Ở Việt Nam, hàng năm có 1,2 tới 1,6 triệu trẻ em được sinh ra. Nhưng bên cạnh đó có có tới 500 ngàn tới 700 ngàn ca nạo phá thai được diễn ra. Tức cứ 2 trẻ em được sinh ra thì có 1 bào thai bị tước bỏ. Điều đáng buồn hơn nữa, trong tổng số hàng trăm ngàn vụ phá thai đó, tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên chiếm tới gần 20%. Đó chỉ là những con số thống kê được công báo, nhưng trong thực tế tình trạng có thể diễn biến nghiêm trọng hơn rất nhiều. Có thể nhận thấy được nguyên nhân của thực trạng đáng lo ngại nêu trên xuất phát từ sự nhận thức của người dân, đặc biệt là những người trẻ chưa được hoàn thiện. Bên cạnh đó, cũng một phần lớn do những quy định pháp luật về thai nhi nói riêng và tình trạng nạo phá thai nói chung chưa được rõ ràng, hoàn chỉnh. Qua bài viết này, Luật sư X sẽ chia sẻ từ góc nhìn qua lăng kính pháp luật về vấn đề thai nhi và rằng liệu thai nhi có được coi là con người tại Việt Nam hay không.
Căn cứ:
- Bộ Luật hình sự 2015 sừa đổi bổ sung 2017
- Bộ Luật dân sự 2015
- Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989
- Nghị định 176/2013/NĐ-CP
- Tuyên ngôn về quyền trẻ em năm 1959
- Công ước về quyền trẻ em năm 1989
- Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966
Nội dung tư vấn
1. Định nghĩa về thai nhi về mặt sinh học
Thông qua nhiều nghiên cứu sinh học về quá trình phát triển của con người nói chung và của thai nhi nói riêng. Các nhà sinh học đã định nghĩa thai nhi đủ tháng là một thai phát triển bình thường trong tử cung có thời gian từ tuần thứ 38 cho đến hết tuần thứ 41 (trung bình là 40 tuần nghĩa là 280 ngày). Cấu trúc giải phẫu gần giốngvà đầy đủ như người lớn. Cơ thể được chia làm ba phần : đầu, thân và chi. Thai nhi đủ tháng có trọng lượng từ 2500 gam trở lên. Các chức năng sinh lý của các cơ quan của cơ thể cơ bản đã trưởng thành và có thể thích ứng với cuộc sống độc lập ngoài cơ thể mẹ sau khi sinh. Tuy nhiên, vẫn chưa phải là một con người hoàn chỉnh đúng nghĩa.
2. Từ góc nhìn của luật pháp quốc tế
Thực tế rằng, tình trạng nạo phá thai là một vấn nạn chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Nó là vấn đề nhức nhối ở ngay cả các quốc gia có tri thức và nền kinh tế phát triển ở trình độ cao như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đức,…. Do vậy, pháp luật quốc tế đã sớm có những quy định về bảo vệ quyền lợi của trẻ em ngay từ khi đang còn nằm trong bụng mẹ, tức còn là một thai nhi. Cụ thể tại Tuyên ngôn về quyền trẻ em năm 1959, nguyên tắc 4 đã nêu: “Trẻ em phải được hưởng những lợi ích về an sinh xã hội. Trẻ phải được trưởng thành và phát triển trong môi trường sức khỏe: để đạt được điều này, phải có sự chăm sóc và bảo vệ đặc biệt cho cả trẻ và mẹ của trẻ, đầy đủ trước và sau khi sinh. Trẻ có quyền được hưởng các dịch vụ đầy đủ về dinh dưỡng, nhà ở, giải trí và y tế”.
Kế thừa tinh thần của Tuyên ngôn về quyền trẻ em năm 1959, trong lời nói đầu của Công ước về quyền trẻ em năm 1989 đã nêu: “do còn con nớt về thể chất và trí tuệ, trẻ em cần phải được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau sinh ra đời”. Khoản 2 Điều 6 Công ước về quyền trẻ em năm 1989 quy định: “Các Quốc gia thành viên phải bảo đảm đến mức tối đa có thể được sự sống còn và phát triển của trẻ em„. Theo đó, nhìn nhận quyền sống của trẻ em dưới góc độ bảo đảm điều kiện tồn tại của trẻ em gắn chặt với điều kiện phát triển của trẻ em ở nghĩa rộng, toàn diện hơn. Điều này không chỉ nhằm bảo vệ quyền sống của thai nhi mà còn cho thai nhi điều kiện được chăm sóc đặc biệt để bảo đảm cho thai nhi sự phát triển đầy đủ, toàn diện, về mọi mặt.
Trên đây là những quy định của luật pháp quốc tế về việc bảo vệ trực tiếp đối với thai nhi ở trong bụng mẹ. Bên cạnh đó, thông qua quy định tại Khoản 5 Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 quy định: “Không được phép tuyên án tử hình với người phạm tội dưới 18 tuổi và không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai”.
Pháp luật quốc tế đã gián tiếp bảo vệ thai nhi thông qua các biện pháp bảo vệ, khoan hồng với người mẹ mang thai. Qua đó, tạo điều kiện cho thai nhi được sống và được bảo vệ tối đa để chào đời.
3. Nhìn về các quy định của pháp luật Việt Nam
Ở Việt Nam, pháp luật không quy định và công nhận thai nhi có tư cách là một con người cho tới khi thai nhi đó được sinh ra và còn sống. Bằng chứng là việc pháp luật hình sự hiện hành không quy định và coi hành vi phá thai, đe dọa, dùng vũ lực ép buộc hoặc tiếp tay cho hành vi phá thai là hành vi giết người. Mặt khác, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989 dù đã được ban hành 30 năm nay nhưng vẫn còn hiệu lực vì chưa có văn bản nào được ban hành thay thế, đã công nhận quyền của người phụ nữ đó là được phá thai theo nguyện vọng.
Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, pháp luật Việt Nam cũng có những quy định về việc bảo vệ thai nhi. Thông qua đó, chúng ta có thể thấy được pháp luật phần nào gián tiếp công nhân thai nhi có những quyền con người cơ bản. Theo đó, trong lĩnh vực pháp luật dân sự, Bộ Luật dân sự 2015 quy định thai nhi sẽ được hưởng những quyền về tài sản trong một số trường hợp nhất định. Cụ thể điểm a khoản 2 Điều 593 quy định về việc thai nhi sẽ được hưởng tiền cấp dưỡng khi cha, mẹ hoặc những người nuôi dưỡng khi thai nhi được sinh ra bị thiệt hại về tính mạng như sau:
“2. Trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng từ thời điểm người có tính mạng bị xâm phạm chết trong thời hạn sau đây:
a) Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân.
Ngoài ra, thai nhi cũng được hưởng thừa kế theo quy định tại Điều 613 quy định như sau: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết”. Bên cạnh đó khoản 1 Điều 660 quy định: “Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.”
Thông qua các quy định của pháp luật hình sự, Bộ Luật hình sự 2015 sừa đổi bổ sung 2017 cũng có rất nhiều quy định tại Điều 36, Điều 40, Điều 51, Điều 52, Điều 67… nhằm bảo vệ quyền lợi của những thai nhi đang còn nằm trong bụng mẹ tránh khỏi những nguy cơ bị xâm hại của những hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời có những chế tài xử phạt mạnh tay hơn, gia tăng khung hình phạt và xác định tình tiết tăng nặng đối với trường hợp xâm phạm đến phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó, cũng theo tinh thần của pháp luật quốc tế khi quy định không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai (Điều 40) và đồng thời coi người phạm tội đang trong tình trạng có thai là một tình tiết giảm nhẹ (Điều 51).
Hơn nữa, theo quy định tại căn cứ theo Điều 84 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính đối với các cơ sở y tế, bệnh viện thực hiện hành vi nạo phá thai trái phép như sau:
Điều 84. Hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đến 7.000.000 đồng với hành vi dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính
3. Phạt tiền từ 7.000.000 đến 10.000.000 đồng với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đến 12.000.000 đồng với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
5. Phạt tiền từ 12.000.000 đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây
a) Cung cấp hóa chất, thuốc để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính;
b) Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp khác để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
6. Phạt tiền từ 15.000.000 đến 20.000.000 đồng với hành vi phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính
4. Thai nhi có phải trẻ em không?
Từ những quy định pháp luật nêu trên, có thể thấy hệ thống pháp luật Việt Nam xung quanh vấn đề về thai nhi đang tồn tại những sự mâu thuẫn, đối lập. Do vậy, để kết luận việc thai nhi có phải trẻ em không? Thai nhi được hưởng những quyền gì?…. thiết nghĩ cần phải có sự vào cuộc nghiêm túc của những cơ quan lập pháp và những người có thẩm quyền nhằm xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh về thai nhi. Để từ đó, sẽ có những biện pháp bảo vệ hiệu quả đối với thai nhi, tạo điều kiện cho thai nhi được chăm sóc và nuôi dưỡng bằng điều kiện tốt nhất khi ở trong bung mẹ. Chỉ có như vậy, các vấn đề nhức nhối xung quanh thực trạng nạo phá thai ở Việt Nam mới được khắc phục.
Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về pháp luật dân sự tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay