị của Liên Hợp Quốc năm 1966” mà Việt Nam đã tham gia ký kết vào năm 1982. Cụ thể tại điểm g, khoản 3 Điều 14 Công ước này quy định quá trình xét xử về một tội hình sự, mọi người đều có quyền được hưởng một cách đầy đủ và hoàn toàn bình đẳng những đảm bảo tối thiểu sau đây: “Không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội.”

Tuy nhiên thực tiễn trong quá trình lập pháp và áp dụng pháp luật tại Việt Nam, phải tới bản Hiến pháp 2013 mới lần đâu tiên đề cao việc bảo vệ, tôn trọng quyền con người. Để cụ thể hóa Hiến pháp trong công tác tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 nêu ra một số nguyên tắc, một trong số đó là nguyên tắc suy đoán vô tội và “quyền im lặng” là nội hàm của nguyên tắc này. Dù trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 không quy định trực tiếp về quyền im lặng tại một điều luật cụ thể nào. Tuy nhiên, dựa trên tinh thần của nguyên tắc suy đoán vô tội và những đặc điểm cơ bản của quyền im lặng được pháp luật quốc tế công nhận, các nhà lập pháp đã gián tiếp quy định về quyền im lặng giải rác tại nhiều điều luật khác nhau. Cụ thể tại điểm c khoản 2 Điều 59; điểm d khoản 2 Điều 60; điểm h khoản 2 Điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 lần lượt quy định về người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.”

Để củng cố thêm cho việc áp dụng nguyên tắc suy đoán đoán vô tội và quyền im lặng, tại khoản 2 Điều 98 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:

2. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án.

Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội.

Như vậy, bên cạnh việc bị can, bị cáo không phải khai những lời khai buộc tội chống lại mình, thì với quy định này, còn nhằm mục đích quy định nghĩa vụ chứng minh hành vi phạm tội của bị can, bị cáo thuộc về phía cơ quan điều tra. Thúc đẩy cơ quan điều tra phải tìm ra những chứng cứ thuyết phục để chứng minh hành vi phạm tội dựa trên sự thật khách quan. Lời nhận tội của bị can, bị cáo sẽ chỉ được xem xét là một chứng cứ để buộc tội bị can, bị cáo nếu lời khai đó phù hợp với những lời khai khác của những người làm chứng hoặc phù hợp với những chứng cứ khác qua các biện pháp điều tra hiện trường, giám định hiện trường,….

Tuy xung quanh vấn đề về quyền im lặng trong tố tụng hình sự vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, khi cho rằng quyền im lặng đôi khi là cản trở quá trình tìm ra sự thật khách quan, cản trở quá trình tố tụng dẫn tới khả năng bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, với quan điểm cá nhân của tác giả, cũng đồng thời là quan điểm của đa số những chuyên gia đều đồng tình rằng việc áp dụng quyền im lặng của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ trong các vụ án hình sự là một sự tiến bộ to lớn của pháp luật Việt Nam, phù hợp với xu hướng phát triển pháp luật quốc tế. Bên cạnh đó, cũng cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 49-NQ/TW về cải cách tư pháp của bộ chính trị. Có thể chỉ ra những điểm tích cực của quyền im lặng đối với hoạt động tố tụng và những người liên quan trong hoạt động tố tụng đó là:

Ngăn chặn tình trạng bức cung, nhục hình 

Phải nhìn nhận một cách thực tế rằng tại Việt Nam, hiện tượng bức cung, nhục hình diễn ra khá phổ biến trong quá khứ. Tuy đã có chiều hướng thuyên giảm trong những năm gần đây nhưng phần nào đó vẫn còn tồn tại ở một số nơi, khi vẫn còn tình trạng đánh đập, đe dọa bị can, bị cáo, người bị tạm giữ. Đây là những hành vi trái pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người và có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng đối sức khỏe, tính mạng của người bị bức cung, nhục hình. Việc phổ biến kiến thức về pháp luật, những quyền con người chính đáng tới đông đảo người dân cũng như việc giáo dục chính trị, đào tạo phẩm chất, kỹ năng nghề nghiệp của các cán bộ điều tra về quyền im lặng và nguyên tắc suy đoán vô tội sẽ giúp cho tình trạng oan sai trong các vụ án hình sự được cải thiện phần nào.

Áp dụng quyền im lặng của nghi can là để nâng cao nghiệp vụ điều tra, truy tố, xét xử 

Khi bị can, bị cáo thực hiện quyền im lặng đồng nghĩa với việc cơ quan điều tra sẽ phải tích cực và nỗ lực hơn trong công tác điều tra, khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, lời khai của nhân chứng. Đồng thời, cán bộ điều tra sẽ góc nhìn khách quan hơn khi xem xét đánh giá chứng cứ để từ đó tìm ra hướng điều tra đúng đắn, xác định được sự thật khách quan xoay quanh vụ án. Ở một khía cạnh khác khi dựa trên những phân tích về tâm lý học tội phạm thấy rằng, người vô tội nói sự thật, thể hiện sự vô tội của mình thông qua sự im lặng và đợi sự tư vấn của luật sư, trong khi những tên tội phạm thì thường có những hành vi chối tội, khai man dẫn tới việc bế tắc trong quá trình điều tra vụ án. Do đó, quyền im lặng có vai trò giúp nâng cao nghiệp vụ điều tra, truy tố, xét xử.

Loại trừ được những oan sai

Quyền im lặng xuất phát từ trạng thái phòng vệ theo lẽ tự tự nhiên của con người, nhất là trong những tình huống khi lằn ranh giữa đúng và sai, giữa có tội và vô tội rất mong manh. Nhất là trong bối cảnh pháp luật hiện hành tại Việt Nam thường thay đổi liên tục. Bên cạnh đó còn nhiều thiếu sót, mẫu thuẫn pháp luật và tồn tại nhiều kẽ hở dẫn tới những cách hiểu và giải thích phát luật khác nhau. Do đó, quyền im lặng sẽ có vai trò hữu ích trong những tình huống như vậy, khi mà pháp luật còn chưa hoàn chỉnh và những người tham gia tố tụng còn chưa thống nhất được quan điểm với nhau. Lúc này, nguyên tắc suy đoán vô tội sẽ thể hiện vai trò của mình trong việc phòng ngừa oan sai khi cơ quan tiến hành tố tụng xét thấy chưa đủ chứng cứ, chứng minh người bị tình nghi có tội thì phải suy diễn những chứng cứ đó theo hướng có lợi cho người bị buộc tội.

Quyền im lặng là nội hàm của quyền con người- một quyền cơ bản được hiến pháp công nhận và được pháp luật tố tụng hình sự cụ thể hóa bằng những quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Quyền im lặng trong pháp luật tố tụng hình sự là hết sức cần thiết nhằm tránh hiện tượng oan sai, bức cung, nhục hình, các sai phạm trong tố tụng hình sự của các chủ thể tiến hành tố tụng. Do đó, hy vong qua bài viết này, Luật sư X hy vọng đã truyền tải được tới quý độc giả những kiến thức bộ ích liên quan đến quyền im lặng, qua đó giúp mọi người sẽ hiểu hơn về nó và có thể áp dụng vào thực tế bản thân khi cần thiết.

Thông tin liên hệ Luật Sư X

Trên đây là nội dung tư vấn về Quyền im lặng là gì? Mọi thắc mắc về thủ tục pháp lý có liên quan. Quý khách vui lòng liên hệ Luật Sư X để được hỗ trợ, giải đáp. Gọi ngay cho chúng tôi qua hotline: 0833.102.102.
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm