Thời gian nghỉ thai sản có được công ty đóng bảo hiểm xã hội không?

bởi Hoàng Hà
Thời gian nghỉ thai sản có được công ty đóng bảo hiểm xã hội không?

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, Hiện nay số lượng lao động nữ trong các công ty chiếm phần lớn và như chúng ta biết rằng họ phải thực hiện thiên chức làm mẹ. Do đó có rất nhiều lao động nữ cũng như người sử dụng lao động trong các công ty băn khoăn không biết thời gian nghỉ thai sản thì công ty có phải đóng bảo hiểm không? Người lao động lúc này có được tính là đóng bảo hiểm xã hội hay không? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
  • Nghị định 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 11 tháng 11 năm 2015 Quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc;
  • Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ lao động Thương binh và Xã hội ban hành ngày 29 tháng 12 năm 2015 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc;
  • Quyết định 595/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội ban hành ngày 14 tháng 04 năm 2017 ban hành quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế;
  • Các văn bản hướng dẫn có liên quan khác.

Nội dung tư vấn

1. Trách nhiệm tham gia

Theo khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 giải thích:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

2. Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.

Căn cứ theo điểm a, b khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về đối tượng áp dụng bảo hiểm xã hội như sau:

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạnhợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.

Theo các quy định trên thì người lao động làm việc ở trong các công ty theo hợp đồng lao động sẽ thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. 

2. Bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ thai sản tính như thế nào?

Khi mang thai, sinh con người lao động sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định để đảm bảo thực hiện thiên chức của người phụ nữ. 

Khoản 2 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

Điều 39. Mức hưởng chế độ thai sản

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Như vậy trong thời gian nghỉ để hưởng chế độ thai sản thì người lao động và người sử dụng đều không phải đóng bảo hiểm xã hội khi thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày trở lên trong tháng. Do vậy công ty sẽ không cần đóng bảo hiểm xã hội cho những đối tượng này. Tuy nhiên thời gian nghỉ trên vẫn được coi như là thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội.

3. Những vấn đề cần lưu ý 

Trong khi hưởng chế độ thai sản có thể hợp đồng lao động của người lao động hết thời hạn hoặc người lao động vì một số lý do nào đó mà muốn đi làm trước thời hạn nghỉ hay có những trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng trước khi sinh con thì thời gian tính tham gia sẽ khác nhau. Căn cứ theo quy định tại Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì khi gặp các trường hợp trên sẽ xử lý như sau:

  • Trường hợp hợp đồng lao động hết thời hạn trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản: thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi hợp đồng lao động hết thời hạn được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thời gian hưởng chế độ thai sản sau khi hợp đồng lao động hết thời hạn không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
  • Thời gian hưởng chế độ thai sản của người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi: không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
  • Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định: thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại nhưng người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
  • Trường hợp người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng, người mẹ nhờ mang thai hộ, người cha nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng chế độ thai sản mà không nghỉ việc: người lao động và người sử dụng lao động vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Từ những phân tích trên thấy rằng thời gian mà người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội, Công ty cũng không phải đóng. Mặc dù không phải đóng nhưng thời gian đó vẫn được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội. Điều này phù hợp với bản chất của bảo hiểm xã hội là bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do thai sản.

Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn đọc!

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm