Ngoài khái niệm “Luật sư tư vấn” thì còn có một khái niệm khác cũng được đề cập đến rất nhiều, đó là “Luật sư tranh tụng”. Vậy, “luật sư tranh tụng” được hiểu như thế nào? Cùng tham khảo bài viết dưới đây của LSX
Ngày nay, phạm vi hành nghề pháp lý của các luật sư đa dạng và mở rộng ra hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo đó luật sư được quyền tham gia vào quá trình tố tụng trong các vụ án lao động, thương mại, dân sự, hình sự và hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình trước các cơ quan tố tụng có thẩm quyền. Ngoài ra, luật sư cũng có thể hoạt động hành nghề ngoài tố tụng thông qua việc tư vấn pháp luật và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo quy định của pháp luật.
Vai trò của luật sư có thể hiểu một cách cơ bản dưới hai hình thức: Luật sư tư vấn và Luật sư tranh tụng. Vậy, như thế nào thì được coi là một luật sư tranh tụng? Những kỹ năng cần thiết để trở thành một luật sư tranh tụng?
1. Khái niệm
Ở Việt Nam hiện vẫn chưa có một khái niệm cụ thể nào về thuật ngữ “luật sư tranh tụng”. Theo Từ điển tiếng Việt, “tranh tụng” có nghĩa là “kiện cáo lẫn nhau”. Theo nghĩa Hán Việt thì “tranh tụng” được ghép từ hai từ “tranh luận” và “tố tụng”. Còn giải thích theo Từ điển Luật học của Viện khoa học pháp lý, Nhà xuất bản Tư pháp năm 2005, “tranh tụng” được hiểu là “hoạt động tố tụng được thực hiện bởi các bên tham gia tố tụng (bên buộc tội và bên bị buộc tội) có quyền bình đẳng với nhau trong việc thu thập, đưa ra chứng cứ để bảo vệ quan điểm và lợi ích của mình, phản bác lại các quan điểm và lợi ích của phía đối lập”.
Có thể thấy, bản chất của tranh tụng là quá trình công khai tranh luận giữa các bên dưới sự điều khiển của Tòa án để phân tích, thẩm định, đánh giá chứng cứ nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án, tạo cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án một cách khách quan theo đúng pháp luật.
Dưới góc độ thực tiễn hành nghề luật sư, “luật sư tranh tụng” là người sẽ tham gia vào quá trình tranh tụng bắt đầu từ khi các đương sự thực hiện quyền khởi kiện, trong quá trình giải quyết vụ án và kết thúc khi có bản án hoặc quyết định có hiệu lực của Tòa án hoặc trọng tài. Hiện nay, phạm vi hành nghề của luật sư tranh tụng đã được mở rộng hơn, không chỉ gói gọn ở việc hỗ trợ khách hàng trong các vụ kiện tại cơ quan xét xử mà còn giải quyết các tranh chấp ngoài tòa án, tức là thông qua biện pháp thương lượng và đàm phán với bên có lợi ích đối lập.
2. Kỹ năng cần thiết đối với người luật sư tranh tụng
Bên cạnh kiến thức chuyên môn cần phải được trau dồi, mài dũa thì một phần không thể thiếu, có vai trò rất quan trọng đối với một luật sư tố tụng đó là việc rèn luyện những kỹ năng cơ bản. Cụ thể,
Kỹ năng giao tiếp: được thể hiện dưới hình thức lời nói, bằng văn bản và cả phương thức lắng nghe
Một người luật sư tranh tụng phải biết cách trình bày để các bên, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng hiểu rõ ý kiến, quan điểm của mình nhằm bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho khách hàng. Luật sư nên nói rõ ràng, dùng từ chính xác, trong sáng, dễ hiểu ; sắc thái nói nên điềm tĩnh, lịch sự và tự tin.
Một người luật sư cần phải sở hữu khả năng viết sắc sảo, tinh tế và đầy tính thuyết phục. Trong tranh tụng, người luật sư thường xuyên phải trình bày ý kiến của mình bằng văn bản nên cần viết rõ ràng, ngắn gọn, súc tích, truyền tải đúng quan điểm, trọng tâm nội dung mình muốn đề cập.
Ngược lại của giao tiếp là sự lắng nghe. Lượng thông tin mà khách hàng đem tới là vô cùng lớn và đôi khi phức tạp và đôi khi cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra những yêu cầu khác nhau; trong khi đó luật sư tố tụng lại chỉ lắng nghe một cách hời hợt, qua loa thì rất có thể bỏ sót những thông tin quan trọng, mấu chốt của vụ việc. Vì thế, việc rèn luyện cho mình kỹ năng lắng nghe chính xác sẽ giúp giảm thiểu việc bỏ sót thông tin quan trọng.
Kỹ năng tranh luật sắc bén: Đây là kỹ năng mà một người luật sư tố tụng bắt buộc phải có.
Tranh luận là việc luật sư vận dụng quy định pháp luật và tình tiết sự việc tạo thành hoạt động sử dụng ngôn từ pháp lý một cách logic, đưa ra các luận điểm, luận cứ, luận chứng chặt chẽ có căn cứ, chứng cứ rõ ràng nhằm khẳng định hoặc bác bỏ một vấn đề nhằm bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng.
Luật sư cần phải sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, cô đọng và thuyết phục; tận dụng mọi chi tiết trong vụ án để đem lại được ưu thế, thuận lợi cho phía khách hàng của mình. Muốn tranh luận tốt đòi hỏi ở người luật sư đó phải có sự tự tin, sự vững vàng, dũng cảm trong bản lĩnh và cần một sự chuẩn bị chu đáo, cẩn thận. Đặc biệt, trong quá trình tranh luận phải luôn tránh những lời nói đả kích, xúc phạm đến đồng nghiệp, các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng khác.
Kỹ năng nghiên cứu, phân tích
Nghiên cứu hồ sơ, tài liệu; nghiên cứu những quy định của pháp luật là việc không hề đơn giản, nó đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình bảo vệ khách hàng của luật sư. Vì vậy, người luật sư cần kiên nhẫn đọc, tiếp thu một khối thông tin lớn; để từ đó chắt lọc, phân tích tài liệu và những con số, có những nhận định đa chiều để đưa ra được hướng giải quyết tốt nhất cho vụ án, bảo vệ được quyền, lợi ích của khách hàng.
Kỹ năng đàm phán
Đưa vụ án ra xét xử chỉ khi không thể hòa giải, không thể thương lượng, đàm phàn được nữa mà buộc phải chọn con đường nhờ Tòa án xét xử. Kỹ năng đàm phán không chỉ đơn thuần là đưa ra lời khuyên, nhận định của luật sư đến với những người liên quan trong vụ việc mà nó phải được thực hiện tuân thủ theo nguyên tắc: Mềm mỏng về yếu tố con người (sự thiện chí), tuy nhiên, cứng rắn về bản chất sự việc, tìm giải pháp thuyết phục và thuận lợi cho cả đôi bên.
Kỹ năng về sự bình tĩnh
Kỹ năng này vô cùng quan trọng và cần thiết trong quá trình giải quyết vụ việc, mất bình tĩnh không những không có lợi mà nó còn khiến những bất lợi có thể phát sinh. Một luật sư tranh tụng không thể vạch ra cho mình hết tất cả những tình huống có thể phát sinh trong vụ việc; tuy nhiên, khi xảy ra những tình huống không được dự liệu trước, cách giải quyết tốt nhất là giúp mọi người giữ được sự bình tĩnh và tập trung vào việc tháo gỡ nó. Điều này cho thấy “cái đầu lạnh và trái tim nóng” quan trọng với một người luật sư tố tụng như thế nào.
Hy vọng bài viết đem đến những thông tin hữu ích đối với bạn đọc.
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay