Theo quy định của pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất có thu nhập chịu thuế thì đều phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc nộp thuế nhằm đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước. Vậy thuế thu nhập doanh nghiệp là gì? Bài viết dưới đây của Luật sư X sẽ giúp bạn hiểu hơn về khái niệm này.
Căn cứ pháp lý
- Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008
- Luật sửa đổi, bổ sung luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2013
- Nghị định 12/2015/NĐ-CP
- Văn bản hợp nhất số 12/VBHN-BTC năm 2015
- Thông tư 96/2015/TT-BTC
Nội dung tư vấn
1. Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?
Thuế thu nhâp doanh nghiệp là loại thuế trực thu đánh trên phần thu nhập sau khi trừ đi các khoản chi phí hợp lý, hợp pháp liên quan đến thu nhập của đối tượng nộp thuế.
2. Vì sao phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp?
Doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là nhằm mục đích:
– Thứ nhất, Đem lại một khoản thu cho ngân sách nhà nước.
– Thứ hai, Điều tiết các khoản thu nhập đã, đang và sẽ phát sinh trong nền kinh tế thị trường.
– Thứ ba, Thông qua ưu đãi về thuế suất, về miễn thuế, giảm thuế, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Việt Nam.
– Thứ tư, Thông qua việc thực hiện chức năng tái phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội.
– Thứ năm, Khuyến khích, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển theo chiều hướng kế hoạch, chiến lược, phát triển toàn diện của Nhà nước
3. Chủ thể nào phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp?
Căn cứ theo Điều 2 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 và Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2013, các đối tượng sau phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp:
Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế bao gồm:
Các tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ:
+ Doanh nghiệp Nhà nước.
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.
+ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
+ Công ty nước ngoài và tổ chức nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
+ Các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và các đơn vị hành chính, sự nghiệp có tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
+ Hợp tác xã, tổ hợp tác.
+ Doanh nghiệp tư nhân.
+ Các tổ chức khác có sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Cá nhân trong nước sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ:
+ Cá nhân và nhóm cá nhân kinh doanh.
+ Hộ cá thể.
+ Cá nhân hành nghề độc lập: bác sĩ, luật sư, kế toán, kiểm toán, họa sĩ, kiến trúc sư, nhạc sĩ và những người hành nghề độc lập khác.
+ Cá nhân cho thuê tài sản như: nhà, đất, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị và các loại tài sản khác.
+ Hộ gia đình, cá nhân trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, có đầy đũ 2 điều kiện: giá trị sản phẩm hàng hóa trên 90 triệu đồng/năm và thu nhập trên 36 triệu đồng/ năm phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần thu nhập trên 36 triệu đồng/năm.
Công ty nước ngoài hoạt động kinh doanh thông qua cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Cơ sở thường trú của công ty nước ngoài tại Việt Nam là cơ sở kinh doanh mà thông qua cơ sở này công ty nước ngoài thực hiện một phần hay toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam mang lại thu nhập. Cơ sở thường trú của công ty nước ngoài tại Việt Nam bao gồm các hình thức sau:
+ Công ty đó có tại Việt Nam: chi nhánh, trụ sở điều hành, văn phòng (trừ văn phòng đại diện thương mại không được phép kinh doanh theo pháp luật Việt Nam), nhà máy, xưởng sản xuất, kho giao nhận hàng hoá, phương tiện vận tải, hầm mỏ, mỏ dầu hoặc khí đốt, địa điểm thăm dò hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên hay các thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc thăm dò tài nguyên thiên nhiên.
+ Công ty đó có tại Việt Nam: địa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt hoặc lắp ráp; các hoạt động giám sát xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt, lắp ráp.
+ Công ty đó thực hiện việc cung cấp dịch vụ ở Việt Nam thông qua nhân viên của công ty hay một đối tượng khác được công ty ủy nhiệm thực hiện dịch vụ cho một dự án hay nhiều dự án.
+ Công ty đó có tại Việt Nam đại lý môi giới, đại lý hưởng hoa hồng hoặc bất kỳ một đại lý nào khác.
+ Công ty đó ủy nhiệm cho một đối tượng tại Việt Nam có thẩm quyền ký kết các hợp đồng đứng tên công ty hoặc không có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên công ty nhưng có quyền thường xuyên đại diện cho công ty giao hàng hoá, cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.
Cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
Như vậy, nếu bạn hoặc doanh nghiệp của bạn thuộc một trong các đối tượng nói trên thì bạn phải có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
4. Một số đối tượng không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Căn cứ theo điều 4 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 và thông tư 96/2015/TT-BTC, có 12 trường hợp được pháp luật miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm:
- Thu nhập từ việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp;
- Thu nhập liên quan đến nông nghiệp;
- Thu nhập từ việc thực hiện nghiên cứu khoa học công nghệ;
- Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục;
- Doanh nghiệp có từ 30% số lao động là người khuyết tật;
- Thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho một số đối tượng;
- Thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải;
- Thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn sau khi bên nhận góp vốn đã nộp thuế;
- Thu nhập từ thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao;
- Thu nhập từ chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên;
- Thu nhập của văn phòng thừa phát lại;
- Phần thu nhập không chia.
Hy vọng bài viết hữu ích đối với bạn!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về luật sư doanh nghiệp tại Việt Nam.
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.