Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc sống thử là một hiện tưởng rất phổ biến của giới trẻ. Nhiều ý kiến biện hộ cho rằng việc sống thử cũng có những mặt tích cực đối với những bạn trẻ. Tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua những ý kiến với góc nhìn, đánh giá tiêu cực cho vấn đề này. Về mặt pháp lý, nhiều câu hỏi được đặt ra về việc nam nữ sống thử với nhau có được pháp luật công nhận là vợ chồng? Hãy cùng Luật sư X tìm kiếm câu trả lời trong bài viết sau đây.
Căn cứ:
- Bộ luật dân sự 2015
- Luật hôn nhân và gia đình 2014
Nội dung tư vấn
1. Sống thử có được pháp luật công nhận không?
Việc đăng ký kết hôn là một việc làm quan trọng và thiêng liêng đối với những cặp đôi yêu mến nhau. Qua việc đăng ký kết hôn, họ chính thức xác lập mối quan hệ vợ chồng và được pháp luật công nhận đối với mối quan hệ đó. Đồng thời, gắn cho mình những quyền lợi và nghĩa vụ đối với nhau về tài sản, con cái, cuộc sống hàng ngày,…. Pháp luật quy định và khuyến khích việc các cặp đôi nam nữ đăng ký kết hôn một cách hợp pháp. Bên cạnh đó, cũng quy định việc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng dù có đủ điều kiện để đăng ký kết hôn nhưng không thực hiện việc đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận tư cách vợ chồng đối với mối quan hệ đó. Cụ thể tại khoản 1 Điều 14 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.
Do pháp luật hôn nhân và gia đình hiện nay chỉ bảo vệ những mối quan hệ hôn nhân hợp pháp khi nam nữ yêu nhau, đáp ứng đầy đủ những điều kiện kết hôn và thực hiện việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do vậy, những trường hợp sống thử hiện nay không được pháp luật công nhận nên có thể dẫn đến những hệ lụy và tranh chấp sau này.
2. Những mối quan hệ pháp luật xung quanh việc sống thử
Mối quan hệ về con cái
Những đứa trẻ sinh ra xứng đáng được cả bố và mẹ đón nhận bằng niềm hạnh phúc và tình yêu thương. Bởi vậy, không vì lý do không được pháp luật công nhận mà phủ nhận quyền của cha và mẹ của đứa trẻ mới được chào đời. Những đứa trẻ sinh ra trong quá trình sống thử nếu được cả cha và mẹ công nhận thì pháp luật quy định mối quan hệ giữa cha mẹ và con sẽ được pháp luật hôn nhân và gia đình điều chỉnh. Những đứa trẻ sẽ được hưởng trọn vẹn những quyền như được khai sinh, được hưởng những quyền lợi như bao đứa trẻ khác. Cụ thể căn cứ theo Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình quy định như sau:
Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
Mối quan hệ về tài sản
Trong quan hệ hôn nhân được pháp luật công nhân, chế độ tài sản của vợ chồng sẽ được điều chỉnh theo pháp luật hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, đối với những trường hợp sống thử, do không được pháp luật công nhận là hôn nhân hợp pháp, vì vậy về vấn đề tài sản sẽ được pháp luật dân sự điều chỉnh. Cụ thể tại Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình quy định như sau:
1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Vấn đề chia tài sản thuộc sở hữu chung đối với nam nữ sống chung mà không đăng kí kết hôn theo điều 219 Bộ luật dân sự trên như sau:
- Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.
- Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả.
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về pháp luật ly hôn tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay